Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh là nơi gieo mầm tri thức, kỹ năng sống và tình thương cho những em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi. Mái trường đặc biệt này không chỉ là nơi học tập, mà còn là chốn nương tựa đầy ấm áp của hàng trăm học sinh khuyết tật, nơi ghi dấu hành trình bền bỉ của những người thầy, người cô tận tuỵ và cả những chuyển biến tích cực từ chính các em học sinh.
Toạ lạc tại ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành, Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh hiện là ngôi nhà chung của 140 học sinh khuyết tật thuộc nhiều dạng tật: khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ, đa tật, rối loạn phổ tự kỷ... Các em được chia thành 15 lớp học chuyên biệt, 100% học hai buổi mỗi ngày với chương trình giảng dạy phù hợp thể trạng và khả năng của từng em.
Cô Nguyễn Thị Tú Trân- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Giáo dục học sinh khuyết tật không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là cả một hành trình dài đầy kiên nhẫn và yêu thương. Chúng tôi xem mỗi em như một hạt mầm cần được ươm trồng bằng sự tận tâm, để các em phát triển theo khả năng riêng của mình”.
Dẫu còn nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị hỗ trợ, nhưng năm học vừa qua, nhà trường vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: 135/140 học sinh hoàn thành chương trình lớp học, đạt 96,43%; 13/13 học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Đặc biệt, 100% học sinh được đánh giá đạt về phẩm chất, trong đó, 97,86% đạt yêu cầu về năng lực, một con số đầy nỗ lực và tự hào với học sinh khuyết tật.
Một trong những điểm nổi bật về chuyên môn của Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh là triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục chuyên biệt, cá nhân hoá nội dung giảng dạy, đánh giá linh hoạt theo đặc điểm từng học sinh. Kế hoạch giáo dục được xây dựng trên cơ sở Chương trình dành cho học sinh khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Không chỉ chú trọng học văn hoá, nhà trường còn tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giới tính, an toàn giao thông, phòng chống xâm hại… giúp học sinh hình thành thói quen tự phục vụ, tăng cường khả năng tự lập. Những hoạt động ngoại khoá như tham quan dã ngoại, ngày hội đọc sách, hội thi cắm hoa, vẽ tranh… cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho các em.
Bên cạnh đó, Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh cũng không ngừng đầu tư cho công tác dạy học hiện đại. Toàn bộ giáo viên thực hiện soạn giảng giáo án điện tử, sử dụng thiết bị kết nối internet trong giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng được đẩy mạnh, từ cập nhật hồ sơ công chức, viên chức trên phần mềm PMIS đến lưu trữ hồ sơ học sinh trên hệ thống V.EMIS.
Trường có một tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đầy trách nhiệm và tâm huyết. Năm học vừa qua, có 14 giáo viên được thanh tra toàn diện, tất cả đều đạt loại tốt. Có 32 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, trong đó, 3 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và 5 chiến sĩ thi đua cơ sở. Tập thể nhà trường đạt danh hiệu Lao động xuất sắc, được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp loại A trong công tác.
Công tác chăm sóc sức khoẻ và đời sống cho học sinh nội trú, bán trú cũng luôn được nhà trường quan tâm. Bếp ăn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực đơn cân đối dinh dưỡng, công khai minh bạch. Dù còn thiếu nhân viên y tế, nhà trường vẫn chủ động phối hợp với Trạm Y tế xã để kiểm tra thực phẩm định kỳ, phòng tránh ngộ độc, bảo đảm sức khoẻ toàn diện cho học sinh.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tú Trân cho biết, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng giáo dục kỹ năng sống và phát triển toàn diện cho học sinh. Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu thực tế.
Song song với việc thực hiện đầy đủ các quy định chuyên môn, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường xã hội hoá giáo dục, xây dựng môi trường học tập thân thiện, chú trọng giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử và phát huy dân chủ, công khai trong quản lý.
“Chúng tôi mong các em đến trường mỗi ngày với tâm thế vui vẻ, được yêu thương, tôn trọng và phát triển theo cách riêng của mình. Thành công của một đứa trẻ khuyết tật không nằm ở điểm số, mà ở sự tiến bộ và hạnh phúc mỗi ngày đến lớp”- cô Trân chia sẻ.
Đó không chỉ là lời tâm huyết của người đứng đầu nhà trường, mà còn là kim chỉ nam cho hành trình gieo hy vọng tại ngôi trường đặc biệt này, nơi yêu thương hiện hữu qua từng bài học, từng nụ cười trẻ thơ.
Hồng Lam
Nguồn: https://baotayninh.vn/gieo-hy-vong-noi-mai-truong-dac-biet-hanh-trinh-ben-bi-vi-tre-em-khuyet-tat-a189344.html
Bình luận (0)