Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp nhà nước phải cùng đất nước tăng trưởng cao, bền vững

Sáng 15.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân15/04/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, đặc biệt có 68 doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên trước khó khăn, thách thức, biến động mới, Chính phủ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình, bàn giải pháp, cùng nhau vượt qua, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, trong đó doanh nghiệp nhà nước có vai trò chủ đạo.

Theo Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Do đó, trước những khó khăn, thách thức, chúng ta phải bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ, song cũng không chủ quan, lơ là; phát huy tính tự lực, tự cường, càng khó khăn, càng nỗ lực, cố gắng vượt qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, năm nào chúng ta cũng gặp những khó khăn, thách thức từ đại dịch COVID-19 đến các xung đột gây đứt gẫy chuỗi cung ứng, sản xuất; ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nước; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn; bão lụt, sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trên không thể khó khăn bằng khi Việt Nam tiến hành các cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc, thời kỳ bị bao vây cấm vận, tiến hành công cuộc đổi mới từ “hai bàn tay trắng”… Nhờ sự thống nhất, đồng lòng, tự lực, tự cường, vượt qua chính mình, Việt Nam đã tự tin, đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trong đó có vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng cho biết, hiện nay nước ta đang triển khai quyết liệt, thực hiện “bộ tứ chiến lược” gồm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp đơn vị hành chính địa phương; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Cùng với đó, thực hiện 3 đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế; phát triển hạ tầng chiến lược; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cho rằng, dường như thế giới đang xảy ra “cuộc chiến tranh thương mại”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, Việt Nam không chỉ có một thị trường duy nhất mà có nhiều thị trường; không chỉ có động lực tăng trưởng duy nhất là xuất khẩu mà có nhiều động lực tăng trưởng. Do đó, phải đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nhấn mạnh, hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước hôm nay, được xem như “Hội nghị Diên Hồng” trước khó khăn, thách thức thương mại toàn cầu; với tinh thần mỗi người đều phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm để “góp gió thành bão”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá, phân tích tình hình; đồng thời đề xuất các giải pháp, với những đột phá, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm” để cùng vượt qua khó khăn, thách thức.

Lưu ý “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đạt 8% trở lên gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

thong-doc-150425.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

* Theo Bộ Tài chính, năm 2024, cả nước có 671 doanh nghiệp nhà nước, gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Năm 2024, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 227 ngàn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh; đặc biệt tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tại hội nghị được ví như “Hội nghị Diên Hồng” của Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh thương mại toàn cầu có những khó khăn, thách thức mới, lãnh đạo các bộ, ngành, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Trong đó, các đại biểu đề xuất giải pháp tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistics và hạ tầng thông minh... Cùng với đó, tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng doanh nghiệp công nghệ trong nước triển khai các nhiệm vụ nội địa hóa các công nghệ nền tảng và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số; xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp nhà nước tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước…

dau-khi-150425.jpg
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù số lượng các Tập đoàn, Tổng công ty chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta nhưng nắm giữ vai trò, vị trí then chốt là một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành kinh tế - kỹ thuật chủ chốt; nắm giữ phần lớn tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước cũng như tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; góp phần ổn định, phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm của đất nước.

Thủ tướng nhắc lại, chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số, tham gia dẫn dắt quá trình chuyển đổi số, tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước phải tăng trưởng ở mức cao, bền vững để góp phần cùng đất nước tăng trưởng cao, nhanh, bền vững, nhất là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng; giảm nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, kiểm soát bội chi ngân sách…

doanh-nghiep-150425.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Để thực sự tiên phong trong chuyển đổi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa chuyển đổi số; xây dựng dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ của doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số của doanh nghiệp, góp phần hạ tầng số của cả nước; quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ, thông tin, dữ liệu; xây dựng đội ngũ cán bộ, người lao động số, góp phần xây dựng công dân số.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước phải tích cực, chủ động làm mới, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư, trong đó mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mở rộng đầu tư, tận dụng thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân, phát triển cả thị trường trong nước, ngoài nước; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; áp dụng giải pháp quản trị thông minh, giảm chi phí quản lý, dành kinh phí cho đầu tư.

Yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện rà soát, tháo gỡ các vướng mắc liên quan thể chế, đặc biệt là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; xóa bỏ ngay tư duy “không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm”; rà soát, loại bỏ toàn bộ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; tăng cường phòng, chống tham nhũng tiêu cực; mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp; điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa hợp lý, hiệu quả, trong đó tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài…

Khẳng định: Chính phủ luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng giải quyết các đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng các bộ, ngành, doanh nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp trên với tinh thần 6 rõ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm” và với trí tuệ, kinh nghiệm sẵn có và tích lũy theo thời gian, doanh nghiệp nhà nước sẽ đi đầu trong chuyển đổi số và tăng trưởng nhanh, bền vững.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-cung-dat-nuoc-tang-truong-cao-ben-vung-post410284.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm