BHG - Hà Giang có 34 xã, thị trấn biên giới, 123 thôn giáp biên, là nơi tập trung phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Nhờ đẩy mạnh công tác dân vận của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả đã giúp nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, xây dựng biên giới hòa bình, phát triển.
Xã biên giới Thàng Tín (Hoàng Su Phì) tập trung phần lớn đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Mông sinh sống. Nhiều hủ tục trong nếp sống, sinh hoạt tồn tại lâu đời khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Lực lượng vũ trang huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp thực hiện mô hình “dân vận khéo” bài trừ hủ tục trong nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện và Đồn Biên phòng Thàng Tín phối hợp với các đoàn thể của xã trực tiếp đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, không cho con cháu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không vượt biên trái phép qua bên kia biên giới lao động tự do; thay vào đó tìm hiểu cơ hội việc làm tại các công ty, khu công nghiệp trong nước. Đến nay, đã có hơn 200 thanh niên xã Thàng Tín tìm được việc làm, có thu nhập ổn định mỗi tháng từ 15 – 25 triệu đồng tại các công ty khai thác than ở Quảng Ninh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Các lực lượng tham gia hỗ trợ người dân xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) xóa nhà tạm. |
Để giúp đời sống bà con vùng đồng bào DTTS khu vực biên giới ngày càng khởi sắc, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động dân vận hướng về cơ sở. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới, bài trừ hủ tục, giữ gìn an ninh trật tự. Qua đó, diện mạo các khu vực biên giới của tỉnh có nhiều thay đổi, sản xuất và đời sống nhân dân được nâng lên, nhiều mô hình kinh tế được tập trung triển khai thực hiện như: Phát triển các cây, con đặc hữu có giá trị kinh tế cao (cây ăn quả ôn đới, dược liệu, chè Shan tuyết, bò, lợn đen, mật ong Bạc hà); giao khoán bảo vệ rừng; cải tạo vườn tạp... góp phần phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác dân vận vùng đồng bào DTTS khu vực biên giới của tỉnh cũng có mặt hạn chế. Hình thức tuyên truyền, vận động ở một số nơi còn chung chung, chưa sát đối tượng. Một số chương trình, dự án chưa phát huy hiệu quả, chưa giải quyết triệt để những khó khăn trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất sản xuất, nước sản xuất và sinh hoạt, ổn định dân cư, đầu tư hạ tầng thiết yếu. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS còn cao; nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra. Có nơi chưa thực sự chú trọng công tác dân vận, coi đó là trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở có mặt còn hình thức...
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì cùng nhân dân làm đường bê tông nông thôn |
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, các cấp ủy, chính quyền đã tích cực đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS ở khu vực biên giới theo hướng linh hoạt, phù hợp. Tập trung hỗ trợ đồng bào các DTTS phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống bằng việc hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Vận động người dân không nghe theo các luận điệu xuyên tạc; không di cư tự do, không theo đạo trái pháp luật, tích cực tham gia phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới; giữ gìn an ninh trật tự cơ sở, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh.
Đặc biệt, chú trọng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với trình độ và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào DTTS. Chú trọng phương pháp tuyên truyền, vận động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, qua những mô hình, tấm gương điển hình tiên tiến để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào DTTS khu vực biên giới, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa, y tế, điện, nước sinh hoạt và sản xuất... nhằm phục vụ dân sinh, cải thiện điều kiện sinh kế cho nhân dân. Quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin giúp người dân có điều kiện tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật, khơi dậy ý chí vươn lên của đồng bào, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Nguồn: https://baohagiang.vn/xa-hoi/202504/doi-moi-cong-tac-dan-van-vung-dan-toc-thieu-so-khu-vuc-bien-gioi-4ec3613/
Bình luận (0)