Lợi ích và nguy cơ khi ăn giá sống
Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thảo Nguyên (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, giá đỗ là thực phẩm quen thuộc, thường được dùng nấu trong các món xào, canh hoặc ăn sống kèm với bún, phở. Giá đỗ là thực phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa huyết áp và bổ sung chất chống oxy hóa.
Giá đỗ chứa hàm lượng chất xơ cao tạo cảm giác no lâu và từ đó giúp giảm lượng calo tổng thể nạp vào cơ thể. Bên cạnh đó, giá đỗ còn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho tim mạch như chất chống oxy hóa, kali và canxi, giúp điều hòa huyết áp và tăng cường sức khỏe tim. Giá đỗ góp phần giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng nhờ hàm lượng vitamin phong phú và nhiều khoáng chất.
"Tùy vào cơ địa và tình trạng sức khỏe, mỗi người có thể lựa chọn ăn giá sống hoặc giá chín. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở nguồn gốc thực phẩm và nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không được sơ chế đúng cách", bác sĩ Thảo Nguyên cho hay.
Thực tế, ăn giá sống giúp giữ lại tối đa lượng vitamin, khoáng chất - đặc biệt là vitamin C và enzym thực vật. Tuy nhiên, môi trường trồng giá thường nóng ẩm, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn như Salmonella, E.coli phát triển.
Ăn giá sống hay giá chín đều có những ưu và nhược điểm riêng
ẢNH MINH HỌA: AI
Nếu ăn phải giá nhiễm khuẩn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, sốt, đau bụng quặn từng cơn, tiêu chảy, thậm chí đi ngoài phân có máu. Đáng lo ngại hơn, nhiều cơ sở trồng giá sử dụng chất kích thích tăng trưởng thu hẹp thời gian thu hoạch, khiến giá mọc nhanh hơn. Nhưng đồng thời tiềm ẩn nguy cơ tồn dư hóa chất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
"Người có hệ miễn dịch yếu như người già, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tiêu hóa… không nên ăn giá sống. Đây là nhóm có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm hoặc rối loạn tiêu hóa khi ăn thực phẩm chưa nấu chín. Giá đỗ tuy quen thuộc và lành tính nhưng nếu không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn có thể trở thành nguồn lây nhiễm vi sinh vật hoặc tồn dư hóa chất gây hại sức khỏe", bác sĩ Thảo Nguyên khuyến cáo.
Ăn giá chín: Giải pháp an toàn nhưng cần đúng cách
Việc chần giá qua nước sôi hoặc nấu cùng món ăn giúp tiêu diệt phần lớn vi khuẩn có hại, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn - đặc biệt đối với người có đường ruột nhạy cảm. Tuy nhiên, nhiệt độ cao cũng có thể làm mất đi một số vitamin như vitamin C, do đó cần nấu nhanh, tránh đun lâu ở nhiệt độ cao.
Không nên ăn giá sống nếu không chắc chắn về nguồn gốc hoặc đang có bệnh lý tiêu hóa. Người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch kém… nên ưu tiên giá chần hoặc nấu chín. Nên kết hợp giá với các món như thịt bò, canh hến, xào rau củ… vừa tăng hương vị, vừa đảm bảo vệ sinh. Không nên nấu giá quá lâu vì có thể làm mất chất. Chần nhanh hoặc xào với lửa lớn trong thời gian ngắn là cách tốt nhất.
"Tốt nhất là nên nấu vừa chín tới. Vừa giữ được độ giòn, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh. Trường hợp bắt buộc ăn sống, nên chọn giá có nguồn gốc rõ ràng, rửa kỹ và ngâm nhiều lần với nước sạch, không cần ngâm nước muối vì không diệt được vi khuẩn gây bệnh như nhiều người lầm tưởng", bác sĩ Lê Thảo Nguyên khuyến cáo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gia-song-gia-chin-an-loai-nao-tot-hon-185250413103846959.htm
Bình luận (0)