Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dự thảo sửa đổi luật Giáo dục: Hội nhập quốc tế, phù hợp tình hình mới

Bộ GD-ĐT công bố dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục để lấy ý kiến đóng góp của công luận, trong đó có nhiều thay đổi quan trọng về hệ thống văn bằng, biên soạn tài liệu giáo dục và phân cấp, phân quyền quản lý các trường học khi thực hiện chính quyền 2 cấp vào thời gian tới.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên13/05/2025

NG HỘ BỎ BẰNG TỐT NGHIỆP THCS

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho hiệu trưởng, phân cấp xã, phường quản lý các trường mầm non, tiểu học, THCS và bỏ quy định Bộ GD-ĐT phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương…

Theo dự thảo, trong hệ thống văn bằng, Bộ GD-ĐT bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình THCS.

Dự thảo sửa đổi luật Giáo dục: Hội nhập quốc tế, phù hợp tình hình mới - Ảnh 1.

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT từ giám đốc sở GD-ĐT cho hiệu trưởng nhà trường

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bộ GD-ĐT cho rằng điều này phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (theo luật Giáo dục hiện hành, bằng tốt nghiệp THCS do phòng giáo dục cấp), phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và với xu thế quốc tế. Theo Bộ GD-ĐT, việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.

Cụ thể, nhiều quốc gia phát triển (như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan…) không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.

Về việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS, các chuyên gia, quản lý cơ sở giáo dục cho rằng việc này là hợp lý, vì sau khi hoàn thành THCS, học sinh (HS) sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cấp học.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định việc giao cho hiệu trưởng trường THCS xác nhận HS hoàn thành bậc học, tương tự như bậc tiểu học hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay phòng GD-ĐT các quận, huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS cũng dựa trên kết quả của các trường THCS báo cáo đề xuất. Do vậy khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thì việc bãi bỏ này là hợp lý, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết.

Ngoài ra, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp THCS là giáo dục cơ bản, do vậy sau khi HS hoàn thành lớp 9, nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản là phù hợp.

TĂNG QUYỀN TỰ CHỦ CỦA TRƯỜNG THPT

Dự thảo luật sửa đổi có nêu chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT từ giám đốc sở GD-ĐT cho hiệu trưởng nhà trường. Theo ban soạn thảo, điều này nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), bày tỏ sự ủng hộ đề xuất giao hiệu trưởng các trường THPT ký, cấp bằng tốt nghiệp cho HS. Theo ông Phú, đây không chỉ là xu hướng hội nhập quốc tế mà còn phù hợp với tiến trình cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, phân quyền, hiệu quả. Với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền 2 cấp, việc cấp bằng ngay tại trường giúp rút ngắn thời gian, giảm thủ tục hành chính, mang lại sự thuận lợi thiết thực cho HS. Đồng thời, điều này thể hiện sự tin tưởng và nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc đánh giá và xác nhận kết quả học tập.

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên (GV) Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), nêu ý kiến việc cho phép hiệu trưởng các trường THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT thay vì sở GD-ĐT là một chủ trương đáng ghi nhận, mang lại nhiều điểm tích cực, giảm tải thủ tục hành chính. Quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian, rút ngắn thời gian và quy trình cấp bằng, tạo thuận lợi cho HS, đặc biệt khi cần gấp bằng để xét tuyển ĐH hoặc đi làm hay mục đích khác.

Theo ông Thanh, quy định này tăng quyền tự chủ cho nhà trường giúp trường chủ động hơn trong công tác quản lý, phát huy trách nhiệm của hiệu trưởng và nâng cao hiệu quả giáo dục địa phương.

Dự thảo sửa đổi luật Giáo dục: Hội nhập quốc tế, phù hợp tình hình mới - Ảnh 2.

Theo dự thảo, trong hệ thống văn bằng, Bộ GD-ĐT bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình THCS

ảnh: Đào Ngọc Thạch

GIAO CẤP TỈNH THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG

Dự thảo luật sửa đổi tách riêng quy định về tài liệu giáo dục địa phương, không nằm trong khoản quy định về sách giáo khoa nhằm xác định rõ tài liệu này không phải là sách giáo khoa. Thay vì Bộ GD-ĐT phê duyệt như hiện nay, dự thảo giao giám đốc sở GD-ĐT thẩm quyền biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Việc tổ chức tài liệu giáo dục địa phương thực hiện theo quy trình: Cấp tỉnh thành lập hội đồng biên soạn, hội đồng phản biện, thẩm định độc lập với các thành viên là chuyên gia, GV có uy tín. Sau khi được đánh giá kỹ lưỡng, cấp tỉnh phê duyệt và ban hành vào các nhà trường tổ chức dạy và học.

Nhiều hiệu trưởng cho biết, khi sáp nhập tỉnh thì chính quyền cấp tỉnh mới cần thực hiện việc rà soát và tích hợp với nội dung lược bỏ các phần trùng lập, cập nhật lại thông tin hành chính, địa danh và truyền thống văn hóa, di tích lịch sử cho phù hợp với thực tế của tỉnh, thành mới. Khi có thông tin cập nhật thì thực hiện biên tập tài liệu học tập. Tức là các địa phương phải thành lập hội đồng điều chỉnh, có đội ngũ GV hay chuyên gia ở địa phương biên soạn lại. Như vậy các địa phương chủ động trong việc biên soạn, phê duyệt và thực hiện giảng dạy tài liệu về địa phương. Điều này giảm bớt thủ tục hành chính và kịp thời đưa tài liệu vào giảng dạy, học tập. 

Nguồn: https://thanhnien.vn/du-thao-sua-doi-luat-giao-duc-hoi-nhap-quoc-te-phu-hop-tinh-hinh-moi-185250512210848598.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm