Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải "cơn khát" vốn của hợp tác xã

Dù được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, nhưng cho đến nay, khu vực kinh tế hợp tác vẫn loay hoay trong bài toán vốn. Hầu hết hợp tác xã đều gặp khó trong tiếp cận tín dụng, khiến không ít mô hình chỉ hoạt động cầm chừng hoặc dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu sức bật để phát triển.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân03/05/2025

Hợp tác xã Than Uyên (Lai Châu) là một trong số những hợp tác xã hiếm hoi gặp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi để làm đòn bẩy cho sự phát triển của mình. Theo Giám đốc Hợp tác xã Lê Tuấn Anh, nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam, doanh số của hợp tác xã đã tăng trưởng ấn tượng với năm sau tăng khoảng 25% so với năm trước. Hiện hợp tác xã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất với tổng vốn đầu tư lên đến 24 tỷ đồng và mong muốn tiếp tục được vay thêm từ Quỹ để mở rộng quy mô sản xuất.

Gọi là hiếm hoi, bởi trong số 100 hợp tác xã tiêu biểu vừa được vinh danh tại Giải thưởng “Ngôi sao Hợp tác xã - CoopStar Awards 2025” do Liên minh Hợp tác xã tổ chức mới đây, cũng chỉ có 16 hợp tác xã nhận được 31 khoản vay từ Quỹ. Điều này phản ánh thực trạng còn hơn 80 hợp tác xã chưa tiếp cận được vốn. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò là đầu mối quan trọng, phối hợp các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn cho các hợp tác xã. Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, một phần do cơ chế cho vay trước đây của Quỹ còn bó hẹp về đối tượng, chỉ giới hạn cho vay đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho vay đầu tư; một phần khác là do nhiều hợp tác xã chưa có thông tin đầy đủ về Quỹ.

Theo Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam Phạm Công Bằng, Quỹ đã cho hàng trăm hợp tác xã và thành viên vay vốn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế tập thể trên cả nước. Với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận, nên có thể nói, các gói vay tại Quỹ đang có lãi suất rất hấp dẫn. Cụ thể, với khoản vay ngắn hạn lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ từ 4%/năm và 4,6%/năm với các lĩnh vực khác. Trong khi đó, với các khoản vay trung hạn lĩnh vực ưu tiên có lãi suất 4,7%/năm, còn lĩnh vực khác là 5,2%/năm. Đối với khoản vay dài hạn là 4,7%/năm và 5,2%/năm với lần lượt lĩnh vực ưu tiên và lĩnh vực khác.

Bên cạnh vay vốn từ Quỹ, các hợp tác xã cũng tìm đến với dòng vốn tín dụng chính thức từ phía hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh vay vốn từ Quỹ, các hợp tác xã cũng tìm đến với dòng vốn tín dụng chính thức từ phía hệ thống ngân hàng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2024, có 35 tổ chức tín dụng tham gia cho vay đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với dư nợ đạt 6.855 tỷ đồng, tăng 11,53% so với cuối năm 2023. Nhưng đến cuối tháng 1/2025, dư nợ cho vay đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.428 tỷ đồng, giảm 6,23% so với cuối năm 2024, chiếm 0,04% tổng dư nợ nền kinh tế.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bên cạnh dư nợ cho vay chủ thể là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức tín dụng còn cho vay đối với các cá nhân, hộ gia đình là thành viên hợp tác xã để đáp ứng nhu cầu sản xuất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã có thể cao hơn nhiều, dưới hình thức khoản vay của cá nhân thành viên hợp tác xã. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên hợp tác xã, đến cuối tháng 1/2025 đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Nhưng cũng giống với việc vay vốn từ Quỹ, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại cũng là một trở ngại lớn đối với các hợp tác xã. Đến nay, có thể nói Agribank là ngân hàng thương mại duy nhất xây dựng quy chế tín dụng riêng cho hợp tác xã và triển khai cơ chế cho vay ưu đãi như: Không yêu cầu tài sản bảo đảm tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã nông thôn, 2 tỷ đồng cho hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã ngành thủy sản. Đặc biệt, đối với các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, mức cho vay không tài sản bảo đảm có thể lên tới 80% tổng giá trị dự án.

Tuy nhiên, việc cấp tín dụng cho các hợp tác xã còn gặp khá nhiều khó khăn do phần lớn hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc, không có nhà xưởng, kho chứa đủ khả năng bảo quản. Cùng đó, các hợp tác xã cũng thường không có tài sản bảo đảm để vay vốn hoặc thế chấp bằng tài sản của xã viên nên việc xử lý tài sản bảo đảm khi cần thiết gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh và trình độ lao động của hợp tác xã còn nhiều hạn chế. Nhiều hợp tác xã chưa đáp ứng về vốn đối ứng, hệ thống báo cáo tài chính chưa hoàn thiện, phương án vay vốn kém khả thi, chưa minh bạch về tài chính, dòng tiền, không có hóa đơn chứng từ, hạch toán, kế toán chưa đúng quy định của pháp luật; chưa chủ động được đầu ra, chưa xây dựng được thương hiệu và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền chặt nên bị cạnh tranh mạnh từ khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Cùng với Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đang triển khai ba chương trình tín dụng chính hỗ trợ hợp tác xã, gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay thương nhân vùng khó khăn và cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo Phó Giám đốc Ban tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách Hoàng Thị Chương, tính đến ngày 31/3, tổng dư nợ chương trình cho vay tạo việc làm đạt hơn 114.645 tỷ đồng, trong đó dư nợ dành cho hợp tác xã và tổ hợp tác đạt 54,74 tỷ đồng với 71 khách hàng còn dư nợ.

“Nhu cầu vay vốn ưu đãi của các hợp tác xã là khá lớn nhưng số lượng hợp tác xã tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn khiêm tốn bởi hầu hết hợp tác xã đều có quy mô vốn tự có nhỏ, tài sản thuộc sở hữu của hợp tác xã để bảo đảm còn thấp so với nhu cầu vay. Hơn nữa, phương án sản xuất, kinh doanh chưa mang tính khả thi nên không đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn. Một số hợp tác xã chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa thể hiện đủ minh bạch mọi hoạt động của hợp tác xã”, bà Chương cho biết.

Từ đó, bà Hoàng Thị Chương cũng đề nghị Liên minh Hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và các tổ chức liên quan tăng cường hỗ trợ cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc nâng cao năng lực về tổ chức và tài chính bảo đảm các điều kiện vay vốn. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là các hợp tác xã quy mô nhỏ cần bảo đảm việc điều hành, quản lý tài chính an toàn, hiệu quả, minh bạch, sổ sách báo cáo tài chính đầy đủ, đúng quy định. Việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích, vì quyền lợi của các thành viên.

Nguồn: https://nhandan.vn/giai-con-khat-von-cua-hop-tac-xa-post876960.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm