Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa bằng dân vận khéo

Giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống là yêu cầu cấp thiết để phát triển bền vững. Công tác dân vận khéo giúp khơi dậy niềm tự hào, phát huy sự chủ động của người dân trong gìn giữ văn hóa, tạo sức lan tỏa và bền vững trong cộng đồng.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng15/05/2025

Lễ hội cầu ngư là không gian hội tụ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc, thể hiện tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân vùng biển. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Lễ hội cầu ngư là không gian hội tụ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc, thể hiện tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân vùng biển. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Vào những dịp đầu năm, tại Đà Nẵng có nhiều địa phương tổ chức lễ cầu ngư. Trong đó, lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà, do ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông làm “tổng đạo diễn” luôn được xem là lễ hội có quy mô, được tổ chức bài bản. Là người nhiều năm gắn bó hoạt động lễ hội truyền thống, ông Minh sưu tầm, nghiên cứu, trực tiếp tham gia tổ chức các kỳ lễ hội cầu ngư.

Từ thực tiễn, ông nhận thấy lễ hội cầu ngư là không gian hội tụ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc, thể hiện tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân vùng biển. Những giá trị ấy cần được hệ thống hóa để truyền lại cho thế hệ sau. Với tâm huyết đó, ông Minh biên soạn và hoàn thiện cuốn sách “Nét văn hóa làng biển Nại Hiên Đông”, ghi chép đầy đủ các nghi lễ, nghi thức trong lễ hội cầu ngư; lời văn tế, câu đối, các vở chèo, hát bả trạo, dân ca miền biển…

“Mỗi nghi thức trong lễ hội phải được thực hiện chính xác, đúng trình tự mới thể hiện được sự thành kính của ngư dân với biển cả, mới ‘thấu’ được lời thỉnh cầu”, ông Minh chia sẻ. Theo ông, cần đầu tư đúng mức, có đội ngũ biên kịch, đạo diễn am hiểu văn hóa biển để từng bước chuyên nghiệp hóa lễ hội cầu ngư, vừa bảo tồn giá trị tinh thần, vừa kết nối với ngành du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước. Lễ hội không chỉ là không gian sinh hoạt văn hóa, mà còn là cơ hội quảng bá các loại hình nghệ thuật dân gian như hát bả trạo, bài chòi, tuồng, hò khoan, đua thuyền truyền thống… Đây cũng là nguồn động viên lớn cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng nhìn nhận, ngư dân Cao Văn Minh dù chưa phải là bậc bô lão nhưng có nhiều kinh nghiệm và là một người am hiểu, tâm huyết với bản sắc văn hóa của làng biển.

Tại huyện Hòa Vang, văn hóa làng xã từ lâu đã trở thành nền tảng giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Nhiều lễ hội đình làng được duy trì tổ chức vào dịp đầu xuân hằng năm như: lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng Cẩm Nê, lễ hội đình làng Quá Giáng…Đồng thời, các lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ tu như lễ kết nghĩa ăn thề, lễ mừng lúa mới cũng được phục dựng và tổ chức hằng năm, tạo không gian sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng.

Tại xã Hòa Châu, lễ hội Rước mục đồng làng Phong Nam là điển hình cho việc phục dựng thành công lễ hội truyền thống. Những hoạt động này thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần truyền bá giá trị văn hóa và giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, đạo đức và lối sống làng xã. Ông Nguyễn Thanh Quảng,

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Hòa Vang, cho biết: “Sự tham gia của cộng đồng tạo điều kiện để các giá trị văn hóa không chỉ được bảo tồn mà còn lan tỏa rộng rãi. Nghề truyền thống, các hình thức biểu diễn dân gian cũng được quan tâm khôi phục, trở thành nét riêng tạo sức hút cho du lịch cộng đồng.” Đặc biệt, huyện đang triển khai đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong) và thôn Phong Nam (xã Hòa Châu), nhằm gắn kết giữa bảo tồn văn hóa với phát triển nông thôn mới và du lịch bền vững.

Theo ông Quảng, đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là giải pháp gìn giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với cộng đồng cư dân bản địa. Vai trò của người dân là yếu tố then chốt. Họ không chỉ là chủ thể văn hóa mà còn là người thực thi và lan tỏa các giá trị. Để phát huy hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc giữ gìn văn hóa, bảo vệ môi trường sống và phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

“Các chương trình giáo dục, truyền thông về văn hóa cần được tổ chức thường xuyên, đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào quy hoạch, quản lý không gian văn hóa. Việc này không chỉ bảo đảm phù hợp với thực tiễn mà còn nâng cao hiệu quả giám sát, góp phần tăng cường tính đồng thuận và tự giác trong thực hiện các chính sách phát triển văn hóa ở cơ sở”, ông Quảng nói.

Từ thực tiễn nêu trên cho thấy, công tác dân vận khéo đã trở thành một trong những phương thức hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện phát triển đô thị nhanh và bền vững. Bằng cách huy động sự tham gia chủ động, tự giác của nhân dân, các lễ hội, di tích, nghệ thuật dân gian và làng nghề truyền thống được gìn giữ sống động, có chiều sâu, gắn với đời sống hàng ngày. Dân vận khéo  còn góp phần thúc đẩy các giá trị văn hóa truyền thống hội nhập hài hòa vào nhịp sống hiện đại. Đây là giải pháp bền vững, tạo nền tảng cho sự phát triển văn hóa - xã hội của thành phố theo hướng bao trùm, nhân văn và bền vững.

ĐẮC MẠNH

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202505/giu-gin-phat-huy-ban-sac-van-hoa-bang-dan-van-kheo-4006446/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm