Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch vươn tầm, nông nghiệp nâng chất: Kỳ 1 - Định hình vị thế khu du lịch quốc gia

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là một trong ba nhiệm vụ đột phá. Trên hành trình đó, du lịch không chỉ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu Hà Giang trên bản đồ quốc gia và thế giới mà còn là “cầu nối” đưa nông nghiệp đặc hữu “lên tour”, kiến tạo những giá trị mới từ bản sắc vốn có.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang14/05/2025

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là một trong ba nhiệm vụ đột phá. Trên hành trình đó, du lịch không chỉ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu Hà Giang trên bản đồ quốc gia và thế giới mà còn là “cầu nối” đưa nông nghiệp đặc hữu “lên tour”, kiến tạo những giá trị mới từ bản sắc vốn có.

Kỳ 1: Định hình vị thế khu du lịch quốc gia

Từ vùng đất từng được biết đến với địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn và phát triển chậm, Hà Giang hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng du lịch quốc gia, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á. Đây là thành quả của những quyết sách mang tầm chiến lược, lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn, kết hợp với gìn giữ bản sắc văn hóa và phát huy giá trị bản địa.

Lễ cúng thần Rừng của dân tộc Lô Lô, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) là điểm nhấn văn hóa độc đáo hút khách du lịch.    Ảnh: My Ly
Lễ cúng thần Rừng của dân tộc Lô Lô, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) là điểm nhấn văn hóa độc đáo hút khách du lịch. Ảnh: My Ly

Khẳng định tầm nhìn chiến lược

Là nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông - Tây Bắc, Hà Giang có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc nhất Việt Nam. Những giá trị cao về mặt khoa học, thẩm mỹ cùng với văn hóa độc đáo, phong phú của 19 dân tộc là điều kiện, yếu tố căn bản tạo nên giá trị riêng biệt của mảnh đất nơi đây. Sau 3 lần tái đánh giá, danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được giữ vững. Hà Giang vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá về du lịch. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực này trong những năm gần đây đã tạo đòn bẩy phát triển KT - XH tại địa phương.

Trong bức tranh tổng thể của du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Giang được xác định là một trong những điểm nhấn thuộc vùng động lực phát triển phía Bắc, cùng với Sơn La, Điện Biên, Lào Cai. Vùng đất này được kỳ vọng tỏa sáng với những sản phẩm du lịch đặc trưng như: Nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên núi rừng; trải nghiệm văn hóa cộng đồng; khám phá lịch sử, cách mạng; chinh phục thể thao mạo hiểm. Dự thảo Quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2045 định hướng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia. Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục xác lập rõ: Phát triển du lịch là một trong những khâu đột phá, ngành kinh tế mũi nhọn mà Hà Giang sẽ dồn lực thực hiện.

Từ chiến lược quốc gia về du lịch, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là một trong ba nhiệm vụ đột phá, cùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Định hướng này đã được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên về phát triển du lịch, nhất là Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh và các kế hoạch hành động đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ lớn nhằm tạo cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp; nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững.

Đặc biệt, tỉnh đã sớm thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Hà Giang tại các điểm du lịch, điểm dừng chân, làng văn hóa du lịch cộng đồng, góp phần lan tỏa tinh thần “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.

Tăng tốc, bứt phá toàn diện

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã bố trí gần 1.330 tỷ đồng cho các dự án thuộc khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn. Các công trình hạ tầng lớn được triển khai như: Bảo tàng Hà Giang, Căng Bắc Mê, Quảng trường 26.3, các điểm dừng chân, khu nghỉ dưỡng tại huyện Hoàng Su Phì, tuyến đường đi bộ tại huyện Mèo Vạc, điểm đến du lịch Khâu Vai... Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch thu hút các dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng cao và hỗ trợ tư vấn cho các nhà đầu tư tiềm năng. Tiếp nhận và triển khai 47 chương trình, dự án mới do các tổ chức quốc tế viện trợ. Mạng lưới giao thông đường tỉnh, huyện, xã đến các điểm du lịch được nhựa hóa, bê tông hóa, giúp việc tiếp cận các danh thắng thuận tiện hơn. Việc đầu tư số hóa, xây dựng cơ sở thanh toán điện tử thông minh; phát triển viễn thông, phủ sóng 5G; lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo ở hầu hết các điểm du lịch.

