Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tiền thân là Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ do Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ thành lập vào ngày 29/4/1985. Vào thời điểm đó, việc xây dựng Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng hoàn cảnh đất nước đang tập trung sức người, sức của để hàn gắn vết thương chiến tranh nên không thể cấp kinh phí xây dựng. Do đó, các thành viên của Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ phải tập trung tháo gỡ khó khăn, gấp rút chuẩn bị nội dung và tiến hành cuộc vận động quy mô, kêu gọi quyên góp từ tư liệu, hình ảnh, hiện vật đến kinh phí của hàng triệu phụ nữ và các cơ quan đoàn thể khắp các tỉnh thành Nam Bộ để xây dựng một ngôi nhà chung của phụ nữ Nam Bộ – Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ. Có được thành quả trên là sự đồng hành, sát cánh ủng hộ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mà cụ thể là đồng chí Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ.
Ý tưởng thành lập bảo tàng dành riêng cho giới nữ được khơi gợi vào ngày 20/10/1982, tại buổi họp mặt các cán bộ chủ chốt của Hội nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam do Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Hơn 200 cán bộ Hội, gồm nhiều thế hệ đồng loạt ủng hộ và biểu thị sự nhất trí là cần phải tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam bộ, bởi lẽ quyển sử chung “Phong trào phụ nữ Việt Nam” chưa nói lên được bao nhiêu về phụ nữ Nam Bộ, một miền đất có nhiều tính đặc thù, có một lực lượng phụ nữ hùng hậu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã anh dũng tuyệt vời với hàng triệu người có tên và không tên đã nối tiếp nhau đấu tranh một mất một còn, bất khuất trước quân thù, đóng góp cho phong trào cách mạng những thành quả vô cùng to lớn.
Được sự nhất trí của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã triệu tập cuộc họp thành lập Tổ tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ (gọi tắt là Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ) vào ngày 24/10/1982 và nêu lên 3 việc cần phải làm ngay và những điều phải đạt được trong toàn bộ công tác viết lại lịch sử phụ nữ Nam Bộ. Một là, tập trung tư liệu, kể cả tư liệu sống, ghi lại toàn bộ cuộc đấu tranh của phụ nữ Nam Bộ từ ngày có Đảng. Hai là, sách cũng chưa đủ, nhân dân ta có thói quen, nhất là ở nông thôn, thấy mới tin, cái gì cũng có bằng chứng cụ thể. Vì vậy, phải thiết lập ngay một khu trưng bày hiện vật. Trong quá trình đi thu thập tài liệu, tìm tòi trong nhân dân xin lại những kỷ vật nào đó có thể xin được để đem về tập trung trưng bày cho người xem thấy rõ những điều ta nói là có thật. Như vậy, sức thuyết phục mới cao. Ba là, chị em mình bằng mọi cách phải dựng cho được bức tượng “Bà Mẹ Việt Nam” bởi lẽ trong hai thời kỳ chiến tranh vừa qua, ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, những Bà mẹ Việt Nam đã cống hiến công sức, trí tuệ để nuôi dưỡng phong trào cách mạng, để đùm bọc cán bộ ta với tấm lòng quý giá vô bờ bến.
Bên cạnh việc chuẩn bị thủ tục cho sự ra đời của Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ cũng tranh thủ ý kiến của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Thị Định thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có văn bản đề nghị các Ban Thường vụ các tỉnh, thành hội tích cực bắt tay sưu tầm hiện vật có tính lịch sử của phụ nữ địa phương để đóng góp cho Nhà truyền thống của phụ nữ Nam Bộ đặt tại Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu để kịp khai mạc vào ngày 30/4/1985 nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng đất nước. Trước nhất, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ xin ý kiến Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho phép vận động trong các tầng lớp phụ nữ “mỗi hội viên đóng góp một ngày công lao động”. Đề nghị đã được Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng ý.
