Tại Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa X tổ chức tháng 7/2024 đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết đã đề ra 5 mục tiêu, 5 giải pháp thực hiện, trong đó yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phát huy dân chủ ở cơ sở gắn liền với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; đổi mới, sáng tạo về hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo thực chất, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân.
Theo đó, thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã đổi mới phương pháp thực hiện dân chủ cơ sở theo hướng gần dân, sát dân hơn; tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, những nội dung công khai để Nhân dân biết như các dự án thu hồi đất, quy hoạch, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng… đều thực hiện công khai niêm yết ở trụ sở UBND, thông báo trên hệ thống truyền thanh, qua họp dân. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách đều được thông báo đến Nhân dân, được bàn bạc với Nhân dân, Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến thông qua các cuộc họp; nhiều kỳ họp HĐND của một số xã, phường, thị trấn đã cho truyền thanh trực tiếp trên đài truyền thanh xã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo Nhân dân, tạo ra không khí dân chủ, cởi mở và nâng cao trách nhiệm của người đại biểu đối với Nhân dân.
Bên cạnh đó, đối với những vấn đề Nhân dân bàn và quyết định luôn được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tổ chức cho Nhân dân thảo luận, bàn bạc tập thể và thống nhất các nội dung như: Tham gia ý kiến và lấy phiếu tín nhiệm đối với những người ứng cử chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố; công khai thu, chi các nguồn vận động đóng góp của Nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới, việc huy động sức dân để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, giao thông nông thôn; công khai bình xét hộ nghèo hằng năm, thực hiện các chính sách hỗ trợ khác về vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho Nhân dân. Trong thực hiện các chương trình, dự án có hỗ trợ kinh phí đều được công khai trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương, thông qua họp dân về đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ…, từ đó đã phát huy tinh thần dân chủ trong Nhân dân.
Những nội dung Nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định như xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố được chú trọng; hiện nay, 100% thôn, tổ dân phố đã xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hương ước, quy ước và được UBND cấp xã công nhận đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành, qua đó hình thành tập quán, nếp sống mới tiến bộ, lành mạnh và văn minh hơn.
Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định như việc lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng đều được Nhân dân dân chủ bàn bạc đi đến thống nhất.
Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình bằng hình thức thông qua người đại diện là Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc trực tiếp giám sát thông qua Luật Khiếu nại tố cáo và kiến nghị đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền. Ban thanh tra nhân dân xã đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát, kiểm tra nhiều công trình xây dựng, qua đó đã phát hiện những dấu hiệu, hành vi vi phạm; giám sát chất lượng công trình để kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổ chức Hội nghị CBCCVCNLĐ hằng năm là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở
(Ảnh: Hội nghị CBCCVCNLĐ Văn phòng UBND tỉnh năm 2025)
Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của họ trong thực hiện nhiệm vụ công tác.
Cùng với đó là tổ chức giao ban hằng tháng, định kỳ giữa lãnh đạo đơn vị với các phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để đánh giá công tác của cơ quan và đề ra chương trình, biện pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai tài chính, việc quản lý mua sắm sử dụng thiết bị, phương tiện và các tài sản của cơ quan, hướng dẫn và nắm bắt tình hình để có kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Thông báo công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết như việc tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương, nâng ngạch và đề bạt cán bộ, công chức; kinh phí hoạt động và quyết toán kinh phí hằng năm của cơ quan; nội quy, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ cơ quan...
Thực hiện dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân được các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2022 đến năm 2024, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã thực hiện gần 200 cuộc tiếp dân, đối thoại với trên 250 lượt công dân; các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 3.493 cuộc tiếp công dân với 3.630 lượt công dân; tiếp nhận 6.921 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Những ý kiến, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại cơ bản được lãnh đạo trực tiếp trao đổi, giải trình làm rõ, kịp thời giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, hạn chế đơn thư vượt cấp; tỷ lệ giải quyết các đơn thư hằng năm đều đạt trên 80%.
Năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình gặp mặt đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của
đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh
Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh duy trì việc tiếp xúc đối thoại với thanh niên theo Luật Thanh niên, đồng thời mở rộng các cuộc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với các đối tượng là phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, doàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5/5 doanh nghiệp nhà nước ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và ký kết thỏa ước lao động tập thể; có 41/43 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn (có từ 10 lao động trở lên) tổ chức hội nghị người lao động, đạt tỷ lệ 95,3%...
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để về đích Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đây cũng là năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt trong năm sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vì vậy, yêu cầu về thực hiện dân chủ cơ sở càng cần được tăng cường, nâng cao hơn nữa để phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân, của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện thắng lơi các mục tiêu, nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân, phát huy dân chủ trí tuệ của Nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội Đảng các cấp, phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Quan tâm thực hiện đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động một số đơn vị. Đảm bảo phát huy dân chủ trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thông qua hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị của cử tri. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp, các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị trực thuộc trong triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; xây dựng tiêu chí thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những nội dung, cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, thi đua, khen thưởng của đơn vị, địa phương; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung về dân chủ ở cơ sở. Cụ thể:
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Thực hiện đầy đủ, kịp thời về trách nhiệm của chính quyền trong việc công khai thông tin đối với người dân theo quy định. Phổ biến đầy đủ các nội dung và tổ chức để Nhân dân bàn, tham gia ý kiến, quyết định, kiểm tra, giám sát. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn; Ban giám sát đầu tư cộng đồng, hoạt động tự quản ở địa bàn dân cư, tổ hòa giải cơ sở.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế thực hiện dân chủ tại các xã, phường, thị trấn phù hợp với từng loại hình, điều kiện thực tiễn của từng địa phương; đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn ban hành quy chế và các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ trên địa bàn. Rà soát, hoàn thiện hương ước, quy ước đối với từng thôn, tổ dân phố đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc đóng góp, huy động nguồn lực, giám sát, kiểm tra của cộng đồng dân cư.
Phát huy hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở; nhất là vai trò của Ban công tác Mặt trận, các chi hội chính trị - xã hội cơ sở; đội ngũ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong tham gia giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị
Tiếp tục rà soát, ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý, công tác cải cách hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Ngoài việc công khai minh bạch thông tin, đảm bảo những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định tại cơ quan, đơn vị, nội dung thực hiện dân chủ phải tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, sáng kiến nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, thực hiện tốt các chức năng của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động
Rà soát, xây dựng quy chế và thực hiện tốt dân chủ; chỉ đạo tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể để người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát, đảm bảo quyền lợi hài hòa, hợp pháp, chính đáng giữa người lao động và doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.
Tăng cường truyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ điều kiện để làm cơ sở thực hiện dân chủ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động gắn với tạo động lực cho người lao động nâng cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động đề xuất các giải pháp, sáng kiến nâng cao khối lượng, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Có cơ chế, chính sách tôn vinh, khen thưởng, biểu dương, ghi nhận đối với các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động thực hiện tốt dân chủ. Quan tâm quy hoạch, bồi dưỡng nguồn nhân lực (kiêm nhiệm hoặc chuyên trách) tham gia công đoàn cơ sở đảm bảo có tinh thần trách nhiệm, có năng lực trong thực hiện dân chủ, đảm bảo phát huy vai trò đại diện người lao động trong tham gia ý kiến, kiến nghị đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp tại doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.../.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/doi-moi-trong-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-5c21.aspx
Bình luận (0)