Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát tuồng bội Hưng Trạch

(QBĐT) - Hát tuồng bội xã Hưng Trạch (Bố Trạch) là tài sản văn hóa tinh thần đặc sắc, giúp khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đời sống kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi, nhưng người dân Hưng Trạch vẫn bảo tồn và phát triển nghệ thuật trình diễn dân gian hát tuồng bội (còn gọi là hát bội).

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình08/05/2025

 
Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Lê Ngọc Sơn, hát tuồng bội Hưng Trạch ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XVI, khi Quảng Bình là vùng biên viễn của Đàng Trong và hát tuồng bội do quân lính Đàng Trong ra trấn giữ biên ải dọc sông Gianh, sông Son mang theo để diễn cho nhau xem. Vì mê tuồng, người dân các làng quê dọc sông Gianh, sông Son, trong đó có người dân xã Hưng Trạch đã học theo và từ đó cải biến để hình thành nghệ thuật hát tuồng như bây giờ.
 
Một số nghệ nhân khác trong các đội hát bội của xã Hưng Trạch cho rằng, tuồng bội xã Hưng Trạch có được là do các cụ đi xem tuồng ở Kẻ Đòi (thuộc xã Hải Phú bây giờ), làng hát tuồng nổi tiếng trong câu ca: “Đêm nghe tiếng trống Kẻ Đòi-Tiếng chuông kẻ Hạc, tiếng còi Kẻ Lau” (Trống Kẻ Đòi là tiếng trống tuồng, chuông kẻ Hạc là chuông nhà thờ, còi Kẻ Lau có thể là tiếng tù và của thợ săn). Vì quá ham thích, say mê tuồng làng bạn, nên sau những lần xem tuồng về, một số người dân xã Hưng Trạch, như: Cụ Trần Nghi, Trần Văn Lương, sau này có Trần Thị Quế, Trần Đại, Trần Tuy… hồi tưởng và ghi chép lại, tự luyện tập, tự diễn cho nhau xem và chính các cụ đã tự hóa thân thành những đào nương, dũng tướng, quan nha trong các vở diễn, dần dần hình thành nên đội tuồng của riêng mình.
Hát tuồng bội xã Hưng Trạch (Bố Trạch) không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết tại địa phương.
Hát tuồng bội xã Hưng Trạch (Bố Trạch) không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết tại địa phương.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những đội tuồng các làng khác đã mai một dần, chỉ riêng các đội tuồng ở xã Hưng Trạch vẫn lưu truyền, tiếng trống tuồng vẫn vang lên giục giã rộn ràng giữa những đêm xuân hay mỗi khi làng có lễ hội; tất cả hòa trong không khí náo nức say mê với tuồng bội của người dân nơi đây. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dù trên bom, dưới đạn, nhiều lần di chuyển nơi này đến nơi khác để bảo đảm an toàn nhưng người dân Hưng Trạch vẫn xem các cuốn vở ghi các tích tuồng như “vật bất ly thân”. Những lúc không thể mang theo bên mình thì họ lại cố cất cho được các cuốn vở ghi những tích tuồng ấy vào nơi an toàn, tin cậy nhất trước khi rời làng.
 
Chiến tranh kết thúc, cuộc sống với bộn bề lo toan, tất cả tập trung công việc hàn gắn vết thương chiến tranh nên hát tuồng bội Hưng Trạch có phần chìm xuống. Có lẽ, đây cũng là giai đoạn mà nghệ thuật hát bội ở các làng như Kẻ Đòi, Kẻ Hạc và một số địa phương khác trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng dần xa rời với người dân.
 
Sau thời kỳ đổi mới, hát tuồng bội có hoạt động trở lại nhưng cũng không ít thăng trầm. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ, hát tuồng bội mới dần được quan tâm, tạo điều kiện để phục hồi. Không chỉ các nghệ nhân thực hành hát tuồng bội, người dân trên địa bàn xã Hưng Trạch và các địa phương lân cận cũng mong muốn được thường xuyên thưởng thức những vở diễn nhằm xua tan ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng khẳng định: “Nghệ thuật trình diễn dân gian hát tuồng bội xã Hưng Trạch được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một cột mốc quan trọng, minh chứng cho sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật dân gian này. Đây cũng là lời khẳng định rõ ràng cho tầm vóc, giá trị của nghệ thuật hát tuồng bội trong kho tàng văn hóa dân tộc và đời sống tinh thần của người dân Quảng Bình. Để xứng đáng với danh hiệu cao quý đó, cán bộ và nhân dân xã Hưng Trạch cần quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá di sản; chú trọng công tác truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận, nhất là các học viên trẻ; quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ hoạt động của CLB hát tuồng bội…”.
Năm 2008, một số nghệ nhân trong đội tuồng xã Hưng Trạch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời tham gia đợt tập huấn về nghệ thuật hát tuồng tại Nhà hát Tuồng Trung ương. Cũng từ đó, hát tuồng bội Hưng Trạch được khôi phục và thật sự hồi sinh trở lại. Câu lạc bộ (CLB) hát tuồng bội xã Hưng Trạch được thành lập, tập hợp những nghệ nhân còn nặng nghiệp với hát bội để gìn giữ và tìm hướng đi cho loại hình nghệ thuật này.
 
Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, rằm tháng giêng, các ngày hội lớn của xã đều không thể thiếu các tiết mục của đội tuồng. Không chỉ biểu diễn trong xã, đội tuồng xã Hưng Trạch còn tham gia các chương trình giao lưu trong tỉnh và biểu diễn trong những ngày hội lớn của quê hương góp phần khơi dậy trong mỗi người dân nơi đây tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng truyền thống của địa phương.
 
Ông Trần Xuân Định, Chủ nhiệm CLB hát tuồng bội xã Hưng Trạch cho biết: “Hát tuồng bội xã Hưng Trạch được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là niềm tự hào, vinh dự lớn của chúng tôi. Những nghệ nhân đang sinh hoạt trong CLB hát tuồng bội xã Hưng Trạch xin hứa sẽ luôn cố gắng phát huy hết khả năng của mình đưa loại hình nghệ thuật này ngày càng phát triển và truyền lại cho thế hệ trẻ mai sau”.
Lê Mai

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202505/gin-giu-phat-huy-nghe-thuat-hat-tuong-boi-hung-trach-2226130/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm