Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo “chợ di động”

Ở An Giang, rất dễ nhìn thấy “chợ di động”. Chúng là những chiếc xe đẩy và xuồng ghe chở đầy ắp hàng hóa, đồ ăn rong ruổi khắp ngõ xóm, kênh rạch, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của người dân.

Báo An GiangBáo An Giang07/05/2025

Ở cái “chợ di động” này, người dân có thể tìm mua bó rau, miếng thịt, gói xôi, bánh trái, đường, muối, vật dụng gia đình, cho đến cây giống rau màu... Hình ảnh “chợ di động” được bà con vui vẻ chào đón, trở thành nét văn hóa đẹp của người dân miền sông nước. Hàng hóa trên xe đẩy lưu động rong ruổi khắp xã, thị trấn, vào tận ngõ, ấp, giúp bà con đỡ nhọc công đi chợ.

Các tiểu thương chất lên đủ thứ để bán, theo đúng nghĩa “mang nguyên cái chợ lên chiếc xe đẩy”. Có xe chỉ có 1 món hàng đặc trưng. Nhưng có xe được người bán thiết kế mái che, móc treo với đủ mặt hàng, từ đồ tươi sống cho đến đồ tạp hóa. Tờ mờ sáng, khi mọi người còn đang ngon giấc, họ tìm đến chợ đầu mối lấy hàng thiết yếu, tươi mới để phục vụ bà con. Chiếc xe đẩy hàng đi trước, tiếng rao theo đó vang lên. Vậy là, khỏi phải bỏ công đi chợ xa, bà con muốn mua gì chỉ cần chờ xe đẩy đi qua, ngoắc vô là có ngay mâm cơm ngon cho gia đình.

Ở quê, cứ nhìn chiếc xe đẩy là biết nông dân đang trồng vụ gì, cây gì, mùa nào loại đó. Chẳng hạn, vào những ngày cận Tết, xe đẩy sẽ được bổ sung hàng hóa Tết, nào bánh mứt, hoa kiểng, quần áo may sẵn, mùng mền, chiếu gối... mẫu mã mới, đa dạng hơn cho bà con lựa chọn. Còn mùa nước lên, sẽ có thêm bông điên điển, bông súng... Bên cạnh đó, xe đẩy cũng góp phần đưa hàng hóa từ làng nghề truyền thống đi khắp nơi. Từ tranh kiếng, lò đất, bánh phồng, sản phẩm rèn... đều được người bán đặt lên xe đẩy giới thiệu rành rọt với người mua.

Việc đẩy xe đi bán hàng ngày ở nông thôn trở thành nghề ổn định, trong khi đồng vốn bỏ ra không nhiều. Gần 12 giờ trưa, thời tiết có thời điểm lên đến 39 - 40 độ C, hơi nóng bốc lên từ mặt đường bê-tông khiến người đi đường cảm thấy vô cùng nóng rát, khó chịu. Vậy nhưng, chị Lê Thị Kim Em (huyện Châu Phú) cùng chiếc xe đẩy bún cua, bún cá của mình rong ruổi khắp nơi. Chị Kim Em chia sẻ: “Tôi bán lâu năm, người ta ăn quen, mua hoài. Tuy cực nhưng kiếm thêm được thu nhập cho gia đình, được phục vụ người dân nên tôi thấy vui”.

Còn bà Phạm Thị Dung (huyện Chợ Mới) chọn cho mình nghề bán chè, sương sa, bánh lọt hơn 20 năm. Những hôm trời nắng gắt, xe đẩy như nặng hơn. Có tuổi rồi, sức khỏe chẳng được như xưa, đi được một đoạn bà lại phải dừng nơi có bóng mát ngồi nghỉ, bớt mệt mới đi bán tiếp. Do có kinh nghiệm bán hàng lâu năm, chè, sương sa, bánh lọt ngon, bán lại rẻ nên khách của bà chủ yếu là người quen. “Đi bán thì mùa nắng, mùa mưa gì cũng cực, nhưng mùa nắng được cái bán đắt, mau hết. Bán mấy chục năm nay riết rồi quen, còn trẻ tôi bán để nuôi gia đình, con cái đi học. Bây giờ lớn tuổi, con cái có gia đình và công việc ổn định, nghỉ ở nhà thì buồn nên tôi ráng bán thêm vài năm, khi nào đi hết nổi thì nghỉ” - bà Dung chia sẻ.

An Giang có địa hình sông ngòi dày đặc, nên các hoạt động kinh doanh buôn bán trên xuồng, ghe khá phổ biến. Việc buôn bán trên sông là hình thức giao thương chủ yếu của bà con miền sông nước, dễ dàng vận chuyển hàng hóa đi xa. Nằm trên dòng sông Hậu yên bình, chợ nổi Long Xuyên buôn bán nhiều mặt hàng do thương hồ khắp nơi chở về. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, bà con lên xuồng nổ máy chuẩn bị cho phiên chợ sớm, tiếng người, tiếng sóng rộn rã khắp nơi. 

Thuyền buôn lớn họp sớm, ghe xuồng nhỏ họp muộn hơn, nhưng cũng khoảng 8 - 9 giờ sáng chợ tan. Một nét văn hóa đặc trưng của chợ nổi là hàng hóa được bày bán, giới thiệu trên cây sào, người dân gọi là “cây bẹo”. Khách hàng có thể nhìn vào “cây bẹo” được treo lủng lẳng trước mũi ghe để lựa chọn sản phẩm mình muốn mua. Mỗi chiếc ghe bán món hàng khác nhau, từ rau, củ, quả cho tới vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày.

Chầm chậm đi qua từng con đường quê, ngõ hẻm, kênh rạch, những tiếng rao quen thuộc vang khắp nơi. Hành trình của những “chợ di động” này bắt đầu từ sáng sớm mọi người chưa thức giấc đến tận chiều tối, rong ruổi hết mùa nắng lại đến mùa mưa, vừa gần gũi lại thân thương, trở thành nét văn hóa đẹp của người dân miền sông nước.

 THANH THANH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/doc-dao-cho-di-dong--a420288.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm