Cụ thể, từ ngày 21/6 đến 2/7, đã có gần 900 trận động đất xảy ra tại đây, trong đó trận mạnh nhất lên tới 5,5 độ vào lúc 15h26 ngày 2/7, gây rung lắc từ cấp 5 đến cấp 7 tại làng Toshima, thuộc tỉnh Kagoshima.
Các cơn dư chấn xảy ra cả ngày lẫn đêm, khiến người dân mất ngủ, rơi vào trạng thái lo âu kéo dài, và buộc giới chức Nhật Bản phải tổ chức họp báo khẩn.

Chuỗi địa chấn với gần 900 trận động đất, rung lắc diễn ra ở Nhật thời gian gần đây (Ảnh: Earthquake Track).
Cùng thời điểm với chuỗi trận động đất, núi lửa Shinmoe trên đảo Kyushu cũng bất ngờ hoạt động trở lại vào ngày 22/6 sau 7 năm không có dấu hiệu phun trào.
Sự kiện này buộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phải nâng mức cảnh báo lên cấp 3 trên thang 5 và triển khai giám sát chặt chẽ các biến động địa chất tại khu vực phía nam đất nước.
Sự đồng thời của hai hoạt động địa chất vốn độc lập, gồm chuỗi dư chấn Tokara và núi Shinmoe phun trào, đã khiến giới nghiên cứu không thể không đặt câu hỏi: Liệu đây chỉ là trùng hợp, hay là một tín hiệu của sự thay đổi cấu trúc năng lượng sâu dưới lòng đất Nhật Bản?
Hoạt động địa chất mãnh liệt ở rãnh Nankai
Quần đảo Tokara là vùng có mật độ địa chấn cao, từng ghi nhận hơn 340 trận động đất trong một chu kỳ ngắn vào năm 2023. Tuy nhiên, chuỗi dư chấn hiện tại là đợt kéo dài và dữ dội nhất trong thập kỷ.
Nhật Bản vốn là quốc gia có tần suất động đất cao bậc nhất thế giới, với khoảng 1.500 trận động đất mỗi năm, chiếm đến 18% tổng số toàn cầu.
Trong bối cảnh hoạt động địa chất tại Tokara diễn biến bất thường, các nhà địa chấn học bắt đầu chuyển hướng chú ý tới rãnh Nankai, khu vực được mệnh danh "quả bom hẹn giờ" dưới đáy biển Nhật Bản.

Vị trí rãnh Nankai phía Nam Nhật Bản (Ảnh: Research Gate).
Rãnh Nankai là một rãnh sâu kéo dài dưới đáy biển, nằm ngoài khơi tỉnh Shizuoka (phía tây nam Tokyo) và kéo dài đến tỉnh Miyazaki trên đảo Kyushu. Đây là nơi hai mảng kiến tạo quan trọng của Trái Đất gặp nhau: mảng biển Philippines và mảng Á-Âu. Đây là 2 trong số khoảng 10 mảng kiến tạo rắn chắc bao phủ bề mặt hành tinh.
Theo các chuyên gia địa chất, mảng Philippines liên tục trượt chìm bên dưới mảng Á-Âu với tốc độ vài cm mỗi năm, tạo ra sức ép ngày càng lớn tại ranh giới tiếp xúc. Khi áp lực tích tụ vượt quá giới hạn, mảng Á-Âu sẽ bật lên, gây ra một trận động đất mạnh.
Trong lịch sử, khu vực rãnh Nankai đã gây ra các trận động đất chu kỳ khoảng 100–150 năm, với đợt gần nhất diễn ra cách đây khoảng 80 năm. Chính phủ Nhật Bản cảnh báo có đến 70% khả năng một trận động đất mới sẽ xảy ra trong vòng 30 năm tới.
Lịch sử địa chất cũng ghi nhận rằng khu vực rãnh Nankai đã từng trải qua ít nhất 10 trận siêu động đất trong 1.400 năm qua. Đặc biệt, trận động đất Tonankai năm 1944 (8.1 độ) và Nankai năm 1946 (8 độ) đã gây sóng thần lớn và thiệt hại nặng nề.
Đáng chú ý, những sự kiện này thường xảy ra theo cặp trong một hiện tượng được gọi là “động đất đôi” (twin earthquakes). Điều này cho thấy quy luật chu kỳ và mối liên hệ phức tạp giữa các mảng kiến tạo nằm trong khu vực.
Chính vì vậy, bất kỳ chuỗi dư chấn nào tại các vùng lân cận, như Tokara hay Kyushu, đều khiến giới nghiên cứu cảnh giác đặc biệt về khả năng lan truyền năng lượng địa tầng đến rãnh Nankai.
Chuyên gia bác bỏ "lời tiên tri"
Giữa lúc các trận động đất liên tiếp xảy ra, truyền thông Nhật Bản lại một lần nữa xôn xao khi nhắc đến "lời tiên tri" cổ xưa, xuất phát từ truyện tranh.

