Hạn chế những hành vi xâm hại di tích
Cách đây mấy năm, trong một lần đến xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi đã không khỏi bất ngờ với cách “tân trang” một ngôi đình có tuổi đời hơn 220 năm. Nhìn những bức tường vôi được ốp gạch men sáng bóng, các bức tượng được tô vẽ bằng màu sơn công nghiệp tươi mới… khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Tất nhiên, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời để khắc phục việc trùng tu đình theo đúng quy định. Thế nhưng, qua đó cũng phần nào thể hiện cho việc nếu chúng ta buông lỏng, lơi là trong công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa rất dễ dẫn đến những hành động xâm hại đến vẻ đẹp vốn có của di tích. Trong thực tế, đây đó chúng ta vẫn thấy xuất hiện những hành vi như: Viết, vẽ bậy lên di tích; lấn chiếm diện tích khuôn viên di tích; sử dụng không gian di tích vào các mục đích không đúng quy định; nạn trộm cắp đồ thờ tự, hiện vật quý của di tích… thỉnh thoảng vẫn diễn ra, gây dư luận không tốt. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua theo dõi thực tế, đơn vị nhận thấy bên cạnh việc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vẫn còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật; không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội về công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar được quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả giá trị trong hoạt động du lịch. |
Một điều đáng mừng đối với tỉnh Khánh Hòa, khi hằng năm có nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo, nhưng phần lớn đều được triển khai theo đúng trình tự, quy trình các bước một cách chặt chẽ. Vì thế, trường hợp như ngôi đình ở xã Ninh Phú chỉ là chuyện hi hữu. Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, từ cuối tháng 4 và nửa đầu tháng 5-2025, đơn vị đã khảo sát việc tôn tạo di tích đình Hội Phước; báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Đảnh Thạnh; lập hồ sơ xếp hạng danh lam thắng cảnh Suối Tiên (huyện Diên Khánh); khảo sát tu bổ di tích Miếu Hội đồng (thị xã Ninh Hòa); phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản công Dự án Tái hiện căn cứ Đồng Bò (TP. Nha Trang); hướng dẫn tu bổ, phục dựng đình Sơn Đừng (huyện Vạn Ninh); thực hiện đo bản đồ tọa độ VN-2000 điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích đã xếp hạng trên địa bàn TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh theo thực trạng; hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Danh lam thắng cảnh Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Đầu) theo ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Quan tâm thường xuyên, liên tục
Trong văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết… UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài chính, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các địa phương thực hiện các quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chức năng của bộ thỏa thuận, góp ý, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích…
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn được đưa vào các danh mục kiểm kê, được xếp hạng, ghi danh, công nhận trong các danh mục của quốc gia, các danh sách, danh mục của UNESCO trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 di tích quốc gia đặc biệt; 16 di tích, danh thắng quốc gia; 182 di tích, danh thắng cấp tỉnh; cùng hàng chục di tích, danh thắng nằm trong danh mục kiểm kê (di tích, danh thắng chưa được xếp hạng). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa lớn, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu trong việc quản lý, bảo vệ di tích, danh thắng đối với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.
GIANG ĐÌNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202505/giu-gin-ve-dep-cho-cac-di-tich-1ac6cd5/
Bình luận (0)