
Trong bối cảnh thành phố tái định hình không gian đô thị sau sáp nhập và điều chỉnh quy hoạch, dòng vốn tư nhân ngày càng khẳng định vai trò động lực chủ đạo, tạo ra những đột phá hạ tầng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao.
Các dự án vào guồng thi công
Tại các khu vực trọng điểm như phường Hải Vân, Hòa Khánh, Ngũ Hành Sơn hay Sơn Trà, không khí thi công các dự án nhộn nhịp ngày đêm. Các loại xe cẩu, xe ben, máy xúc hoạt động liên tục, công nhân chia ca làm việc để đảm bảo tiến độ cho các dự án mà doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư.
Một trong những công trình nổi bật là khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân (phường Hải Vân) do Công ty CP Vinpearl (Tập đoàn Vingroup) đầu tư với tổng vốn gần 44 nghìn tỷ đồng. Chỉ hơn một tháng sau lễ khởi công, dự án đã bước vào cao điểm thi công với hàng trăm thiết bị cơ giới phủ khắp mặt bằng rộng hơn 512ha.
Không kém phần sôi động là dự án Trung tâm thương mại MM Mega Market Đà Nẵng tại phường Hòa Khánh. Sau lễ động thổ, hàng loạt hạng mục như tường vây, nền móng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được triển khai đồng loạt.
Ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết, doanh nghiệp hướng đến mô hình “trung tâm thương mại xanh kiểu mẫu”, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2025.
Theo nhà thầu thi công là Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng, dự án được triển khai theo tiêu chuẩn công trình xanh, ưu tiên vật liệu thân thiện môi trường, kiểm soát chặt chất lượng và tiến độ.
Ông Huỳnh Anh Vũ, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh nhận định: “Dự án này khi hoàn thành sẽ là cú hích thương mại - dịch vụ cho khu vực Tây Bắc thành phố, tạo thêm việc làm, kích thích tiêu dùng và thu hút du lịch cho cả vùng”.
Vốn tư nhân tăng tốc
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Đà Nẵng đạt hơn 21.800 tỷ đồng. Riêng khu vực tư nhân chiếm gần 15.000 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Tài chính, mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ chính sách tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cấp phép và cho phép doanh nghiệp huy động vốn sớm từ thị trường.

Tại khu vực trung tâm thành phố, hàng loạt dự án lớn đang góp phần tái tạo diện mạo đô thị, như dự án TTC Plaza Đà Nẵng; Trung tâm thương mại cao cấp tại khu vực trung tâm, vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Dự án Sunsea Towers - Khu căn hộ và dịch vụ lưu trú cao tầng tại trung tâm du lịch, tổng vốn 1.140 tỷ đồng. Hay dự án Olalani Riverside Tower, với tổ hợp căn hộ 5 sao bên sông Hàn, gồm 3 tòa tháp đôi cao từ 26-37 tầng, tổng vốn 7.650 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các dự án đáng chú ý như Danang Marina, Center Point Đà Nẵng, Symphony Tower, The Estuary Tuyên Sơn…
Song song đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tiếp tục khởi sắc. Trong nửa đầu năm 2025, Đà Nẵng thu hút 1.992 tỷ đồng vốn FDI, tăng hơn 41% so với cùng kỳ.
Ông Trần Văn Vũ, Trưởng Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết, tỷ trọng đầu tư tư nhân hiện chiếm tới 68,5% tổng vốn toàn xã hội, chứng minh khu vực này đang là đầu tàu tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo thêm việc làm và nâng chất lượng hạ tầng đô thị.
Phát triển không gian đô thị mới
Đà Nẵng đang tăng cường vai trò “đồng hành với doanh nghiệp”, đặc biệt trong các lĩnh vực thủ tục pháp lý, quy hoạch và hỗ trợ thi công.
Ông Nguyễn Hà Nam, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thành phố đã vận hành cơ chế “một cửa liên thông”, rút ngắn quy trình giữa các sở, ban, ngành để hỗ trợ tối đa nhà đầu tư.
“Tư nhân là trụ cột phát triển cùng với vốn đầu tư công. Miễn là doanh nghiệp làm đúng quy hoạch, không gây tác động tiêu cực, thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư”, ông Nam nói.
Cùng với đó, Đà Nẵng cũng siết chặt tiêu chuẩn về chất lượng công trình và tác động môi trường, đặc biệt với các dự án lưu trú như khách sạn, condotel (khách sạn căn hộ). Chính quyền yêu cầu nhà đầu tư tuân thủ vận hành lâu dài, không xây dựng kiểu “chạy tiến độ” mà bỏ qua chất lượng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp đang linh hoạt triển khai mô hình đa chức năng, như vừa để ở, vừa kinh doanh, lưu trú ngắn hạn nhằm tối ưu hóa dòng tiền và hiệu quả sử dụng đất.
Tại phường Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà, một số dự án shophouse thấp tầng đã mở bán sớm dù chưa hoàn thiện toàn bộ, cho thấy sức nóng thị trường và kỳ vọng dài hạn từ nhà đầu tư.
Không chỉ tạo nên các công trình quy mô, dòng vốn tư nhân còn khơi thông các chuỗi giá trị lan tỏa: từ việc làm trong ngành xây dựng, hậu cần, vận tải đến dịch vụ ăn uống, bán lẻ. Nhiều khu vực từng trầm lắng, nay đang trở thành các trung tâm tiêu dùng và thu hút dòng người dịch chuyển đến sinh sống, làm việc.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành bộ phận Nghiên cứu CBRE Việt Nam, chính sách rõ ràng, quy hoạch ổn định, cùng với dư địa phát triển mới sau sáp nhập, sẽ mở ra cơ hội lớn cho Đà Nẵng. Đây là thời điểm vàng để nhà đầu tư đón đầu xu hướng, chọn đúng vị trí và gặt hái thành quả.
Nguồn: https://baodanang.vn/dong-von-tu-nhan-but-toc-kien-tao-dien-mao-do-thi-moi-da-nang-3297935.html
Bình luận (0)