Kiến trúc văn hóa nhà trình tường độc đáo của đồng bào Mông tại H’Mong Village, xã Đông Hà (Quản Bạ).							 						 Ảnh: My Ly
Kiến trúc văn hóa nhà trình tường độc đáo của đồng bào Mông tại H’Mong Village, xã Đông Hà (Quản Bạ). Ảnh: My Ly

Đến nay, toàn tỉnh có 24 tour, tuyến nội tỉnh và liên kết vùng được khai thác. Đối với du lịch cộng đồng có 16 làng đã được công nhận hoàn thành các tiêu chí, nhiều làng có sản phẩm OCOP 3 - 5 sao. Sản phẩm du lịch văn hóa hết sức đa dạng với 32 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, cùng các di tích, lễ hội, trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn. Ngoài các điểm du lịch đang hoạt động, tỉnh đã phê duyệt 4 đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giai đoạn 2024 - 2030 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, Phong Quang, Bát Đại Sơn và Vườn quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn. Với địa hình có độ dốc cao, cảnh quan đẹp, du lịch thể thao, mạo hiểm như chạy marathon, dù lượn, đi thuyền thám hiểm là sân chơi đang thu hút lượng lớn du khách. Bên cạnh đó, du lịch thương mại, biên mậu và các sản phẩm bổ trợ khác trên đà bứt phá.

Cùng với đó, các hoạt động quảng bá ngày càng chuyên nghiệp bằng hợp tác truyền thông rộng mở; tham gia hội nghị xúc tiến, tọa đàm, hội thảo trong và ngoài nước; khai thác nền tảng số Zalo, Facebook, Youtube; xây dựng cổng thông tin và bản đồ số du lịch; tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng và định vị thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang. Liên kết du lịch được thực hiện chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành 8 tỉnh phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung Quốc, Nhật Bản... Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.005 cơ sở lưu trú với 9.263 buồng và 19.199 phòng. Đặc biệt, có 3 homestay đạt giải thưởng Du lịch ASEAN năm 2025, minh chứng cho sự nâng tầm chất lượng dịch vụ tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Hà Giang đang giữ vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới với nhiều giải thưởng quốc tế danh giá cùng sự gia tăng nhanh chóng của khách du lịch trong và ngoài nước. Giai đoạn 2021 – 2023, tăng trưởng khách du lịch bình quân hơn 33%/năm. Năm 2024, lượng du khách đến với tỉnh đạt 3,2 triệu lượt người. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 8.100 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp của hoạt động du lịch vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 10%. Ước tính hết năm 2025, lượng du khách đến với tỉnh đạt 3,5 triệu lượt người. Thị trường khách du lịch quốc tế đến từ 186 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ, Australia. Thị trường khách du lịch trong nước bao gồm tất cả các tỉnh, thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Tỏa sáng trên bản đồ du lịch

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – danh thắng cấp quốc gia trải rộng trên 3.700 ha, bao phủ 24 xã vùng cao, trong đó nổi bật nhất là 3 xã Nậm Ty, Bản Luốc và Bản Phùng. Không chỉ là tuyệt tác của thiên nhiên, nơi đây còn là minh chứng sinh động cho trí tuệ, sự bền bỉ và kỹ nghệ canh tác độc đáo của đồng bào các dân tộc, những con người đã biết “ghi dấu vân tay” lên núi đồi, biến địa hình hiểm trở thành những thửa ruộng uốn lượn tầng tầng, lớp lớp, đẹp đến nao lòng.

Nhằm tạo dựng thương hiệu du lịch đặc trưng, UBND huyện Hoàng Su Phì đã định kỳ tổ chức “Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” vào thời điểm đẹp nhất trong năm. Đó là từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 khi núi đồi khoác lên mình tấm áo vàng rực rỡ của mùa lúa chín, thu hút du khách tìm về chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ và trải nghiệm những nét văn hóa bản địa độc đáo. Đồng chí Hoàng Xuân Hòa, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Nhiều xã trong vùng trọng điểm du lịch đã có sự đầu tư hưởng ứng các lễ hội cũng như trưng bày, triển lãm hàng nông, lâm sản, đồ thủ công mỹ nghệ, dược liệu. Du khách được hòa mình vào không gian văn hóa các dân tộc, xem trình diễn quy trình chế biến rượu thóc Nàng Đôn; dệt và đánh bóng vải của dân tộc Nùng; chế tác hàng thủ công; biểu diễn văn hóa; thưởng trà Shan tuyết và ẩm thực địa phương”.

