Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giáo sư Đại học Harvard hiến kế xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt

Từ góc nhìn toàn cầu, giáo sư John Quelch (Harvard) gợi mở chiến lược giúp ngân hàng Việt xây dựng thương hiệu mạnh, vượt rào cản nội tại để vươn ra thế giới.

Báo Công thươngBáo Công thương05/05/2025

13 ngân hàng Việt lọt Top 500 toàn cầu

Sáng 5/5, diễn đàn “Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý với hệ thống ngân hàng” do Thời báo Ngân hàng tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng tài chính trong và ngoài nước. Không chỉ là một sự kiện mang tính học thuật, diễn đàn còn là nơi lan tỏa khát vọng xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi diện mạo thị trường tài chính toàn cầu.

Sự kiện quy tụ hơn 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Trong diễn văn khai mạc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, phát triển thương hiệu ngân hàng Việt Nam có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế là nhiệm vụ chiến lược của ngành, đồng thời là một phần trong tổng thể mục tiêu nâng cao hình ảnh quốc gia trong tiến trình hội nhập.

Giáo sư Đại học Harvard hiến kế xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Hoàng Giáp

Ngay từ năm 2018, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc nâng quy mô tài sản, mà còn đặt ra yêu cầu rõ ràng về vị thế: Phấn đấu có từ 2 - 3 ngân hàng thương mại Việt Nam lọt Top 100 ngân hàng có thương hiệu lớn nhất khu vực châu Á và có 1 - 2 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế. Tinh thần ấy tiếp tục được khẳng định trong Quyết định 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019 của Ngân hàng Nhà nước, cho thấy quyết tâm xây dựng hệ thống ngân hàng Việt Nam không chỉ ổn định mà còn phải có thương hiệu mạnh, đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Những năm gần đây, hành trình định vị thương hiệu của các ngân hàng Việt đã chứng kiến những bước tiến đáng kể. Báo cáo Brand Finance năm 2025 ghi nhận 13 ngân hàng Việt Nam góp mặt trong Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. Con số này không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của ngành, mà còn là tín hiệu tích cực về sự trưởng thành và năng lực cạnh tranh ngày càng rõ nét của các tổ chức tín dụng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, đi cùng với thành quả là áp lực ngày càng lớn trong việc duy trì và nâng tầm hình ảnh thương hiệu. Diễn đàn lần này, với sự hiện diện của các chuyên gia tầm cỡ quốc tế đã mở ra không gian trao đổi sâu sắc về kinh nghiệm quốc tế, mô hình chiến lược và những gợi ý thiết thực dành cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong hành trình định vị và phát triển thương hiệu vững bền.

Giáo sư Đại học Harvard hiến kế xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt
Giáo sư John A. Quelch, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, hiện là Phó Chủ tịch và giáo sư ưu tú tại Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu - Trung Quốc (CEIBS) chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Giáp

Một trong những điểm nhấn quan trọng của diễn đàn là phần chia sẻ của giáo sư John A. Quelch, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, hiện là Phó Chủ tịch và giáo sư ưu tú tại Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu - Trung Quốc (CEIBS). Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing chiến lược tài chính, ngân hàng, giáo sư Quelch đã mang đến góc nhìn sắc bén về tầm quan trọng của việc định vị thương hiệu trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ. Ông được giới chuyên môn mệnh danh là “Phù thủy thương hiệu”, người từng tham gia tư vấn chiến lược cho nhiều tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới. Những luận điểm của ông tại diễn đàn không chỉ làm rõ các trụ cột quan trọng trong xây dựng thương hiệu mà còn đưa ra những hướng tiếp cận hiệu quả đối với thị trường quốc tế mà ngân hàng Việt có thể tham khảo.

Bên cạnh đó, ông Peter Verhoeven, thành viên Ban lãnh đạo Anax Invest, người có hơn 40 năm kinh nghiệm quản trị ngân hàng tại Deutsche Bank, Citibank, Standard Chartered, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác chuẩn hóa quản trị theo thông lệ quốc tế và phát triển nội lực bền vững. Theo ông Verhoeven, một thương hiệu ngân hàng mạnh không thể chỉ dựa vào chiến lược truyền thông hay hình ảnh bên ngoài, mà cần bắt đầu từ nền tảng quản trị vững chắc, khả năng kiểm soát rủi ro hiệu quả, khả năng đổi mới linh hoạt và gắn kết chiến lược thương hiệu với định hướng phát triển dài hạn.

Đủ hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, đủ mạnh để định vị trên bản đồ tài chính khu vực

Để hiện thực hóa khát vọng đưa thương hiệu ngân hàng Việt vươn tầm, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực tài chính và thúc đẩy chuyển đổi số. Những giải pháp này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn là bước đi cần thiết để ngành ngân hàng Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính quốc tế vốn ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn và minh bạch thông tin.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Điều này càng đặt ra yêu cầu rõ ràng đối với ngành ngân hàng, không chỉ là vai trò trung gian tài chính, mà còn là lực lượng tiên phong trong đổi mới và nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia. Những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính được trích dẫn trong diễn văn của Phó Thống đốc đã nhấn mạnh tinh thần đó: “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là một lựa chọn, mà còn là con đường sống để thực hiện khát vọng hùng cường”.

Giáo sư Đại học Harvard hiến kế xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt
Diễn đàn “Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý với hệ thống ngân hàng” do Thời báo Ngân hàng tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Giáp

Diễn đàn cũng là dịp để ngành ngân hàng nhìn lại chặng đường đã qua, từ việc xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh đến nâng cấp năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Những bước đi đó, dù âm thầm nhưng là điều kiện tiên quyết để phát triển thương hiệu một cách bền vững và có chiều sâu. Hình ảnh ngân hàng trong thời đại số không chỉ dừng lại ở giao diện ứng dụng hiện đại hay dịch vụ tiện ích, mà còn gắn với các yếu tố cốt lõi như uy tín, minh bạch, khả năng quản trị rủi ro và tính sáng tạo trong sản phẩm.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc chủ động học hỏi mô hình thành công từ quốc tế, tiếp cận tư duy quản trị tiên tiến là hướng đi tất yếu. “Diễn đàn hôm nay không chỉ là nơi thảo luận về lý thuyết thương hiệu, mà còn là dịp để ngành ngân hàng Việt tìm kiếm lời giải cho câu hỏi: Làm sao để xây dựng một thương hiệu ngân hàng đủ sức thuyết phục nhà đầu tư toàn cầu, đủ hấp dẫn với khách hàng quốc tế và đủ mạnh để định vị mình trên bản đồ tài chính khu vực”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.

Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, bà Lê Thị Thúy Sen kỳ vọng, diễn đàn sẽ trở thành nơi kết nối trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn, góp phần hình thành những tư duy mới, gợi mở cách tiếp cận hiệu quả cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trên hành trình khẳng định thương hiệu quốc gia. Sự cởi mở trong trao đổi, sự sâu sắc trong phân tích và tính thực tiễn của những chia sẻ tại diễn đàn chính là những giá trị thiết thực mà ngành ngân hàng có thể tận dụng để bứt phá.

Trong thời gian tới, với quyết tâm đổi mới, hội nhập và phát triển, cùng sự đồng hành của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và cộng đồng tài chính quốc tế, ngành ngân hàng Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn từng bước chinh phục thị trường khu vực và quốc tế bằng chính bản sắc và sức mạnh nội tại của mình.
Hoàng Lan

Nguồn: https://congthuong.vn/giao-su-dai-hoc-harvard-hien-ke-xay-dung-thuong-hieu-ngan-hang-viet-386038.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm