Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng bào Bắc Trà My làm du lịch cộng đồng

Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận với cách làm du lịch cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã giúp đồng bào vùng cao huyện Bắc Trà My tiếp cận cách làm du lịch cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam16/05/2025

Người dân Bắc Trà My được tập huấn làm du lịch cộng đồng trong thời gian qua. Ảnh: DIỄM LỆ
Người dân Bắc Trà My được tập huấn làm du lịch cộng đồng trong thời gian qua. Ảnh: DIỄM LỆ

Trang bị kỹ năng làm du lịch

Với lợi thế là huyện miền núi có nhiều thắng cảnh thiên nhiên, huyện Bắc Trà My đã hướng dẫn người dân cách làm du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên. Làng du lịch cộng đồng Cao Sơn tại tổ 1B (thôn Long Sơn, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) cách trung tâm huyện Bắc Trà My khoảng 6km về phía tây.

Làng có tổng diện tích tự nhiên 10ha với 34 hộ là đồng bào Ca Dong đang sinh sống. Điều kiện tự nhiên và cư dân nơi đây có những thuận lợi trong phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng. Ven làng có một số bãi đá núi và suối tự nhiên với nguồn nước trong lành.

Đồng bào nơi đây còn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương như múa cồng chiêng, cúng máng nước, cúng mừng lúa mới, duy trì hoạt động đan lát mây tre truyền thống; giữ gìn lối sinh hoạt tại nhà sàn truyền thống.

Trước đây, đồng bào Ca Dong địa phương rất e ngại mỗi khi có các đoàn khách đến tham quan, người dân chưa biết cách giới thiệu về cảnh đẹp cũng như đặc sản cho du khách thưởng thức.

z6594077248012_61f1f4809ea3fed3e846b78c15e7d051.jpg
Các điệu múa truyền thống của đồng bào Cadong trở thành sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng tại làng Cao Sơn. Ảnh: THÚY VÂN

Thực hiện Nghị quyết số 58 của HĐND huyện về “Phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Bắc Trà My đã mở 2 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng về du lịch cho cộng đồng tại thôn Long Sơn cho gần 100 người.

Hiện nay, thôn Long Sơn đã thành lập được 1 câu lạc bộ cồng chiêng với 26 thành viên. Có 7 hộ dân trong thôn đã phục dựng nhà sàn truyền thống để có thể phục vụ ẩm thực, lưu trú cho khách du lịch.

Chị Đinh Thị Hương (một người dân thôn Long Sơn) phấn khởi nói: “Khi tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi được cán bộ hướng dẫn cách giao tiếp, quy trình đón tiếp khách du lịch. Chúng tôi còn được hướng dẫn cung cấp dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch, quản lý đoàn khách và các vấn đề phát sinh trong quá trình khách đến tham quan như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả…”.

Hiện nay, làng Cao Sơn đã mạnh dạn nhận, đón tiếp rất nhiều đoàn khách đến từ Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh... Những người hướng dẫn thì có nguồn thu nhập khoảng 500 nghìn đồng trong 1 buổi đón khách. Ngoài ra, bà con còn bán được rất nhiều sản phẩm như mật ong, rau rừng, các sản phẩm đan lát của người Ca Dong với giá từ 100 đến 500 nghìn đồng/sản phẩm.

Phát huy lợi thế địa phương

Cách không xa Làng du lịch cộng đồng Cao Sơn còn có một số điểm tham quan du lịch tiềm năng khác như Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ - Nước Oa, hồ thủy điện sông Tranh 2 (cách 6km), Quảng trường văn hóa huyện (cách 4km), một số suối, thác khá đẹp tại xã Trà Giang, Trà Tân, Trà Bui, Làng Mường (xã Trà Giang)...

z6593997761812_41d44b36cb5d7962e704fdf2ebbd9c14.jpg
Du khách trải nghiệm trò chơi nhảy sạp của đồng bào Mường. Ảnh: DIỄM LỆ

UBND huyện Bắc Trà My cũng đã mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng mềm về phục vụ du lịch cho người dân. Ngoài ra, địa phương còn nâng cao kỹ năng xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ du khách cho cán bộ quản lý và thành viên ban quản lý hoạt động du lịch.

Ông Bùi Văn Quyên (thôn 3, xã Trà Giang) cho hay: “Trước đây, người Mường chúng tôi vẫn duy trì sinh hoạt nhảy sạp, đánh chiêng trong các dịp lễ, tết. Trong gia đình chúng tôi vẫn sử dụng các sản phẩm truyền thống được đan lát từ mây, tre. Tuy nhiên, bà con không biết làm ra những sản phẩm này để bán cho khách tham quan.

Được tập huấn về cách làm du lịch, hiện nay, chúng tôi đã thành lập Chi hội nghề nghiệp mây tre đan người Mường với hơn 50 hội viên nông dân tham gia. Sản phẩm của chúng tôi được trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm và được du khách đặt mua, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định”.

Hiện nay, huyện Bắc Trà My tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều hoạt động xúc tiến du lịch.

Bao gồm: quảng bá điểm đến Bắc Trà My trên cẩm nang du lịch Việt Nam, xây dựng đưa vào sử dụng “app” du lịch Bắc Trà My, phát hành sổ tay du lịch Bắc Trà My, tổ chức các đoàn famtrip khảo sát du lịch…

Địa phương cũng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa đặc trưng của địa phương. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người dân địa phương để phát triển du lịch bền vững.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/dong-bao-bac-tra-my-lam-du-lich-cong-dong-3154852.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm