Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đòn bẩy tạo đột phá về công nghệ số

Những mô hình tiên phong liên kết trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp đang phát huy vai trò đầu tàu, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), từng bước tạo dựng năng lực cạnh tranh nội sinh của nền kinh tế số Việt Nam. Kỳ vọng lớn đang đặt vào sự hợp lực này như một động lực để vượt qua điểm nghẽn hiện hữu, tiến tới hình thành hệ sinh thái công nghệ số bền vững và tự chủ.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân27/04/2025

(Tiếp theo và hết)

Kỳ vọng từ những mô hình tiên phong

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bày tỏ: “Học viện sẽ dành nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm, với mức hỗ trợ tài chính cho các đề tài tăng từ vài trăm triệu lên hàng tỷ đồng. Ngoài ra, Học viện có kế hoạch thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo để hỗ trợ tích cực và hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ”.

Mục tiêu đạt 12 nhân lực R&D trên mỗi 10.000 dân vào năm 2030, như nêu trong Nghị quyết số 57, cho thấy rõ vai trò trụ cột của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển đất nước. Tập trung cho R&D, cho chuyển đổi số được xác định là đầu tư chiến lược cho tương lai. Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đã và đang chủ động điều chỉnh kế hoạch phát triển, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, tập trung nghiên cứu công nghệ chiến lược, làm chủ công nghệ lõi, nỗ lực đóng vai trò tiên phong trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hai năm trước, Trường đại học Điện lực chính thức tham gia đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844). Đây là điểm khởi đầu thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, lấy đổi mới sáng tạo là chìa khóa then chốt cho sự phát triển của trường. Trường cũng nằm trong danh sách 18 cơ sở giáo dục đại học được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến 2030, Việt Nam đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. “Để đáp ứng được 32 ngành đào tạo hiện nay, trường có chủ trương bổ sung nâng cấp trang thiết bị dạy và học, mở rộng, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, thực hành. Những năm tới, trường dự kiến đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy và nâng cấp cơ sở vật chất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường đại học Điện lực cho biết.

Đòn bẩy tạo đột phá về công nghệ số ảnh 2

Nhân sự trẻ Viettel nghiên cứu và phát triển thiết bị 5G.

Một “sáng kiến” tập hợp nguồn lực đến từ Trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội là chính sách thu hút trao đổi giảng viên và sinh viên quốc tế đến làm việc, nghiên cứu từ một tới sáu tháng tại trường. Đặc biệt, năm 2025, các học viên cao học, nghiên cứu sinh sẽ học toàn thời gian chính quy tại trường, được cấp học bổng để miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng. Thông tin nêu trên được Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ chia sẻ. Các chính sách mới của nhà trường tập trung vào các hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, vật liệu tiên tiến, công nghệ robot, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, an toàn thông tin cũng như các lĩnh vực điện tử, năng lượng, thiết kế chip-vi mạch và bán dẫn…

Những mô hình tiên phong liên kết trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp đang phát huy vai trò đầu tàu, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), từng bước tạo dựng năng lực cạnh tranh nội sinh của nền kinh tế số Việt Nam. Kỳ vọng lớn đang đặt vào sự hợp lực này như một động lực để vượt qua điểm nghẽn hiện hữu, tiến tới hình thành hệ sinh thái công nghệ số bền vững và tự chủ.

Các chuyên gia cho rằng, nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn, đồng thời lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo. Quan điểm này phù hợp Nghị quyết số 57 đặt mục tiêu Việt Nam tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, đồng thời định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt, làm đầu tàu triển khai các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số và làm chủ các công nghệ chiến lược. Trên cơ sở đó, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel xác định phải làm chủ công nghệ chip, nền tảng của mọi sản phẩm công nghệ cao và đặt mục tiêu sản xuất 100% số chip cơ bản tại Việt Nam vào năm 2035. Để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, chương trình Viettel Digital Talent, sau bốn mùa, đã thu hút hơn 6.000 sinh viên ứng tuyển, với hơn 700 sinh viên tham gia đào tạo. Các thực tập sinh được đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu và tham gia vào các dự án trọng điểm của Viettel. Kết thúc chương trình, nhiều sinh viên đã được tuyển dụng chính thức, nhiều sáng kiến đã đi vào sản xuất, kinh doanh thực tiễn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, để kịp thời ứng phó các thách thức về công nghệ và nhân lực, mới đây, kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố đã cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong năm 2025, thành phố xác định tập trung vào hai nhóm chính: Nhóm nhân lực quản lý trong khu vực công; nhóm nhân lực cho các lĩnh vực then chốt từ doanh nghiệp, thị trường lao động và người Việt Nam ở nước ngoài. Thành phố xây dựng cơ chế linh hoạt cho sự dịch chuyển lao động/chuyên gia giữa khu vực công-tư, trong nước-quốc tế, không câu nệ xuất xứ, miễn là có sản phẩm và đóng góp giá trị.

Đòn bẩy tạo đột phá về công nghệ số ảnh 3

Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu các sản phẩm từ nhiều đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về sức khỏe.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Về vốn đầu tư cho công nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu năm 2025 chi 2% GRDP cho R&D, trong đó 60% huy động từ xã hội. Ngoài ra, thành phố sẽ bố trí ít nhất 3% ngân sách cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tăng dần theo yêu cầu phát triển”.

Cùng nhau liên kết, cùng nhau bứt phá

Đại học Quốc gia Hà Nội đã hiện thực hóa chu trình khép kín “từ phòng thí nghiệm đến thị trường” bằng cách thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là không gian ươm tạo các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, mà còn thúc đẩy hợp tác trong nước và nước ngoài, thu hút đầu tư vào R&D, chuyển giao và thương mại hóa tài sản trí tuệ, phát triển doanh nghiệp spin-off, start-up. Công viên cũng sẽ là nền tảng quan trọng để Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các trường đại học, doanh nghiệp triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu công nghệ mang tính thực tiễn.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ cho biết: “Thành phố Hồ Chí Minh đang tìm hiểu áp dụng mô hình liên kết trong quá trình phát triển Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu, nghiên cứu tập trung vào hai trụ cột là: Hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong khu vực để thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo nhân lực; xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Thành phố Hồ Chí Minh cần cụ thể hóa các chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư và đổi mới, cũng như thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Với định hướng này, thành phố kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển công nghệ số”.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, bên cạnh hợp tác, cần thiết thành lập trung tâm nghiên cứu thử nghiệm có sự tham gia hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được ưu tiên khuyến khích là những đơn vị sản xuất những lĩnh vực có lợi thế quốc gia.

Nguồn: https://nhandan.vn/don-bay-tao-dot-pha-ve-cong-nghe-so-post875592.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm