Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường gạo vẫn giữ giá như ngày 6/5, lượng giao dịch ít. Mặt hàng lúa tươi có xu hướng giảm so với cuối tuần. Theo thống kê từ Cục Trồng trọt, tính đến ngày 5/5, vùng này đã gieo sạ được hơn 1,5 triệu ha vụ Đông Xuân 2024-2025, thu hoạch khoảng 1,495 triệu ha, đạt năng suất 72,17 tạ/ha, sản lượng ước khoảng 10,79 triệu tấn. Vụ Hè Thu 2025 cũng đã xuống giống được 915.000 ha, bước đầu thu hoạch khoảng 37.000 ha.
Tại các địa phương, giao dịch gạo vẫn trầm lắng. Ở An Giang và Lấp Vò (Đồng Tháp), thị trường chậm, giá gạo các loại không đổi. Tại chợ Sa Đéc và An Cư (Tiền Giang), lượng giao dịch thấp, các kho mua chậm, giá tiếp tục ổn định.
Hiện giá gạo nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long không biến động lớn. Gạo IR 504 khoảng 8.200 - 8.400 đồng/kg, CL 555 ở mức 8.600 - 8.800 đồng/kg, OM 18 dao động 10.200 - 10.400 đồng/kg, Jasmine ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg, OM 380 giữ giá 7.700 - 7.850 đồng/kg.
Tại chợ lẻ An Giang, giá gạo cũng không có thay đổi. Gạo thơm phổ biến từ 18.000 - 22.000 đồng/kg, gạo thường khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg, gạo thơm Thái dao động 20.000 - 22.000 đồng/kg, Nàng Nhen có giá cao nhất 28.000 đồng/kg, còn gạo Hương Lài giữ ở mức 22.000 đồng/kg.
Thị trường nếp cũng ổn định. Nếp IR 4625 tươi giữ ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg, loại khô 3 tháng khoảng 9.600 - 9.700 đồng/kg.
Với nhóm phụ phẩm, giá tấm 2 hiện ở mức 7.100 - 7.200 đồng/kg, giá trấu ổn định từ 1.000 - 1.150 đồng/kg, còn giá cám vẫn duy trì quanh mức 6.300 - 6.400 đồng/kg.
Về giá lúa, nhiều nơi ghi nhận nguồn cung ít, giao dịch chậm, giá nhìn chung ổn định. Tại Long An, đa phần lúa đã đặt cọc, giá giữ vững. An Giang và Cần Thơ có một số diện tích lúa Hè Thu cắt sớm nhưng lượng giao dịch không nhiều. Ở Kiên Giang, giá lúa gần như đi ngang, thị trường yên ắng.
Riêng tại An Giang, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết giá lúa OM 380 giảm nhẹ 100 đồng/kg, còn 5.600 - 5.900 đồng/kg. Các loại lúa khác giữ nguyên: OM 5451 từ 6.400 - 6.600 đồng/kg, IR 50404 ở mức 5.800 - 6.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 dao động 6.900 - 7.000 đồng/kg, lúa thơm từ 6.550 - 7.000 đồng/kg và lúa thường khoảng 5.800 - 6.400 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá gạo tại các nước xuất khẩu lớn tiếp tục tăng nhẹ từ 1 đến 2 USD/tấn so với ngày trước. Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm hôm nay nhích thêm 1 USD/tấn, lên mức 398 USD/tấn. Gạo loại 100% tấm hiện ở mức 323 USD/tấn, còn loại 25% tấm là 368 USD/tấn.
Trong tuần từ ngày 29/4 đến 5/5/2025, có 31 tàu cập cảng Hồ Chí Minh và Mỹ Thới để xếp tổng cộng khoảng 270.090 tấn gạo các loại.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng 2 USD/tấn, đạt 407 USD/tấn, trở thành mức cao nhất trên thị trường hiện nay. Gạo cùng loại của Ấn Độ và Pakistan cũng được điều chỉnh tăng, lần lượt lên 382 và 389 USD/tấn.
VFA cho biết, chỉ số giá gạo trắng Oryza (WRI) trung bình toàn cầu kết thúc tuần ngày 2/5 đạt 447 USD/tấn, tăng nhẹ so với tuần trước. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn 5 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 199 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo toàn cầu đang phục hồi từ mức đáy trong hai năm qua, do lượng dự trữ giảm tại các quốc gia xuất khẩu chính như Thái Lan và Pakistan. Điều này khiến nhiều nước đồng loạt tăng giá. Việt Nam cũng điều chỉnh tăng do nguồn cung hạn chế vì ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Tại Ấn Độ, thị trường trong nước có thể chịu áp lực ngắn hạn khi bang Chhattisgarh chuẩn bị bán ra 3,5 triệu tấn gạo.
Theo báo cáo tháng 4/2025 của FAO, sản lượng gạo toàn cầu năm nay dự kiến đạt mức kỷ lục 543,3 triệu tấn, nhờ sản lượng tăng tại Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia và Tanzania, dù một số nước như Bangladesh, Indonesia và Myanmar sụt giảm.
Mức tiêu thụ gạo toàn cầu được dự báo tăng 2,1%, đạt khoảng 539 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu thực phẩm và sản xuất ethanol tại Ấn Độ. Dự trữ toàn cầu dự kiến đạt 205,9 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu hướng tích trữ tại cả các nước nhập khẩu và xuất khẩu.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gia-lua-gao-hom-nay-7-5-2025-gia-lua-tuoi-giam-3154240.html
Bình luận (0)