Sóng thần ập vào thành phố Miyako, Nhật Bản, sau trận động đất mạnh 9,0 độ xảy ra ngày 11/3/2011 (Ảnh: The Atlantic).
Tác phẩm đó là Watashi ga Mita Mirai (tạm dịch: Tương lai như tôi thấy) của tác giả Ryo Tatsuki, xuất bản năm 1999, từng gây chú ý vì đã "dự đoán" chính xác thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra vào năm 2011.
Trước làn sóng lan truyền thông tin thiếu kiểm chứng, ông Ryoichi Nomura, Giám đốc JMA, đã lên tiếng nhấn mạnh: “Ngay cả với công nghệ hiện tại, không thể dự đoán chính xác thời điểm, vị trí hay quy mô của bất kỳ trận động đất nào".
Ông kêu gọi người dân chỉ tin vào nguồn tin chính thống và tránh chia sẻ những thông tin sai lệch dễ gây nhiễu loạn.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng không có mối liên hệ khoa học giữa chuỗi động đất Tokara và lời tiên tri được lan truyền.
Chia sẻ trên trang cá nhân, TS Nguyễn Ngọc Huy, người nổi tiếng với biệt danh "Huy thời tiết", khẳng định: “Không có dự báo chính thống nào về việc động đất lớn sẽ xảy ra trong vài ngày tới ở Nhật Bản”.

TS Nguyễn Ngọc Huy khẳng định không có mối liên hệ khoa học giữa chuỗi động đất Tokara và lời tiên tri được lan truyền (Ảnh: NVCC)
“Đối với động đất, hiện nay chưa có công nghệ dự báo cụ thể ngày nào động đất sẽ xảy ra và sẽ xảy ra ở đâu. Vì vậy một số trang Facebook đăng tải thông tin gần như chắc chắn động đất sẽ xảy ra vào ngày 5/7 là không có cơ sở khoa học. Dự báo đó dựa vào thông tin từ một cuốn truyện tranh và một nhà tiên tri nào đó”, TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết thêm.
Dù vậy, TS Nguyễn Ngọc Huy cũng thừa nhận động đất lớn ở rãnh Nankai có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào như các nhà khoa học đã cảnh báo. Đó là vì tần suất xuất hiện các dư chấn nhỏ dưới 5 độ đang xảy ra rất thường xuyên trong những năm vừa qua và các dư chấn nhỏ có thể kích hoạt một động đất lớn diễn ra sau đó.
Theo CNA, Nhật Bản là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới, nằm trên đỉnh của bốn mảng kiến tạo chính dọc theo rìa phía tây của "Vành đai lửa" Thái Bình Dương.
Quần đảo này, nơi sinh sống của khoảng 125 triệu người, hứng chịu khoảng 1.500 trận động đất mỗi năm và chiếm khoảng 18% số trận động đất trên thế giới. Phần lớn các trận động đất này đều ở mức độ nhẹ, mặc dù mức độ thiệt hại mà chúng gây ra là khác nhau tùy theo vị trí và độ sâu của tâm chấn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/dong-dat-lien-tiep-o-nhat-ban-chuyen-gia-phan-bac-loi-tien-tri-thang-7-20250703064657453.htm
Bình luận (0)