Những ngày tháng 4 lịch sử, đông đảo người dân Việt Nam về thăm Dinh Ðộc lập (Thành phố Hồ Chí Minh). Nơi đây ghi dấu thời khắc lịch sử: 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Ðộc lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Ðộc lập. Từ đây, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, Dinh Ðộc lập còn là công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Dinh Ðộc lập trước đây là dinh Norodom, được người Pháp xây dựng từ năm 1868. Ðây từng là dinh Thống đốc Nam Kỳ, dinh Toàn quyền và dinh Cao ủy Pháp tại Ðông Dương... Năm 1955, Ngô Ðình Diệm quyết định đổi tên dinh này thành Dinh Ðộc lập. Từ đó, Dinh Ðộc lập trở thành nơi đại diện cho chính quyền cũng như nơi ở của tổng thống chính quyền tay sai và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Ngày 27/2/1962, dinh bị ném bom gây hư hại nặng, Ngô Ðình Diệm buộc phải xây dinh mới. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã lấy ý tưởng từ triết lý phương Ðông cổ truyền và bản sắc văn hóa của dân tộc để thiết kế. Kiến trúc dinh là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Ðông. Toàn thể bình diện của dinh làm thành hình chữ “Cát”, có nghĩa là tốt lành, may mắn. Vẻ đẹp kiến trúc của dinh còn được thể hiện bởi hệ thống rèm hoa đá, mang hình dáng những đốt trúc thanh tao, bao xung quanh lầu 2. Bên trong dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngang bằng, sổ thẳng. Sân trước của dinh là một thảm cỏ xanh mát tạo ra một cảm giác êm dịu, sảng khoái cho khách ngay khi bước qua cổng. Chạy theo suốt chiều ngang của đại sảnh là hồ nước hình bán nguyệt. Trong hồ trồng sen và súng, gợi nên hình ảnh những hồ nước yên ả ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ kính của các vùng quê Việt Nam.
Dinh có chiều cao 26m, được xây dựng trên diện tích 4.500m2, diện tích sử dụng là 20.000m2, gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, 1 tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của dinh, tùy theo mục đích sử dụng, được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp Hội đồng Nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó Tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến... Các hệ thống phụ trợ bên trong dinh rất hiện đại với đầy đủ hệ thống điều hòa không khí, phòng, chống cháy, thông tin liên lạc, nhà kho... Các phòng của dinh được trang trí bằng nhiều tác phẩm tranh sơn mài, tranh sơn dầu…
Dinh Ðộc Lập là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân Giải phóng dẫn đầu đội hình đã húc vào cổng phụ của Dinh Ðộc lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính, tiến thẳng vào dinh. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận, Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng mang số hiệu 843 đã cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Ðộc lập. Cũng chính vào giờ phút đó, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hoà là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Ðây là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam.
Hiện nay, trong khuôn viên của Dinh Ðộc Lập, có phiên bản 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 843, 390 như một minh chứng lịch sử hào hùng cho đại thắng của dân tộc ta. Cựu chiến binh Dương Thành Công ở xã Hiệp Cường (Kim Ðộng) đã từng một thời sát cánh cùng đồng đội anh dũng, kiên cường chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Với giọng đầy tự hào, phấn khởi, cựu chiến binh Dương Thành Công kể cho chúng tôi nghe về những ngày hành quân, những trận chiến đấu ác liệt trong chiến dịch Tây Nguyên rồi cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt tại Xuân Lộc, Long Khánh… Sáng sớm ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt Tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha cảnh sát... Ðến trưa ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Ðộc lập. Ðường phố Sài Gòn rợp đỏ cờ, hoa, người dân hò reo mừng chiến thắng… Cựu chiến binh Dương Thành Công xúc động: Ngày nay, có dịp trở lại thăm Dinh Ðộc lập, từng kỷ niệm thời lính, giây phút tự hào khi được chứng kiến thời khắc miền Nam được giải phóng hoàn toàn lại trỗi dậy trong tôi. Ðất nước ta đã vững vàng vượt qua bao thử thách, khó khăn để xây dựng nên nền độc lập, vươn mình phát triển. Ðời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Dinh Ðộc lập đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, dinh lưu giữ khoảng 6.800 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật. Ðây là điểm đến ý nghĩa đối với nhiều bạn trẻ muốn học tập, nghiên cứu về lịch sử qua các hiện vật được lưu giữ tại đây. Ðã có dịp đến thăm Dinh Ðộc lập, anh Bùi Công Cẩn ở xã Phương Nam (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Dinh Ðộc lập là nơi đánh dấu chiến công lừng lẫy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Qua những hình ảnh và hiện vật lưu giữ ở đây, tôi càng hiểu hơn về cuộc chiến tranh mà đất nước, Nhân dân ta đã trải qua 50 năm về trước để từ đó thêm trân trọng lịch sử và những cống hiến, hi sinh của cha, ông. Tôi tự nhủ mình cần phải sống có ích, có trách nhiệm với Tổ quốc, góp sức mình để xây dựng quê hương, đất nước.
Nguồn: https://baohungyen.vn/den-tham-dinh-doc-lap-3180835.html
Bình luận (0)