Ngày 02/10/1984, đồng chí Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có công văn với nội dung “Để phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Nam Bộ và cũng để giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau, nhà truyền thống cần có đầy đủ nội dung của phong trào phụ nữ Nam Bộ qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, đòi hỏi phải có sự đóng góp chung của các cấp ủy Đảng, các ngành có liên quan, nhất là chị em phụ nữ các tỉnh, thành ở Nam Bộ. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, mỗi người nên tiết kiệm một số tiền hoặc bỏ ra một ngày công để xây dựng Nhà truyền thống. Khi được Đảng và chính quyền địa phương cho phép, các cấp Hội sẽ bán vé số để đóng góp. Đây cũng là việc làm để cho chị em ôn lại truyền thống của quê hương, đất nước cũng như của chính chị em phụ nữ”. Khi có văn bản của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì công việc tiến hành xây dựng nhà truyền thống có nhiều thuận lợi. Kết quả đợt vận động này có 65 đơn vị ở các cơ quan, xí nghiệp ở Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đóng góp.
Ngày 15/01/1985, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Thị Định chủ trì. Cuộc họp bàn kế hoạch cụ thể và phân công người phụ trách công tác Xổ số đặc biệt 8-3 trong các tỉnh, thành ở Nam Bộ. Ngày 02/02/1985, tiếp tục tổ chức cuộc họp liên tịch giữa Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ và Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, Sở Văn hóa Thông tin, Sở Tài chính để bàn về một số việc như đăng ký việc in vé, thông báo trên báo đài, mở đợt phát động…
Ngày 06/02/1985, tại cuộc họp với các tỉnh, thành Hội do đồng chí Nguyễn Thị Định chủ trì đã bàn việc phân phối vé và một số thủ tục bán vé số và thu nộp tiền. Số vé được in là 6 triệu, mỗi vé giá 10 đồng được phân phối cho các tỉnh, thành Hội và cho công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày mở xổ số được quyết định vào ngày 15/3/1985. Các tỉnh, thành Hội phụ nữ và Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với Ban xổ số kiến thiết cùng cấp với sự cộng tác đắc lực của ngành tài chính, văn hóa thông tin…. Đợt xổ số được thực hiện rất sôi nổi, rầm rộ, được mọi người nhiệt tình hưởng ứng. Tiền vé được thu nộp đầy đủ theo đúng chỉ thị của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Kết quả đợt xổ số đặc biệt ngày 8/3/1985 kết thúc tốt đẹp, số tiền thu về là 19.954.490 đồng.
Sau một thời gian khẩn trương làm việc, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được hoàn thành với 6 phòng trưng bày theo các chuyên đề: Phòng chánh lớn trưng bày chung; Phòng đấu tranh chính trị; Phòng đấu tranh võ trang; Phòng đấu tranh trong tù; Phòng thế giới ủng hộ Việt Nam; Phòng 10 năm xây dựng sau giải phóng. Ngày 29/4/1985, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ làm lễ khai mạc, vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến dự và cắt băng khánh thành.
(Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ)
Theo thời gian, hiện vật cùng tư liệu hình ảnh ngày càng nhiều, nhu cầu cần phải phát triển nhà truyền thống lớn mạnh thành Bảo tàng được đặt ra. Việc xây dựng Nhà truyền thống mở rộng đã được Trung ương và Thành phố ra văn bản cho phép nhưng hoàn cảnh lúc đó Đảng và Nhà nước đang tập trung sức để hàn gắn vết thương chiến tranh. Một lần nữa Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vận động kinh phí để xây dựng một Bảo tàng về giới thỏa niềm mong ước của công chúng cả nước và bạn bè quốc tế. Để tìm cách tháo gỡ khó khăn, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ phải cử đồng chí Ngô Thị Huệ – Tổ phó ra Hà Nội gặp đồng chí Nguyễn Thị Định – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tài chính để xin tổ chức xổ số kiến thiết lần thứ 2 ở các tỉnh, thành Nam Bộ. Được sự chấp thuận của Trung ương Hội và Bộ Tài chính, đợt xổ số đợt 2 được tổ chức và thu về 14.600.000 đồng. Kể từ khi phát động – huy động vốn để xây dựng Nhà truyền thống mở rộng đến ngày hoàn thành công trình, tổng cộng các nơi ủng hộ cả tiền mặt và trị giá vật tư thu được trên 800 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn và quý báu trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, do đó Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ đã có kế hoạch sử dụng rất tiết kiệm trong tất cả các khâu để hoàn tất công trình.
