Lực lượng Công an phối hợp với Hội Phụ nữ thị trấn Ngô Đồng ra quân tuyên truyền, phát tờ rơi các nội dung pháp luật cho người dân trên địa bàn. |
UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương chú trọng cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của nhân dân thông qua đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, PBGDPL; phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, chính xác; kịp thời tháo gỡ các mâu thuẫn, tranh chấp ngay tại cơ sở. Đồng thời tăng cường các hoạt động phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể và các bộ phận chuyên môn trong công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong thi hành và chấp hành pháp luật; phát huy quyền dân chủ, giúp người dân nắm bắt, tiếp cận thông tin, tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề có liên quan đến đời sống ở khu dân cư và được hưởng những chính sách xã hội theo quy định...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện và tự kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đồng thời yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và phạm vi lĩnh vực quản lý tăng cường chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong năm 2024, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tổ chức công tác tuyên truyền pháp luật thông qua các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác tư pháp, đề ra các tiêu chí đánh giá thực hiện công tác PBGDPL, biểu dương những điển hình làm tốt công tác tuyên truyền. Công tác tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của huyện được coi trọng với việc duy trì chuyên mục “Pháp luật và đời sống” phát vào ngày thứ năm hàng tuần tập trung tuyên truyền những nội dung pháp luật về nghĩa vụ quân sự; đất đai, phòng chống tham nhũng, xử lý vi phạm hành chính, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện xây dựng chuyên mục PBGDPL, soạn thảo các tài liệu pháp luật đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của huyện; Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật cho các thành viên Ban công tác Mặt trận các xã cụm Ba Lạt; Phối hợp với UBND các xã: Giao Long, Giao Thanh, Giao Yến, Giao Xuân, Giao Hương tổ chức 5 hội nghị tập huấn công tác hòa giải cho hàng trăm hòa giải viên cơ sở; Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, UBND xã Giao Hương tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên phụ nữ xã; Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh lồng ghép tổ chức hội nghị truyền thông và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng có nhu cầu được trợ giúp pháp lý tại 11 xã trên địa bàn huyện. Năm 2024, trên địa bàn huyện đã tổ chức hơn 50 cuộc PBGDPL trực tiếp với trên 3.800 lượt người tham dự, phát hành 2.445 bộ tài liệu pháp luật; cấp phát trên 500 tờ gấp pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn.
Ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp, Phòng Tư pháp huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên, trung bình hàng năm các tổ hòa giải đã tiếp nhận khoảng 40-50 vụ việc; đã tiến hành hòa giải thành đạt 68-75%, chất lượng hòa giải ngày càng được nâng cao, nhân dân tự nguyện thực hiện thỏa thuận của mình, hầu hết không có các vụ việc tranh chấp lại. Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện tổ chức hướng dẫn các xã: Giao Thịnh, Giao Tân, Giao Hải, Giao Hương, Giao Lạc, Giao Tiến, Bạch Long, Hoành Sơn hoàn thiện hồ sơ tiêu chí số 16 về tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và theo bộ tài liệu hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đối với các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể tích cực tổ chức hình thức tuyên truyền pháp luật lưu động tại các khu đông dân cư, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp của thôn, trong các buổi sinh hoạt đoàn, hội, trong các hoạt động đối thoại, tiếp dân; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin của xã nhân hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam...
Với việc tích cực đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đến tháng 1/2025 (ngoài thị trấn Giao Thủy không thực hiện đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do mới thực hiện đề án sáp nhập), toàn huyện có 19/19 xã, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%) được công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó cả 19 xã, thị trấn đều có tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên; 100% các xã, thị trấn có tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên; không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần từng bước thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/giao-thuy-xay-dung-cap-xadat-chuan-tiep-can-phap-luat-95a2e9d/
Bình luận (0)