Du lịch nông nghiệp qua... Facebook

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ17/02/2025

Những video về Tết giản dị của người Mông, Dao đỏ, Giáy hay trải nghiệm đi nương đi rẫy của người vùng cao, những bữa trưa chỉ có rau xanh và mỡ heo đen... khiến người xem phải xuýt xoa đang giúp thu hút khách du lịch quốc tế, khách trong nước.


Du lịch nông nghiệp qua... Facebook - Ảnh 1.

Khách quốc tế trải nghiệm du lịch vùng cao... từ quảng bá trên mạng xã hội của người dân địa phương - Ảnh chụp màn hình

Sáng lập những kênh cá nhân trên Facebook, TikTok, Zalo này không ai khác chính là những người dân địa phương. Ngày càng nhiều người thành công khi tiếp thị du lịch qua mạng xã hội, giúp cải thiện thu nhập, nâng cấp giá trị nông sản, giới thiệu được bản sắc văn hóa dân tộc đến khách quốc tế...

Hướng dẫn nghiệp dư, thu hút đến bất ngờ

Chị Nguyễn Thị Thủy (quận 1, TP.HCM) chia sẻ vừa có chuyến đi "tưởng không vui nhưng lại vui không tưởng" trong dịp Tết vừa qua. Gia đình chị và 2 người em, 2 người bạn nước ngoài, cuối tháng 12-2024 lên kế hoạch đi du lịch ở VN, tiêu chí chỉ đi những nơi... khác biệt.

"Vô tình Facebook chạy ra trang cá nhân của một người Dao đỏ ở Lào Cai làm du lịch nông thôn, giới thiệu nông sản vùng quê. Tôi xem thử một video về cảnh lên nương hái bắp cải, cảnh làm thịt heo lấy mỡ của người dân vùng cao để chuẩn bị Tết.

Bị thu hút, kết quả lần theo Facebook, chúng tôi có chuyến đi 7 ngày, giá cả hợp lý mà lại thú vị ấn tượng với 2 người bạn ở Anh", chị Thủy kể.

Theo chị Thủy, chi phí ở tại nhà người dân người Dao đỏ chỉ mất 300.000 đồng/người/đêm; một bàn ăn cho 8 người chưa đến 2 triệu đồng; chi phí "hướng dẫn viên" đưa vào rừng để trải nghiệm cấy cày, hái măng, tìm rau rừng chỉ mất 500.000 đồng với thời gian... đến khi khách mỏi chân muốn về.

Trên mạng xã hội, đang có ngày càng nhiều trang Facebook, Zalo hay TikTok của người trẻ từ Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên... hoặc những vùng đồng bằng khác, giới thiệu về sản phẩm OCOP như trà xanh, miến, bánh chưng, măng, kẹo lạc, trà táo mèo, quế đi kèm với nhiều video về khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Mọi thứ được giới thiệu rất đơn giản, góc quay rất nghiệp dư nhưng người theo dõi "khó cưỡng" lại. Chẳng hạn trang có tên "Mẩy Kim Dao Đỏ" ở bản Tà Phìn (huyện Sa Pa, Lào Cai) có hơn 8.000 lượt thích, hơn 200.000 người theo dõi.

Bí quyết thu hút chính là trang cá nhân xoay quanh giới thiệu cảnh núi rừng, giới thiệu vườn rau hữu cơ trên nương và trồng ruộng của người vùng cao, hoặc khám phá ngày hội văn hóa Dao; bữa cơm núi rừng hay cảnh quê yên bình; lễ hóa vàng Tết của người Dao đỏ; đoàn khách Tây đến trải nghiệm hái rau và nuôi heo... Những video này đang "dắt" thêm nhiều khách du lịch khác tìm đến.

Một cảnh quay làm kẹo lạc của một nông dân ở Thái Nguyên cũng có gần 5.000 người theo dõi. Cảnh quay có sự hỗ trợ của "đồng nghiệp" là con, cháu trong gia đình. Không chỉ bán được sản phẩm OCOP, chính kênh này khiến nhiều khách tìm đến tận nơi để... làm thử sản phẩm.

Có hơn 10 năm kinh nghiệm điều hành tour ở Sa Pa (thuộc Công ty du lịch Đức Minh, tỉnh Lào Cai), ông Lê Tuấn Kiệt kể khách quốc tế đến Sa Pa ngoài việc tham quan những nơi nổi tiếng ở vùng cao, còn có xu hướng "đưa Facebook ra chỉ: hãy cho tôi đến đây".

Ông Kiệt nói: "Người nước ngoài khi du lịch tự túc sang VN, họ đã có kinh nghiệm nhiều khi đi du lịch, có tìm hiểu. Tôi bất ngờ vì đi theo đoàn hướng dẫn nhưng vẫn có người đưa Facebook người A, người B và yêu cầu đưa đến nhà dân làm du lịch chỉ để trải nghiệm như trong video. Người dân có thêm thu nhập.

Đồng thời bán thêm được dịch vụ tại nhà như ăn uống, ngủ nghỉ, làm bánh hay trải nghiệm những văn hóa khác... Nếu so với làm công nhân hay xuống phố giúp việc nhà, thu nhập không thể nào bằng".