Nằm dưới chân núi Rồng hùng vĩ, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) chính là “ngôi làng đáng sống nơi cực Bắc Tổ quốc”. Trong tổng số 40 hộ dân, có tới 32 hộ làm du lịch cộng đồng. Năm 2024, thôn đón hơn 5.400 đoàn với gần 29.000 lượt khách, mang về doanh thu trên 4 tỷ đồng từ các dịch vụ lưu trú, ẩm thực và mua sắm. Ban đầu, người dân làm du lịch theo hướng tự phát, tận dụng nhà ở để cải tạo thành homestay, còn hạn chế về sáng tạo và đầu tư. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân được tham gia các lớp tập huấn, học hỏi mô hình hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều homestay ở đây được đánh giá cao không bởi sự hiện đại mà ở nét mộc mạc truyền thống, không gian sạch sẽ và sự hiếu khách đậm chất Lô Lô. “Nhiều du khách đến với Lô Lô Chải để tìm lại sự bình yên sau những bộn bề công việc và những tất bật của cuộc sống thường nhật. Họ thường tâm sự với chúng tôi rằng, đến đây, được hòa mình vào cuộc sống bình yên của đồng bào rẻo cao, thấy cách người dân cần mẫn lao động, gìn giữ đất biên cương rồi tự nhắc mình sống chậm lại để hiểu sâu hơn, yêu hơn mảnh đất Hà Giang” - Trưởng thôn Lô Lô Chải, Sình Dỉ Gai chia sẻ.

Được ví như “Bản làng nghỉ dưỡng giữa đại ngàn đá”, khu nghỉ dưỡng cao cấp H’Mong Village, thôn Tráng Kìm, xã Đông Hà (Quản Bạ) không chỉ gây ấn tượng bởi kiến trúc trình tường thủ công, mái ngói âm dương cổ kính trên những nếp nhà của đồng bào dân tộc Mông, hay những Bungalow lấy cảm hứng từ chiếc quẩy tấu mà còn bởi cách gìn giữ văn hóa trong nhịp sống hiện đại. Bằng cách làm du lịch đổi mới, sáng tạo, mang lại giá trị bền vững, Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village vinh dự là 1 trong 7 cơ sở lưu trú đầu tiên tại Việt Nam đạt nhãn du lịch Xanh VITA GREEN, cấp độ xuất sắc năm 2024. Trước đó, H’Mong Village từng được trao giải thưởng Khách sạn Xanh Asean.

Anh Wendling, du khách đến từ Pháp bày tỏ: “Thật tuyệt vời và hạnh phúc khi tôi và bạn bè của mình được trải nghiệm tại H’Mong Village. Tôi rất vui vì nhân sự ở đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, từng gắn bó cả đời với nương rẫy, nay trở thành những người làm du lịch thực thụ. Họ không cần rời quê để mưu sinh nữa mà sống và làm việc trên chính mảnh đất của mình, bằng niềm tự hào về văn hóa bản địa. Lần này, tôi còn được tham gia hành trình “Ươm mầm xanh trên đá”. Mỗi cây Sa mộc tự tay trồng xuống đều ghi dấu chân du khách như một cách gửi lại điều tốt đẹp cho tương lai”.

Với vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ và bản sắc văn hóa đầy sắc màu, Hà Giang như một bản hòa ca tuyệt mỹ giữa thiên nhiên và con người. Năm 2024, tỉnh được vinh danh là điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và góp mặt trong danh sách 44 địa điểm đẹp nhất thế giới. Đứng trước thời cơ vàng nhưng cũng không ít thách thức, Hà Giang đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành điểm sáng du lịch của khu vực và thế giới, đích đến truyền cảm hứng cho du khách toàn cầu. Song để hành trình ấy bền vững, cần một nền tảng vững chắc từ chính những giá trị bản địa – nơi các đặc sản vùng cao không chỉ là sản vật tiêu dùng mà đang dần được nâng tầm thành tài nguyên kinh tế và bản sắc nhận diện của địa phương.

----------------

Kỳ 2: Nâng tầm đặc sản, kiến tạo chuỗi giá trị

 Nhóm PV

 

Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202505/du-lich-vuon-tam-nong-nghiep-nang-chat-ky-1-dinh-hinh-vi-the-khu-du-lich-quoc-gia-c907b21/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm