Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe khẳng định, doanh nghiệp đang đối diện trước nhiều khó khăn về sản xuất, đơn hàng, thị trường... Từ khó khăn trên buộc doanh nghiệp Việt phải sắp xếp và cơ cấu lại doanh nghiệp sao cho hiệu quả nhất.
Đây cũng chính là lý do mà có đến 37% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm nhân sự, 25% thúc đẩy tự động hóa. Kết quả khảo sát của đơn vị này cho hay, năm 2024 có 28% đã tái cơ cấu. Dự báo năm nay, sẽ có khoảng 10% doanh nghiệp tiếp tục thực hiện kế hoạch này. Mặc dù cố sắp xếp theo hướng tinh gọn nhưng 46% DN cho rằng thật khó tuyển dụng nhân sự giỏi.

Tương tự, khi nhận định về thị trường lao động những tháng đầu năm, Vieclam24h.com thông tin, trong hai tháng đầu năm 2025, thị trường lao động Việt Nam ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm 2024.
Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, nhu cầu tuyển dụng tăng 19% so với năm trước, phản ánh xu hướng mở rộng nhân sự của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự gia tăng này chưa đi đôi với nguồn cung lao động, khi nhu cầu tìm việc chưa đáp ứng đồng đều giữa các ngành nghề.

Theo Báo cáo Tương lai việc làm 2025 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, quá trình chuyển đổi cơ cấu sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động giai đoạn 2025 - 2030. Dự kiến khoảng 8% tổng số việc làm hiện tại (tương đương 92 triệu vị trí), sẽ biến mất nhưng cũng có các vị trí mới được tạo ra.
Xu hướng này buộc người lao động phải chuyển nghề nếu không muốn bị thất nghiệp. Tuy vậy, thách thức lớn nhất là doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên phải có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn. Hầu hết đều là kỹ năng cao cấp như: sử dụng AI, công nghệ số, tư duy phân tích, khả năng thích ứng linh hoạt và năng lực lãnh đạo.
Nguồn: https://baolaocai.vn/doanh-nghiep-viet-dang-tai-co-cau-nhan-su-post400664.html
Bình luận (0)