
Bến Vàm Lũng là 1 trong 4 bến chính tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Theo tư liệu, sau Đồng Khởi năm 1960, phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, nhu cầu chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, trong khi các tuyến vận tải trên bộ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ nghiên cứu, mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam.

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 11-10-1962, chuyến tàu đầu tiên của “Đoàn tàu không số” mang phiên hiệu “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn (Hải Phòng) mở đường vào Nam.
Đến ngày 16-10-1962, tàu Phương Đông 1 do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy vượt qua hàng ngàn hải lý cập bến Vàm Lũng an toàn. Đây là chuyến tàu của “Đoàn tàu không số” khai thông tuyến vận tải chiến lược trên Biển Đông – Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bến Vàm Lũng gắn liền với đơn vị Ðoàn 962, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào, ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị Quân Giải phóng phục vụ chiến đấu.
Theo tư liệu, trong số 124 chuyến tàu do Đoàn 962 tiếp nhận, các bến cụm Cà Mau đã tiếp nhận 76/124 chuyến, riêng Bến Vàm Lũng tiếp nhận 68 chuyến, với hơn 4.300 tấn vũ khí, đạn dược. Vì vậy, Bến Vàm Lũng là bến đón con tàu đầu tiên của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và cũng là bến đón nhiều chuyến cập bến nhất của con đường huyền thoại này.
Với giá trị lịch sử to lớn của Đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 26-11-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển, gồm các bến chính: Bến K15 - TP Hải Phòng, Bến Vũng Rô - tỉnh Phú Yên, Bến Lộc An - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Vàm Lũng - tỉnh Cà Mau.
Là nhân chứng lịch sử, Đại tá Khưu Ngọc Bảy (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 162 cho biết, rất vui mừng và xúc động khi Khu di tích Bến Vàm Lũng thương yêu và quý trọng được công nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
“Thuật ngữ “Bến cảng giữa lòng dân” không phải do một tổ chức và cá nhân đặt ra mà nó xuất phát từ tấm lòng, nghĩa cử của chính quyền và nhân dân địa phương. Sự đoàn kết quý báu đó đã tạo nên một “Bến cảng giữa lòng dân” trường tồn trong tâm trí chúng tôi suốt thời chiến tranh chống Mỹ cho đến bây giờ”, Đại tá Khưu Ngọc Bảy xúc động.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Bến Vàm Lũng thuộc Đường Hồ Chí Minh trên biển là di tích đầu tiên của tỉnh Cà Mau được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Vinh dự này trước hết thuộc về cán bộ, chiến sĩ của "Đoàn tàu không số", của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đảng bộ và nhân dân Cà Mau mãi mãi tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã tham gia mở đường, lập bến, hoạt động tại Bến Vàm Lũng và Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau đã đoàn kết một lòng, tích cực phát huy lợi thế của tỉnh, vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Để tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Luân đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương, quan tâm đúng mức công tác quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị di tích; đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh các hạng mục còn lại.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/don-nhan-bang-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-duong-ho-chi-minh-tren-bien-ben-vam-lung-tinh-ca-mau-post792349.html
Bình luận (0)