Xu thế mới nhưng cần định hướng rõ

"Tôi thấy bà con trên vùng cao có rất nhiều nông sản ngon, sạch nhưng không có đầu ra. Thay vì đi làm công nhân, tôi ở nhà xây dựng kênh, một tuần ít nhất có một video để làm du lịch, bán kèm sản phẩm nông sản, tôi có thêm thu nhập và tạo được việc làm cho cả gia đình", chủ một homestay ở bản Tà Phìn (huyện Sa Pa) chia sẻ cơ duyên làm du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, tận dụng lợi thế mạng xã hội vào quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt, là cách làm du lịch nông nghiệp rất hay, mang tính xu thế.

Tuy nhiên, cần hỗ trợ cho nông dân, những cá nhân xây kênh làm du lịch. "Tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước, ban ngành nên định hướng để tránh trùng lặp và sáng tạo hơn", bà Khánh nói.

Ông Nông Việt Yên, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, cho hay không khí ngành "công nghiệp không khói" tràn tới Yên Bái rất mạnh, qua nhiều kênh quảng bá khác nhau, trong đó có các kênh du lịch người dân tự xây dựng qua Facebook, Zalo... Du lịch được người địa phương, nhất là giới trẻ, tận dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch, quảng bá các cơ sở homestay đang tạo thu nhập rất tốt.

Điều này đóng góp vào tăng trưởng của du lịch địa phương. Cụ thể, năm 2024 ngành du lịch tăng trưởng bằng 103% so với năm 2023, với 270.000 lượt khách quốc tế; hơn 1,8 triệu khách nội địa; từ 119 cơ sở lưu trú tăng lên 562 cơ sở lưu trú trong năm qua, đẩy doanh thu đột phá, đạt gần 2.000 tỉ đồng.

"Sắp tới, tỉnh có chuyên đề hỗ trợ du lịch, nâng giá trị sản phẩm OCOP, tổ chức các buổi tập huấn bồi dưỡng cho chủ cơ sở du lịch. Ngoài ra, tập huấn để trao đổi thêm phương thức, cách làm video tạo xu hướng, cách tạo hình ảnh để bảo tồn, phát huy hơn giá trị văn hóa Tây Bắc", ông Yên nói.

Nhìn nhận chung về bức tranh người dân làm du lịch tận dụng mạng xã hội, một chuyên gia ngành du lịch (sống tại TP.HCM) đánh giá cách làm mang đặc thù riêng, khác với thông tin báo chí hay các ấn phẩm du lịch, thậm chí hình ảnh, video, clip "đặc sệt" tiếng địa phương nhưng hút khách. Điều này thể hiện nhu cầu của du khách.

"Cần có sự chung tay, từ mô hình du lịch của người dân địa phương đến liên kết với ban ngành; với doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực chuyển đổi số du lịch để làm cầu nối giữa khách du lịch trong nước và quốc tế mà giảm thiểu các chi phí quảng cáo nhưng tiếp cận thị trường tốt", vị này gợi ý thêm giải pháp.

Mạng xã hội truyền cảm hứng cho khách du lịch

Năm 2024, theo nghiên cứu của nền tảng Booking.com, có 69% người được hỏi sử dụng các nền tảng như Instagram, TikTok, Facebook hay YouTube để tìm kiếm ý tưởng cho chuyến đi tiếp theo;

67% người muốn du lịch tới địa điểm từng xuất hiện trong phim hoặc chương trình truyền hình; 60% mong muốn trải nghiệm những món ăn và nét văn hóa đã được giới thiệu trên phương tiện truyền thông.

Đừng để "khách bị rủi ro, khách... tự lo"

Là nhân viên điều hành tour, ông Lê Tuấn Kiệt nhìn nhận cách làm du lịch nông nghiệp của từng người dân qua mạng xã hội là tốt và hiệu quả. Người dân biết giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, để lại ấn tượng với du khách.

Tuy nhiên, ông Kiệt đã chứng kiến những rủi ro với khách quốc tế tại nhà dân. Cách xử lý lúc đó theo ông Kiệt là... "khách tự lo".

"Có khách Tây Ban Nha vào nhà một người dân, đi theo kênh tìm hiểu qua Facebook. Tới nhà dân, họ được người dân dẫn vào rừng bẻ măng, trải nghiệm cảnh đi rừng tìm thức ăn. Không may lại bị trượt chân ngã, khách này lại bị bệnh máu không đông. Cách xử lý lúc đó nháo nhào lên, cơ bản khách tự lo. Việc gọi xe cấp cứu mọi thứ rất mất thời gian...

Chính quyền địa phương cần hướng dẫn để người dân kết hợp công ty lữ hành hay địa phương để có hậu mãi, chăm sóc khách tốt hơn. Nếu khách bị tai nạn và tự lo, chắc chắn khách quốc tế chỉ đến một lần rồi thôi", ông Kiệt nói.

Du lịch nông nghiệp qua... Facebook - Ảnh 2.Số hóa du lịch An Giang trên nền tảng mạng xã hội

Nhằm số hóa du lịch địa phương, khai thác định dạng video ngắn để truyền tải văn hóa, cảnh đẹp, ẩm thực trên ứng dụng di động, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang đã ký kết hợp tác với TikTok Việt Nam.



Nguồn: https://tuoitre.vn/du-lich-nong-nghiep-qua-facebook-20250216235216617.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available