Là bài thi của sinh viên Võ Thị Trang Nhã, tốt nghiệp Khoa Đạo diễn, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nhưng vở kịch Đời Như Ý đã chinh phục người xem bằng sự chỉn chu, sâu lắng và một chất lượng nghệ thuật - có thể nói không hề thua kém các tác phẩm chuyên nghiệp đang bán vé.
Được phóng tác từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Đời như ý vốn đã quen thuộc với nhiều khán giả qua các bản dựng khác nhau. Thế nhưng, sân khấu luôn có sức hấp dẫn riêng, mỗi phiên bản lại mang một màu sắc, một hơi thở mới. Bản dựng của Trang Nhã cũng vừa trung thành với cái chất bi kịch miên man của vùng sông nước, vừa thổi vào đó một tinh thần trẻ trung, tươi tắn và đầy nhân hậu.
Hòa Hiệp vai Hai Đời, Thanh Bé vai Bé Ba trong vở Đời Như Ý
ẢNH: H.K
Câu chuyện xoay quanh số phận nghiệt ngã của Hai Đời (Hòa Hiệp), một chàng trai mù hiền lành. Vì lòng thương người, anh cưu mang cô gái thiểu năng tên bé Ba (Thanh Bé), để rồi gánh chịu tiếng oan là tác giả của cái bào thai oan nghiệt. Bi kịch đẩy đưa, Hai Đời phải từ bỏ mối tình đầu trong dang dở, dắt theo bé Ba lang thang khắp các bến sông, bến chợ bán từng tờ vé số mưu sinh. Giữa cuộc đời cơ cực, họ nương tựa vào nhau, tình thương nảy nở thành một gia đình nhỏ bé mà ấm áp. Hai đứa trẻ lần lượt ra đời, được anh đặt tên là Như và Ý, gói trọn ước mơ giản dị về một cuộc đời trọn vẹn.
Tưởng chừng hạnh phúc đã mỉm cười, sóng gió lại ập đến khi Hai Đời phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi. Cùng lúc đó, cha ruột của hai đứa trẻ đột ngột xuất hiện. Hắn ta, một kẻ vũ phu, chỉ muốn nhận lại đứa con trai là bé Ý mà bỏ rơi bé Như. Đứng trước sự thật phũ phàng và thời gian còn lại ít ỏi, Hai Đời phải đưa ra một lựa chọn đau đớn: để bé Ý theo cha ruột với hy vọng con sẽ có một tương lai no đủ, được ăn học đàng hoàng. Nỗi đau của người cha nghèo như ngàn mũi dao cứa vào tim, lấy đi biết bao nước mắt của khán giả.
Góp phần lớn làm nên sức nặng cho câu chuyện là diễn xuất đồng đều và đầy tâm huyết của dàn diễn viên chuyên nghiệp, những gương mặt rất trẻ của sân khấu. Hòa Hiệp đã thổi một làn gió mới vào nhân vật Hai Đời. Ít đi một chút vẻ dạn dày sương gió, Hai Đời của anh có phần lạc quan, tháo vát hơn, biết leo cây hái dừa, biết chống sào chèo ghe. Anh thể hiện thật duyên dáng nét đáng yêu khi chăm lo cho vợ con, và vẫn tràn đầy nhân hậu khi hy sinh vì người khác. Những phân cảnh bi thương vẫn được Hòa Hiệp xử lý đầy cảm xúc, chạm đến trái tim người xem.
Thanh Nhàn vai bé Như, Buti Yêu Dấu vai bé Ý
ẢNH: H.K
Một lời khen đặc biệt phải dành cho Thanh Bé trong vai bé Ba. Cô đã thể hiện một cô gái thiểu năng đầy chân thực, từ ánh mắt trợn ngược, giọng nói ngắt quãng, cho đến những cái giật cục thất thường trong điệu bộ. Lúc ngây ngô đến đáng sợ, lúc lại tỉnh rụi đầy khôn lanh, Thanh Bé cho thấy sự đầu tư, quan sát và tìm tòi nghiêm túc để sống trọn vẹn với nhân vật.
Đời Như Ý xứng đáng có thêm cơ hội đến với công chúng
Thành công của vở diễn không thể không kể đến tầm nhìn của đạo diễn Võ Thị Trang Nhã. Bản dựng của cô vẫn trung thành theo kịch bản gốc, không mất chất bi kịch và có thêm phần tươi tắn, trẻ trung. Trang Nhã đã chăm chút tỉ mỉ từ âm nhạc, trang phục cho đến cảnh trí, tái hiện không gian sông nước miền Tây một cách sống động. Từ chiếc ghe nghèo rách nát, rặng dừa nước soi bóng, bến đò, chợ quê… tất cả đều hiện lên mộc mạc mà nên thơ. Ánh sáng và thiết kế sân khấu được bố trí đầy thẩm mỹ, tạo nên những mise-en-scène (dàn cảnh) đẹp và giàu cảm xúc.
Bi và hài được cài cắm đan xen hợp lý. Chất hài mộc mạc, không lạm dụng hình thể một cách quá lố gây phản cảm, đặc biệt ấn tượng với nét duyên của nhân vật chị Tám (Lê Trang) - một người phụ nữ hào hiệp, nghĩa tình rất "miền Tây". Các diễn viên khác như Lý Kiều Hạnh, Bùi Công Danh, Như Ý, Thành Thuận, Puti Yêu Dấu, Thanh Nhàn, Đinh Phú Hộ, Ngọc Ánh… đều diễn tròn vai, đầy nhiệt huyết.
Đời Như Ý khép màn, nhưng cảm xúc vẫn còn đọng lại. Những tác phẩm tốt nghiệp chất lượng và giàu tâm huyết như thế này xứng đáng có thêm nhiều cơ hội đến với công chúng, thay vì chỉ trình diễn một đêm duy nhất rồi lặng lẽ cất kho. Đó là một sự lãng phí không nhỏ cho cả người làm nghề và khán giả mộ điệu.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-nhu-y-phien-ban-cua-nguoi-tre-dung-lang-le-cat-kho-185250724145048083.htm
Bình luận (0)