Với quá trình 5 năm chuẩn bị nội dung và tiến hành cuộc vận động quy mô, kêu gọi quyên góp từ tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý đến vật chất của hàng triệu phụ nữ và các cơ quan đoàn thể khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Mỗi sáng kiến, mỗi kết quả mà Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ làm được để chuẩn bị cho công trình xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đều được đồng chí Nguyễn Thị Định quan tâm và ủng hộ. Để chuẩn bị cho việc khánh thành Nhà truyền thống mở rộng, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ và Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ đã có công văn gửi Bộ Văn hóa xin đổi tên. Ngày 31/3/1990, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được Bộ Văn hóa chính thức công nhận là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đến ngày 18/5/1990, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chính thức cắt băng khánh thành.
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Bến Tre, nơi mà từng bờ đê, từng nhánh sông, từng con lộ còn in đậm dấu vết hào hùng, những chứng tích của đội quân tóc dài huyền thoại, đồng chí Nguyễn Thị Định không chỉ đóng góp sức lực của mình trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ mà còn là cán bộ Hội tiên phong, mẫu mực, được các thế hệ phụ nữ Việt Nam tin yêu. Riêng với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Thị Định là người đã luôn đồng hành với Bảo tàng từ những ngày đầu thành lập, không chỉ hỗ trợ hết sức mình trên cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mà đồng chí còn đóng góp những kỷ vật, hình ảnh, tư liệu của mình để làm phong phú thêm hiện vật của Bảo tàng.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra đời với góp sức người, sức của của các thế hệ phụ nữ, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Định đã tạo được tiếng vang lúc bấy giờ. Từ đây, những thành quả đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ đã được lưu giữ, giới thiệu để khách tham quan có thể cảm nhận và hiểu được những hy sinh, mất mát to lớn của các thế hệ phụ nữ để chúng ta có được tự do, độc lập như ngày hôm nay. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã trở thành niềm tự hào và vinh dự của giới nữ lúc bấy giờ, là mái nhà chung dành cho các cán bộ cách mạng và cán bộ Hội gặp gỡ, trao đổi vào những ngày lễ truyền thống. Chủ trương thành lập Bảo tàng đã đáp ứng tình cảm và nguyện vọng tha thiết của cán bộ và phụ nữ các tầng lớp, đồng thời còn thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đó chính là tâm huyết mà những cán bộ phụ nữ như đồng chí Nguyễn Thị Định đã đồng tâm nhất trí thực hiện để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ cho thế hệ mai sau.
Sau chặng đường 12 năm xây dựng, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ đã chính thức bàn giao Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho con cháu với lòng tin yêu, kỳ vọng. Thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng cảm động nhận lấy sứ mệnh này nhưng đó cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng. Các thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng đã nỗ lực hết sức mình, vừa xây dựng đội ngũ vừa đưa hoạt động Bảo tàng ngày càng chuyên nghiệp, phong phú, phù hợp với xu thế hội nhập; vừa gìn giữ, phát huy truyền thống lịch sử phụ nữ, tri ân những người đã nằm xuống. Phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất được Nhà nước trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vào 1998 là sự đánh giá mang tính khẳng định về vai trò, vị trí của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trong đời sống văn hoá – chính trị – xã hội tại Thành phố. Đó là tâm huyết, công sức, là nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ và của đồng chí Nguyễn Thị Định – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Thấm thoát đã 40 năm trôi qua kể từ ngày khánh thành Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ vào năm 1985; 40 năm nhìn lại, có những điều chưa làm được như mong muốn nhưng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã từng bước khẳng định mình và trưởng thành hơn. Thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng hôm nay luôn nỗ lực làm hết sức mình, đoàn kết để cùng nhau đưa Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng chí Nguyễn Thị Định và những người đã có công sáng lập Bảo tàng.
Phạm Thị Diệu
Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Tài liệu tham khảo:
- Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ (1995), Mười hai năm một chặng đường.
- Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ (2015), Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến, NXB Chính trị quốc gia.
Nguồn: https://baotangphunu.com/dong-chi-nguyen-thi-dinh-voi-qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-bao-tang-phu-nu-nam-bo/
Bình luận (0)