Bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí còn hạn chế vẫn còn những câu chuyện buồn về nạn mua bán người. (Trong ảnh: Một góc bản Tà Cóm, xã Trung Lý). Ảnh: Đình Giang
Chiều xuống nhanh ở huyện vùng biên Mường Lát. Khi mặt trời vừa khuất sau rặng núi, căn nhà nhỏ của chị H.T.C. nằm cheo leo giữa lưng chừng đồi vẫn đóng cửa im lìm. Người dân trong bản cho biết chị C. dắt trâu lên nương cho ăn từ sáng và mãi chập tối mới trở về. Nghe vậy, tôi ghé nhà anh Sùng A Páng, trưởng bản Khằm 1, xã Trung Lý ở dưới chân đồi để chờ đợi. A Páng là một trong số ít người trẻ của bản có bằng đại học. Vừa rót chén trà mời khách, A Páng tâm sự: “Nhà chị C. không có đàn ông, chỉ có mấy mẹ con sống nhờ nương rẫy. Khi nào thấy ánh bếp lửa sáng lên, đó là lúc chị ấy đã về lo cơm nước cho mấy đứa nhỏ”.
Trưởng bản Sùng A Páng cho biết, bản Khằm 1 có 83 hộ với hơn 400 nhân khẩu, chủ yếu là người Mông di cư từ miền núi phía Bắc. Trên 60% số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Trước đây, bản từng là điểm “nóng” về ma túy, khiến nhiều phụ nữ thiếu hiểu biết và sinh kế trở thành nạn nhân của buôn người. Câu chuyện của chị C. là bài học cảnh tỉnh cho thế hệ trẻ hôm nay.
Khoảng 7 giờ tối, ánh sáng từ căn nhà gỗ nhỏ của chị C. hắt ra khe cửa. Người phụ nữ Mông khắc khổ, nước da rám nắng, tỏ ra dè dặt khi gặp khách lạ. Nhờ trưởng bản A Páng, chị dần hé mở về quá khứ đau thương. Năm 2008, khi chồng vướng lao lý vì ma túy, chị nghe lời dụ dỗ đi làm ăn xa để có tiền nuôi hai con nhỏ. Không ngờ, chị bị lừa bán sang Trung Quốc, ép làm vợ một người đàn ông trung niên.
"Tôi không biết tiếng, không giấy tờ, không người thân. Họ ngược đãi, bắt làm việc nặng ngay cả khi mang thai", chị C. kể, mắt đỏ hoe. Sau nhiều lần bỏ trốn thất bại, tháng 12/2018, dù đang mang thai, chị liều mạng trốn thoát trong đêm tuyết, cầu cứu được người dân và công an Trung Quốc. Chị được hồi hương sau hơn 10 năm sống trong tăm tối, nhưng phải để lại hai con mang dòng máu mình nơi xứ người.
Nói rồi chị C. nhìn vào đứa con thơ của mình với người đàn ông Trung Quốc đang ngơ ngác nhìn mẹ, chị lại bật khóc. Chị nhớ hai đứa con còn ở bên kia biên giới, nhưng không thể quên những tháng ngày bị ngược đãi. Hiện nay, chị sống cùng hai đứa con nhỏ trong căn nhà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Đứa con lớn với người chồng trước đã lập gia đình. Dù cuộc sống dần ổn định, ký ức đau thương vẫn thường hiện về trong giấc mơ - nỗi đau giằng xé mà chị chưa biết đến khi nào mới nguôi ngoai. Câu chuyện của chị C. không chỉ là nỗi đau của một cá nhân, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người phụ nữ vùng biên trước những lời đường mật của những kẻ buôn người.
Theo thống kê của chính quyền xã Trung Lý, hiện toàn xã có tới 45 trường hợp phụ nữ lấy chồng Trung Quốc, trong đó nhiều trường hợp là bất hợp pháp. Tình trạng này không chỉ tồn tại ở Trung Lý mà còn phổ biến tại nhiều xã vùng biên khác như Pù Nhi, Nhi Sơn, Quang Chiểu... Thiếu tá Quản Đình Thao, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý, cho biết: Các đối tượng buôn người thường hoạt động có tổ chức, lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở và sự nhẹ dạ của phụ nữ dân tộc thiểu số, giả làm người thân quen, giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp hoặc nông trại ở bên kia biên giới, đánh vào tâm lý cần tiền, cần việc làm của phụ nữ nghèo. Phần lớn nạn nhân bị lừa sẽ bị đưa sâu vào nội địa, các vùng sâu, vùng xa bên kia biên giới, khi phát hiện thì việc giải cứu rất khó khăn, đòi hỏi thời gian, thủ tục pháp lý và cả sự phối hợp quốc tế. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Trung Lý đã tăng cường phối hợp với chính quyền xã, lực lượng công an và các tổ chức đoàn thể, mở các lớp tuyên truyền pháp luật cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và học sinh dân tộc thiểu số. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào phòng chống mua bán người, nhận biết dấu hiệu lừa đảo, kỹ năng tự vệ và thông tin liên hệ khi gặp nguy hiểm.
Đình Giang
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/goc-khuat-noi-cong-troi-248057.htm
Bình luận (0)