Dùng blockchain hỗ trợ thâm nhập thị trường Halal

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ17/02/2025

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đầy tiềm năng đối với các sản phẩm Halal. Riêng thị trường các sản phẩm tiêu dùng, làm đẹp theo chuẩn Halal của MENA được dự báo đạt giá trị 5.900 tỉ USD vào năm 2025.


Dùng blockchain hỗ trợ thâm nhập thị trường Halal - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi theo chuẩn Halal tại một hộ gia đình Hồi giáo - Ảnh: P.C.

Dự báo dân số MENA sẽ đạt 600 triệu người vào năm 2030, cùng với xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, mỹ phẩm của thế hệ trẻ, đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam tận dụng nền tảng nông nghiệp và xuất khẩu các sản phẩm từ thiên nhiên.

Phải vượt qua quy định phức tạp

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị tạo cơ hội lớn cho các DN sản xuất, trồng trọt, đóng gói, vận chuyển các sản phẩm Halal có thể nhanh chóng gia nhập chuỗi cung ứng cho cộng đồng người Hồi giáo trên toàn cầu.

Việc tham gia thị trường Halal (những điều được phép mà người Hồi giáo phải tuân thủ) ở Trung Đông đòi hỏi Việt Nam phải lưu ý đến một số yếu tố về Luật Tôn giáo.

Thứ nhất, giáo luật, quy định dựa trên đức tin được cộng đồng người Hồi giáo diễn giải từ kinh Qur'an, được gọi là luật Shariah (hay luật của Thánh Allah).

Tuy nhiên, trường hợp không tìm thấy cách giải quyết trong luật Shariah, người Hồi giáo có thể sử dụng cuốn sách khác, đó là Sunnah.

Đây là nguồn gốc của những điểm "mờ" theo quy định của từng cộng đồng, địa phương trong cùng một giáo hội. Từ đó, tạo ra các "mazhab". Do những mazhab này giải thích khác nhau về các câu thơ trong kinh Qur'an, nhiều quốc gia thực hiện các luật và quy tắc khác nhau.

Ví dụ, điều quan trọng là mỹ phẩm Halal phải được chế biến theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn của Halal được duy trì trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Việc xác định một sản phẩm có phải là Halal hay không là một thách thức, khi số lượng lớn các thành phần có thể đến từ nguồn động vật hoặc thực vật và những thành phần đến từ các sản phẩm phụ từ động vật.

Tất cả sản phẩm thực vật đều là Halal, nhưng một khi chúng bị nhiễm các thành phần hoặc chất hỗ trợ chế biến có các chất gây say, gây nghiện thì chúng sẽ bị tuyên bố là haram (điều không được phép).

Để tận dụng được cơ hội, về pháp lý trong giao lưu thương mại với các quốc gia Trung Đông, Việt Nam cần chú ý thêm đặc điểm quan trọng: thâm nhập thị trường Halal nói chung với khoảng 2 tỉ người tiêu dùng (thị trường Halal tại Trung Đông khoảng 315 triệu người), cần quan tâm tầm quan trọng của đạo Hồi trong tiêu chuẩn trao đổi thương mại. Đặc biệt, tiêu chuẩn Halal của các nước Trung Đông khác với tiêu chuẩn Halal của Malaysia và Indonesia.

Cơ hội từ ứng dụng blockchain

Để xác minh và đảm bảo không bị nhiễm các vật liệu hoặc quy trình không phải Halal, nhiều DN và tổ chức kiểm định đã "trao quyền" cho công nghệ blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa).

Công nghệ này giúp lưu trữ thông tin an toàn về quy trình chứng nhận Halal, cung cấp hồ sơ rõ ràng và không thể thay đổi, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn Halal ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng.

Nếu ứng dụng tốt blockchain, hàng Việt có thể tăng niềm tin của người tiêu dùng trong việc phát hiện các gian lận hay sai sót trong dán nhãn, xác định các sản phẩm Halal trong khi mua sắm ở các thị trường nước ngoài.

Dù khách du lịch đến từ các nước có quy định Halal khác nhau, nước chủ nhà cũng có cơ hội bán sản phẩm dựa trên sự minh bạch về tiêu chuẩn Halal.

Năm 2024, với "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập)", UAE trở thành đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại Trung Đông.

Cơ hội cho các mặt hàng nông nghiệp, thực phẩm chế biến... tiến sâu vào thị trường các nước Trung Đông và Bắc Phi đang rộng mở hơn.

Nếu thâm nhập thành công vào thị trường Halal, xuất khẩu nông sản và các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam có thể tăng 50% hoặc hơn với nhiều nhóm hàng. Năng lực của DN Việt là có khi chúng ta đã thâm nhập thành công nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật...

Nếu thực sự quan tâm và đầu tư vào thị trường Halal, khả năng tăng trưởng 2 con số của nhiều ngành hàng là không quá khó, góp phần vào tốc độ tăng trưởng 2 con số ở Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Dùng blockchain hỗ trợ thâm nhập thị trường Halal - Ảnh 2.Doanh nghiệp Việt khai phá thị trường Halal

Các quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới như Indonesia, Malaysia, khu vực Nam Á, Pakistan, Bangladesh... sử dụng thực phẩm Halal đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam với số lượng lớn.



Nguồn: https://tuoitre.vn/dung-blockchain-ho-tro-tham-nhap-thi-truong-halal-202502170003033.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available