Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giáo dân thị xã Nghi Sơn sống “tốt đời, đẹp đạo”

(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện lời huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Người công giáo tốt cũng là công dân tốt”, đồng bào công giáo thị xã Nghi Sơn luôn đoàn kết, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa05/05/2025

Giáo dân thị xã Nghi Sơn sống “tốt đời, đẹp đạo”

Chị Lê Thị Ngọc (ngoài cùng bên phải), giáo dân tiêu biểu Giáo xứ Thượng Chiểu (phường Hải Lĩnh) giới thiệu mô hình trồng dâu tằm Đài Loan cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất cát.

Phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn) có 2 giáo xứ với gần 2.700 giáo dân; trong đó, tổ dân phố Yên Châu có hơn 1.900 giáo dân. Ông Phạm Công Nhiên, tổ trưởng tổ đoàn kết công giáo (ĐKCG) phường Hải Châu, chia sẻ: Với tinh thần “từ thiện, bác ái, sống đạo tình thương”, các thành viên tổ ĐKCG cùng với chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các giáo họ và bà con giáo dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, như: ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà đại đoàn kết, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; tham gia xây dựng hương ước của cộng đồng, các hoạt động có ích của giáo họ, giáo xứ, xây dựng khu dân cư đảm bảo trật tự, an toàn xã hội...

Nghe theo vận động của các vị linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, tổ ĐKCG, bà con giáo dân tổ dân phố Yên Châu đã đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng, hiến trên 500m2 đất, hàng trăm ngày công, nguyên vật liệu... mở rộng, bê tông hóa 500m đường giao thông nông thôn từ 2m lên 4m; xây dựng đường điện chiếu sáng trong khu dân cư; đóng góp hơn 50 triệu đồng ủng hộ các hoạt động từ thiện bác ái. Tích cực chuyển ngành, nghề từ làm muối sang nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản. Hiện thu nhập bình quân đầu người của bà con giáo dân đã đạt 72 triệu đồng/năm.

Thị xã Nghi Sơn có 9 giáo xứ, với khoảng 22.000 đồng bào công giáo đang sinh sống tại 15/30 xã, phường. Tại các xã, phường có đồng bào công giáo sinh sống đều thành lập được tổ ĐKCG. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa thành lập được 15 tổ ĐKCG. Mỗi tổ có 3 thành viên, trong đó có sự tham gia của các chánh trương, phó chánh trương, trùm trưởng các giáo họ. Qua hơn 10 năm hoạt động, các tổ ĐKCG đã cùng với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tập hợp, đoàn kết, động viên bà con giáo dân thực hiện tốt trách nhiệm công dân và chu toàn bổn phận của người công giáo. Trong đó, nổi bật là 8 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” được triển khai sâu rộng ở các khu dân cư, nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đồng bào công giáo với những việc làm thiết thực như: hiến đất mở rộng đường giao thông, trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường, xứ đạo bình yên, gia đình công giáo gương mẫu...

Bên cạnh đó, các tổ ĐKCG còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất mới để nâng cao thu nhập và đời sống. Từ trong lao động, tại các giáo xứ đã xuất hiện nhiều tấm gương giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Điển hình như hộ gia đình các ông, bà: Trần Đức Ngũ, Trần Văn Hậu, Trần Thị Hoa (ở Giáo xứ Hoài Yên) làm nghề nuôi trồng, kinh doanh hải sản, kinh doanh muối... có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm; hộ gia đình các ông: Lê Công Hướng, Nguyễn Văn Hoàn (ở Giáo xứ Thượng Chiểu) kinh doanh dịch vụ thương mại vận tải, có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động và 50 lao động thời vụ, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng...

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các tổ ĐKCG vận động bà con giáo dân ở các giáo xứ, giáo họ tích cực tham gia xây dựng làng văn hóa, xã văn hóa, gia đình văn hóa. Chỉ tính riêng năm 2024, toàn thị xã có trên 90% hộ gia đình giáo dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 100 nghìn lượt gia đình đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” các cấp. Bà con giáo dân ở các khu dân cư luôn gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...

Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xã hội hóa giáo dục, các giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân thị xã Nghi Sơn đã ủng hộ xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà đại đoàn kết; đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, những gia đình khó khăn nhân dịp mùa chay, Ngày lễ Phục Sinh, Tết Nguyên đán hàng năm với gần 2.000 suất quà, trị giá hơn 700 triệu đồng...

Ông Nguyễn Văn Thường, Trưởng Ban ĐKCG thị xã Nghi Sơn, chia sẻ: "Với việc duy trì họp bàn công tác giáo hội, công tác xã hội đều đặn mỗi tháng 1 lần, các tổ ĐKCG đã kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong khu dân cư, gia đình giáo dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, tổ ĐKCG và giáo dân. Hoạt động của các tổ ĐKCG đã góp phần vào sự phát triển, tiến bộ và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên bà con giáo dân thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Bài và ảnh: Phan Nga

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/giao-dan-thi-xa-nghi-son-nbsp-song-tot-doi-dep-dao-247725.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm