Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành lang chính sách cho công nghệ xanh

NDO - Từ thực tiễn đồng hành cùng startup, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận thấy công nghệ tốt là chưa đủ. Những rào cản thể chế và tư duy thị trường trong nước đang khiến nhiều giải pháp tiên phong bị chững lại, thậm chí chưa thể tìm được thị trường trong chính quốc gia nơi chúng sinh ra.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân15/04/2025

BUYO là startup đạt danh hiệu Quán quân tại Cuộc thi Techfest Việt Nam 2023 và là một trong sáu startup Việt Nam được lựa chọn tham gia chương trình hỗ trợ của Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) năm 2025. Với công nghệ tiên phong biến phụ phẩm nông nghiệp thành loại vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn để thay thế nhựa, BUYO đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế bằng việc đạt được các chứng chỉ, tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính nhất như châu Âu, Hoa Kỳ và xây dựng được mối quan hệ đối tác thương mại với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, nghịch lý là thị trường nước ngoài đón nhận sản phẩm của BUYO với các cơ chế đấu thầu xanh, ưu đãi đầu tư và chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu mới, cấm sử dụng nhựa thường rất rõ ràng, trong khi tại Việt Nam - nơi startup này được ươm mầm và phát triển thì chưa có hành lang chính sách thực sự hấp dẫn để công nghệ xanh cắm rễ.

Theo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, có một số điểm nghẽn lớn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình thương mại hóa của các startup như BUYO.

Thứ nhất là cơ chế đấu thầu còn ưu tiên giá thấp. Trong khi sản phẩm của BUYO đạt chuẩn quốc tế về độ an toàn sinh học và khả năng phân hủy, các cơ chế mua sắm công tại nước ta vẫn đang ưu tiên tiêu chí giá thấp, chưa ưu tiên vào các giá trị như tác động môi trường hay an toàn cho người sử dụng. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như BUYO, khi chi phí sản xuất của các sản phẩm xanh chưa thể cạnh tranh với các sản phẩm nhựa truyền thống do quy mô còn nhỏ, chi phí đầu tư ban đầu và nghiên cứu phát triển cao. Đây là một điểm nghẽn mang tính thể chế, khiến những giải pháp chất lượng cao nhưng chi phí sản xuất chưa thể rẻ không có cơ hội được thử nghiệm trong các đơn hàng công.

Thứ 2, tư duy chuyển đổi xanh chưa thấm sâu vào khối tổ chức và doanh nghiệp. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh trong khu vực công còn cần nhiều lực đẩy. Chưa có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, chưa có KPI về “mức độ xanh” trong mua sắm công, dẫn đến khoảng cách lớn giữa kỳ vọng phát triển bền vững và hành động thực tế cũng như giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Thứ ba, thiếu vắng các chính sách bắt buộc chuyển đổi. Không có các quy định bắt buộc về sử dụng vật liệu sinh học, hoặc lộ trình cắt giảm và loại bỏ nhựa truyền thống rõ ràng với các biện pháp thực thi mạnh mẽ nên chưa tạo ra được đòn bẩy để thị trường Việt Nam có sự chuyển đổi sang những loại vật liệu mới thay thế nhựa. Startup xanh phải tự bươn chải trên thị trường tự do mà chưa có đòn bẩy thể chế.

Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nhưng nếu các chính sách không khuyến khích sử dụng công nghệ xanh bản địa, thì mục tiêu này sẽ rất khó đạt được, và cơ hội cho các startup tiên phong như BUYO cũng dần thu hẹp.

Từ thực tiễn khi đồng hành cùng BUYO, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đề xuất một số kiến nghị chính sách cụ thể để hỗ trợ startup trong lĩnh vực công nghệ sinh học và kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

Xây dựng hành lang pháp lý đặc thù cho vật liệu xanh và sản phẩm phân hủy sinh học, bao gồm có lộ trình rõ ràng trong việc bắt buộc giảm thiểu tiến tới loại bỏ nhựa thông thường, áp thuế đối với các vật liệu nhựa thông thường gây ô nhiễm môi trường, xây dựng cơ chế công nhận sản phẩm sinh thái và các chính sách ưu đãi phù hợp.

Ưu tiên tiếp cận thị trường công, triển khai cơ chế đấu thầu hướng tới chuyển đổi xanh, thúc đẩy các chiến dịch hành động thực sự trong khu vực công từ cấp trung ương tới địa phương để hỗ trợ các công nghệ mới thân thiện môi trường, công nghệ tiên phong do các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và phát triển.

Áp dụng chính sách ưu đãi tài chính đặc biệt cho các startup có chứng nhận quốc tế về bền vững: miễn giảm thuế nhập nguyên liệu sinh học, hỗ trợ chi phí thử nghiệm sản phẩm, miễn giảm tiền thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp xanh.

Lồng ghép tiêu chí xanh vào tất cả chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm của nhà nước, nhằm đảm bảo sản phẩm xanh nội địa được có cơ hội tiếp cận và lựa chọn..

Nguồn: https://nhandan.vn/hanh-lang-chinh-sach-cho-cong-nghe-xanh-post872463.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm