Ứng dụng KHCN vào sản xuất còn góp phần thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô lớn, hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trung tâm Giống Quảng Ngãi (Sở NN&MT) là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu, chọn tạo, cung ứng và sản xuất các loại giống lúa của tỉnh cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, trung tâm có 4 giống lúa đã được Bộ NN&PTNT (nay là Bộ NN&MT) công nhận độc quyền, gồm: ĐH815-6, QNg13, QNg128 và Thiên Hương (QNg6). Đây là các giống do Trạm Giống cây nông nghiệp Đức Hiệp, thuộc Trung tâm Giống Quảng Ngãi, tự nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất, được thị trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên ưa chuộng.
Cán bộ Trạm Giống cây nông nghiệp Đức Hiệp theo dõi, đánh giá đặc tính của các giống lúa đang được đơn vị nghiên cứu, chọn tạo. |
Ông Huỳnh Thể, ở tổ dân phố Tân Bình, phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) cho biết, các giống của Trạm Giống cây nông nghiệp Đức Hiệp cho năng suất cao và chất lượng gạo ổn định. Thế nên, hàng chục năm nay, năm nào tôi cũng gieo sạ từ 3 - 4 sào giống ĐH815-6, vì giống lúa này dễ canh tác và cho ra gạo được bạn hàng làm bún ưa chuộng, thu mua với giá cao. Riêng giống lúa Thiên Hương thì gạo thơm ngon, được nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh gạo thu mua, nên tôi thường gieo sạ từ 4 - 5 sào trong vụ đông xuân.
Được nông dân tín nhiệm, nên mỗi năm, Trung tâm Giống Quảng Ngãi cung ứng ra thị trường 500 tấn giống, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Phó Trạm trưởng Phụ trách Trạm Giống cây trồng Đức Hiệp Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết, xác định giống đóng vai trò quan trọng và cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp, nên chúng tôi không ngừng nghiên cứu, chọn tạo, cải tiến các loại giống lúa chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng, địa phương. Ngoài ra, điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, dẫn đến nhu cầu sử dụng các giống lúa mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng cao. Do đó, ngoài việc tiếp tục theo dõi đặc tính của 4 giống lúa độc quyền thì mới đây, trung tâm cũng gửi 2 mẫu giống lúa ĐH98 và ĐH99-81 đến Trung tâm Khảo kiệm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng miền Trung (Bộ NN&MT) để khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống (VCU).
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng là nguồn lực hạn chế, việc sử dụng các biện pháp lai tạo truyền thống dẫn đến thời gian nghiên cứu cơ bản kéo dài. Như các giống lúa của Trung tâm Giống Quảng Ngãi phải mất hơn 10 năm nghiên cứu, chọn tạo và đánh giá mới được công nhận độc quyền, từ đó được phép sản xuất và cung ứng đại trà ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Trịnh Lương Thơm cho hay, trung tâm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nhưng rủi ro cao, trong khi việc hợp tác với các viện nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, đất đai, tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, lai tạo, sản xuất... Bên cạnh đó, trang thiết bị máy móc và hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, nên hoạt động sản xuất chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, làm ra hạt giống, chứ chưa chế biến ra sản phẩm cuối để gia tăng giá trị của lúa, gạo. Do đó, trung tâm mong được cơ quan chức năng tháo gỡ những nút thắt qua việc thực thi hiệu quả các chính sách, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Tiến sĩ Vũ Văn Khuê - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, KHCN không chỉ dừng lại ở việc tăng năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng qua việc tích hợp đa giá trị nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Với lĩnh vực nông nghiệp, thì việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sản xuất giống là 1 trong 3 yếu tố then chốt (cùng với quy trình sản xuất và bảo quản sau thu hoạch) cần được quan tâm, chú trọng. Bởi vì, bộ giống tốt không chỉ gia tăng năng suất và thu nhập cho nông dân, mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh qua các sản phẩm sau chế biến.
Xác định vai trò quan trọng của KHCN trong giai đoạn mới, Sở NN&MT cũng tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, đầu tư hạ tầng, thu hút nhà đầu tư gắn với trọng dụng nhân lực chất lượng cao...
Giám đốc Sở NN&MT Hồ Trọng Phương nhấn mạnh, song song với việc rà soát lại toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, sở cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị ngành, lĩnh vực trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Sở nghiên cứu, tham mưu tỉnh đầu tư tập trung cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm của các đơn vị với quy mô lớn thay vì đầu tư nhỏ lẻ cho từng đơn vị như trước đây. Qua đó, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm KHCN, đưa những kết quả của quá trình nghiên cứu đi vào thực tiễn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ngoài ra, sở còn xây dựng, tham mưu cơ quan chức năng ban hành cơ chế, nguồn lực để đào tạo, hình thành đội ngũ nhân lực trẻ chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển KHCN bền vững.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202504/dua-khoa-hoc-cong-nghe-vao-trong-san-xuat-nong-nghiep-5ea135f/
Bình luận (0)