Dự án của anh Bùi Văn Liu đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm 2025 và đang góp phần đánh thức những giá trị văn hóa ngủ quên và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng người Mường ở Trà My.

Giữ nghề thủ công truyền thống
Gần 40 năm trước, những hộ người Mường đầu tiên rời tỉnh Hòa Bình vào định cư tại xã Trà My. Mang theo ký ức núi rừng và phong tục quê nhà, họ dựng nhà sàn, trồng lúa rẫy, giữ chiêng, giữ váy áo truyền thống và cả nghề đan lát mây tre. Các dụng cụ đồ dùng sinh hoạt quen thuộc hằng ngày được người Mường sản xuất phổ biến như chiếc mâm, cái khay bằng mây tre.
Với người Mường, mây tre đan không đơn thuần là làm ra cái để dùng, mà là một phần văn hóa. Dù đời sống đổi thay, đồ nhựa, kim loại ngày càng ưa chuộng, nhưng người Mường ở Trà My vẫn cố gắng sản xuất đan lát thủ công như cách gìn giữ bản sắc truyền thống của dân tộc mình"
Bà Bùi Thị Dửn (63 tuổi, xã Trà My, thành phố Đà Nẵng)

Thực tế, đã từng có thời gian nghề đan lát bị lãng quên. Người làm giỏi nghề thì già yếu, lớp trẻ không mặn mà với công việc tốn công, thu nhập lại bấp bênh. Trước nguy cơ mai một, những người như ông Bùi Văn Quyên (65 tuổi) và anh Bùi Văn Liu (36 tuổi) đã đứng ra vận động đồng bào phục dựng nghề đan lát truyền thống.
Ngoài trở thành đồ dùng sinh hoạt quen thuộc, những chiếc gùi, rá, mẹt giờ là biểu tượng văn hóa của cộng đồng người Mường ở Trà My. Dưới mái nhà sàn, những người phụ nữ chăm chút từng nan tre, từng sợi mây uốn dẻo, dệt nên những chiếc mâm, cái lọ đẹp mắt. Nhiều lớp truyền nghề được tổ chức ngay tại làng, người lớn cầm tay chỉ việc cho lớp trẻ. Chính quyền địa phương cũng mở các lớp tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng, khuyến khích khôi phục nghề thủ công.

"Đan lát mây tre từ chỗ là sinh hoạt trong gia đình nay thành hàng hóa văn hóa, thu hút sự quan tâm của du khách" - ông Quyên nói.
Khởi nghiệp từ văn hóa bản địa
Thuở nhỏ, Bùi Văn Liu theo mẹ ngồi đan bên thềm nhà, những chuyến đi hội làng, tiếp xúc với du khách đã gieo trong anh khát vọng gìn giữ văn hóa truyền thống không chỉ bằng lời kêu gọi, mà bằng hành động. Năm 2024, anh xây dựng dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa qua sản phẩm mây tre đan" vừa để giữ nghề, vừa tạo sinh kế, gắn với phát triển du lịch.

Dự án nhanh chóng tập hợp được đội ngũ nghệ nhân lớn tuổi và các bạn trẻ trong làng. Họ chia nhóm sản xuất theo chuyên môn gồm nhóm nghiên cứu hoa văn truyền thống, nhóm đan lát, nhóm sáng tạo sản phẩm mới và nhóm quảng bá nhằm tạo ra những sản phẩm tinh tế đáp ứng nhu cầu người trẻ và khách du lịch.
Sau một thời gian, quy trình sản xuất được cải tiến, xử lý nguyên liệu chống ẩm mốc, thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu riêng và truyền thông trên mạng xã hội. Sản phẩm không chỉ bán cho khách ghé làng mà còn xuất hiện ở các hội chợ OCOP, cửa hàng quà lưu niệm tại Đà Nẵng, phố cổ Hội An"
Anh Bùi Văn Liu

Một phần không thể thiếu trong mô hình là du lịch trải nghiệm. Ngay tại nhà sàn cộng đồng, anh Liu thiết kế không gian cho khách tìm hiểu quy trình đan lát, trực tiếp thử đan, vót nan. Du khách Nguyễn Thị Lan Hương (Hà Nội) sau khi trải nghiệm nói: "Tôi ấn tượng với sản phẩm ở đây, vừa đẹp, vừa mộc mạc, lại rất nghệ thuật và thân thiện với môi trường".
Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải chọn được cây mây, cây tre dẻo dai, vót mỏng, ngâm nước, phơi nắng kỹ lưỡng rồi mới đan. Mỗi chiếc mâm lớn mất hàng tuần làm mới xong. Sự tỉ mỉ ấy khiến sản phẩm có giá trị về vật chất lẫn văn hóa.

Đến nay, tổ hợp tác do Bùi Văn Liu dẫn dắt đã làm ra gần 20 mẫu sản phẩm, từ mâm, rá, lọ hoa đến đèn, túi xách, vật phẩm trang trí. Nhiều hộ gia đình người Mường có thêm vài triệu đồng mỗi tháng từ nghề phụ. Thanh niên trong làng cũng tranh thủ lúc nông nhàn tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nguồn: https://baodanang.vn/giu-nghe-may-tre-dan-giua-dai-ngan-tra-my-3298066.html
Bình luận (0)