Lễ thổi tai của người Jrai ở xã Ia Yeng thường được tổ chức vào mùa Xuân khi các hoạt động nông nghiệp không quá bận rộn. Nghi lễ này được thực hiện đối với trẻ em từ 4 tháng đến 1 tuổi với mong muốn cầu mong cho trẻ khỏe mạnh, lớn lên lanh lợi, giỏi giang. Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị các lễ vật, đa phần sẽ chuẩn bị cây nêu, 3 ghè rượu, 1 con heo và 3 con gà.

Sau khi khấn xin thần linh, chủ lễ sẽ bắt đầu thực hiện các nghi thức cúng lễ thổi tai cho trẻ. Theo đó, chủ lễ sẽ sử dụng 1 cuộn chỉ đã được rút lõi và nhúng vào bát đồng đựng nước rồi lần lượt áp vào tai trẻ kết hợp cầu khấn thần linh, tổ tiên phù hộ, chở che cho đứa trẻ luôn được khỏe mạnh, có trí tuệ thông minh.

Tiếp đó, chủ lễ thực hiện liên tục 7 lần đưa đứa trẻ ra sau qua vai phải mình cho mẹ bé nhận lại rồi tiếp tục đưa cho chủ lễ; sau đó, chủ lễ đặt đứa trẻ giữa hai đùi của mình và dùng tay trở đầu trẻ 3 lần, 5 lần, 7 lần hoặc 9 lần. Những nghi thức này mang ý nghĩa khi còn nhỏ, đứa trẻ đã làm quen với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống và sau này lớn lên sẽ luôn nhớ về gia đình, buôn làng.

Kết thúc lễ cúng, chủ lễ sẽ làm lễ cúng cảm ơn thần linh và những người đã góp công giúp cho trẻ ra đời an toàn, cứng cáp; đồng thời, mời thần linh, tổ tiên ông bà hưởng lễ vật trước khi mời mọi người có mặt tại buổi lễ cùng uống rượu. Tại đây, những người có mặt sẽ chúc mừng đứa trẻ bằng tiền mặt hoặc gạo với mong muốn bé lớn lên khỏe mạnh, có cuộc sống đủ đầy.

Lễ thổi tai có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hoá của người Jrai, đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp cuộc đời để qua đó thần linh, gia đình và cộng đồng đón nhận một thành viên mới. Từ đó, phù hộ, chở che cho đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, giỏi giang, có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và trở thành người có ích cho cộng đồng buôn làng.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/gia-lai-doc-dao-le-thoi-tai-cua-nguoi-jrai-post316468.html
Bình luận (0)