Kết quả tăng trưởng GDP 6,93% trong quý I của Việt Nam đã vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 do nhiều động của thế giới ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70% , đóng góp 53,74%.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia đánh giá, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ được sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ.
Thứ hạng tăng trưởng ASEAN-6 quý I/2025. (Ảnh: baomoi.com) |
Với mức tăng trưởng 5,4%, Philippines xếp thứ hai trong ASEAN-6. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines cho thấy tiêu dùng hộ gia đình và chi tiêu công là hai trụ cột chính. Đáng chú ý, chi tiêu công tăng tới 18,7%, mức cao nhất kể từ quý II/2020, trong khi lạm phát hạ nhiệt góp phần hỗ trợ tiêu dùng dân cư.
Trong khi đó, Indonesia ghi nhận mức tăng GDP 4,87%, thấp nhất trong ba năm gần đây. Theo Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), nguyên nhân chủ yếu đến từ hiệu ứng nền cao của kỳ bầu cử tháng 2/2024, khiến chi tiêu công quý I/2025 giảm 0,08%. Tiêu dùng hộ gia đình là động lực chính, đóng góp 2,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto khẳng định: “Indonesia vẫn duy trì vị thế trong top 3 của ASEAN về tốc độ tăng trưởng và chỉ đứng sau Việt Nam và Philippines trong quý này”.
Malaysia đạt tăng trưởng 4,4% trong quý I/2025, giảm so với mức 4,9% của quý trước. Ngân hàng Trung ương nước này cho biết tiêu dùng hộ gia đình và xuất khẩu điện tử là các điểm sáng. Tuy nhiên, sản lượng dầu khí sụt giảm và ngành ô tô chững lại đã ảnh hưởng đến đà phục hồi. Thống đốc Abdul Rasheed Ghaffour nhận định tăng trưởng năm nay có thể thấp hơn mức dự báo 4,5–5,5%.
Singapore ghi nhận mức tăng GDP 3,8%, giảm từ 5% của quý IV/2024. Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm xuống mức 0-2% trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là thuế đối ứng từ Mỹ, tạo sức ép lên ngành sản xuất, dịch vụ tài chính và vận tải.
Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục là nền kinh tế tăng chậm nhất trong nhóm ASEAN-6 với mức tăng trưởng 3,1%. Dự báo cho cả năm 2025 hiện bị điều chỉnh giảm còn 1,3 - 2,3%, phản ánh sức cầu nội địa yếu, niềm tin tiêu dùng sụt giảm và nguy cơ thuế quan từ Mỹ tác động tiêu cực tới lĩnh vực xuất khẩu ô tô và điện tử.
Diễn biến quý I cho thấy sự phân hóa rõ nét trong khối ASEAN-6. Việt Nam và Philippines giữ vững đà phục hồi nhờ sức cầu nội địa và chính sách ổn định, trong khi các nền kinh tế lớn như Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài.
Trước áp lực từ thương mại toàn cầu suy giảm, ASEAN đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái định hình chiến lược phát triển: giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, thúc đẩy chuyển đổi số, xanh hóa nền kinh tế và hội nhập thể chế sâu rộng hơn.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/gdp-quy-i2025-viet-nam-dan-dau-asean-6-213676.html
Bình luận (0)