Tuy vậy, những hiểu biết đó thường còn dừng ở mức cảm tính. Theo dịch giả Thúy Toàn, “Sau "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh cũng có thể được coi là một kỷ lục nữa về một tác phẩm văn học được nhiều lần dịch sang các thứ tiếng trên thế giới”. Mới đây, sách "Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài" của Võ Xuân Quế đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh, tường tận về hiện tượng này.

Sau phi lộ, như một cách trình bày lịch sử vấn đề, Võ Xuân Quế hệ thống các bản dịch "Nhật ký trong tù" ra tiếng nước ngoài qua đánh giá của từng tác giả, cơ quan nghiên cứu, hội thảo... Tình trạng dễ hiểu là chúng khác nhau, chưa đầy đủ, chính xác. Với mong muốn bổ khuyết, sau 5 năm làm việc, ông lập được danh sách gồm “ít nhất” 37 ngôn ngữ/chữ viết. Xếp theo thứ tự bảng chữ cái, đó là Ả Rập, Albania, Anh, Ba Lan, Ba Tư, Basque, Belarus, Bengali, Bồ Đào Nha, Croatia, Czech, Đan Mạch, Đức, Esperanto, Galicia, Hàn Quốc, Hebrew, Hindi, Hungary, Hy Lạp, Italia, Kazakh, Lào, Malayalam, Myanma, Mông Cổ, Na Uy, Nga, Nhật, Pháp, Phần Lan, Rumani, Slovak, Sinhala, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Uzbek. Quả là kỳ công, vì có thể nhiều người còn chưa biết đến vài ngôn ngữ trong số này. Tiếng Anh có 8 bản dịch, nhiều nhất, tiếp theo là Bengali, Nhật, Tây Ban Nha... Võ Xuân Quế rất tỉ mỉ “đính” kèm tên sách từng ngôn ngữ, người dịch, nơi và năm xuất bản. Và cạnh đó còn bao điều “chưa biết”: Những bản dịch chưa được biết đến ở Việt Nam, những bản dịch đã sưu tầm mà chưa được giới thiệu...
Thật thú vị khi xem “tự sự” của nhà thơ Anh John Birtwhistle: “Như vậy, bạn có thể thấy rằng "Nhật ký trong tù", được viết bằng một ngôn ngữ và bởi một chính trị gia, đã khiến tôi quan tâm trong nhiều thập kỷ với thơ của chính mình. Có thể nói việc tôi sáng tác lại phiên bản "Prison Diary" của Palmer đã góp phần hình thành sự phát triển thơ ca của chính tôi”.
Chỉ gần 200 trang, song "Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài" không dễ đọc với số đông. Tác giả khiêm tốn ghi công việc của mình là “sưu tầm, giới thiệu”, nhưng đây quả là một công trình nghiên cứu dày dặn, công phu, chiếm nhiều thời gian, công sức, chất xám.
Tiến sĩ Võ Xuân Quế vốn là cán bộ nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, hiện sống ở Phần Lan. Quan hệ rộng rãi với giới học thuật ngoài nước, vốn ngoại ngữ, môi trường làm việc cho ông tiếp cận dễ hơn với nhiều nguồn thông tin gốc, lại “buộc phải” thật quy củ trong phương pháp. Ông tôn trọng tư liệu, “lượng hóa” những tin tức tản mát rất cần thiết để tạo sự khách quan. Với phương pháp khoa học nghiêm túc, sách đem lại lòng tin, củng cố niềm tự hào cho những người yêu "Nhật ký trong tù" thêm vững chắc.
Cuốn "Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài" do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/doc-de-them-tu-hao-698789.html
Bình luận (0)