Ngày 28/3, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vua Lửa - Huyền thoại và hiện thực”, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Plei Ơi, xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện).
Tham dự hội thảo có hơn 40 nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng… và ông Siu Phơ, Rơ Lan Hieo - phụ tá của Vua Lửa đời thứ 14 (vị Vua Lửa cuối cùng của người Jrai trên Tây Nguyên).
Hội thảo khoa học “Vua Lửa - Huyền thoại và hiện thực”, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Plei Ơi
Theo đó, hội thảo nhằm làm sáng tỏ hiện tượng Vua Lửa từ góc độ lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và đưa ra giải pháp bảo tồn di tích Plei Ơi. Tại hội thảo, có 39 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tập trung vào nguồn gốc, ý nghĩa và vai trò của Vua Lửa trong đời sống cộng đồng, cũng như nghi lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.
Nếu như PGS.TS Nguyễn Khắc Sử tiếp cận hiện tượng Vua Lửa dưới góc nhìn khảo cổ học về “Cơ tầng địa - khảo cổ của hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng Pơtao Apui ở Gia Lai” thì TS Phạm Thị Thủy Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo phân tích vị trí của thần lửa trong các tôn giáo châu Á và huyền thoại Vua lửa ở Tây Nguyên.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử tiếp cận hiện tượng Vua Lửa dưới góc nhìn khảo cổ
Riêng đối với PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học Việt Nam lại làm rõ mối quan hệ giữa Vua Lửa với các triều đại phong kiến Việt Nam.
Về giải pháp bảo tồn, các chuyên gia như TS. Bùi Minh Đạo, TS. Nguyễn Thị Kim Vân đề xuất kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích Plei Ơi, trong khi Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai Trần Ngọc Nhung trình bày phương án quản lý và phát huy giá trị di tích.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Các nhà nghiên cứu, khoa học trên cả nước đã dành nhiều quan tâm và đã có các bài viết, công trình nghiên cứu tham gia hội thảo, làm sáng tỏ thêm về hiện tượng Vua Lửa - huyền thoại và hiện thực. Tôi mong muốn các nhà khoa học sẽ giới thiệu kết quả nghiên cứu, đưa ra những nhận định, đánh giá mới về vai trò, vị trí của Vua Lửa và việc thực hành nghi lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui. Từ đó, nêu bật những giá trị của di tích, của nghi lễ trong quá khứ và hiện tại; đề xuất giải pháp nhằm tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử quốc gia Plei Ơi trong thời gian tới, góp phần phát triển du lịch cho địa phương”.
Ông Siu Phơ và Rơ Lan Hieo - phụ tá của Vua Lửa đời thứ 14 (vị Vua Lửa cuối cùng của người Jrai trên Tây Nguyên)
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất cao việc đề nghị nâng cấp Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Plei Ơi thành di tích quốc gia đặc biệt. Trong khuôn khổ hội thảo, còn có triển lãm hình ảnh về các nghi thức cầu mưa, chân dung các đời Vua Lửa và cảnh quan di tích Plei Ơi được tổ chức.
Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Trải qua năm thế kỷ, các Vua Lửa được kế tục qua 14 đời vua. Vị vua cuối cùng là Siu Luynh mất vào năm 1999. Mặc dù không còn Vua Lửa, nhưng huyền tích của các vị vua như: Gươm thần, bộ chiêng Ơi Tú, núi Chư Tao Yang; khu nhà mồ Pơtao APuih vẫn được bảo tồn nguyên giá trị. Năm 2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ cúng cầu mưa của người Jrai là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nguồn: https://www.congluan.vn/gia-lai-de-nghi-nang-cap-di-tich-lich-su--van-hoa-cap-quoc-gia-plei-oi-thanh-di-tich-quoc-gia-dac-biet-post340517.html
Bình luận (0)