Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0' qua góc nhìn nhà báo phương Tây

NDO - Cuốn sách "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" như một biên niên chân thực, sống động và đầy cảm xúc về khoảnh khắc lịch sử khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất - 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân16/04/2025

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm".

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm” là bước phát triển ở giai đoạn chín muồi trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là kết quả hợp thành của tất cả những lực lượng, những yếu tố làm nên sức mạnh tất thắng của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại.

Đây là chiến thắng oanh liệt, có tầm quan trọng quốc tế lớn lao và mang tính thời đại sâu sắc. Cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm tại Việt Nam khép lại vào ngày 30/4/1975, đánh dấu bước ngoặt lịch sử không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn với cả thế giới.

Có độ dày hơn 200 trang, cuốn sách "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" gồm những bài tường thuật của nhiều nhà báo phương Tây - những người đã trực tiếp có mặt tại Việt Nam trong những ngày tháng lịch sử.

Họ chứng kiến các đoàn quân Giải phóng hành quân vào miền nam, mang theo tinh thần kiên định “dân tộc Việt Nam là một” và niềm tin tất thắng. Họ chứng kiến những cảnh tượng hỗn loạn của cuộc di tản do Mỹ tổ chức, khi trực thăng nối đuôi nhau rời khỏi Sài Gòn, để lại một thành phố hoang tàn. Và chỉ sau một tuần, họ lại nhìn thấy một Sài Gòn khác - bình tĩnh, trật tự và tràn đầy biểu tượng của một thời đại mới.

Một trong những điểm đặc sắc của cuốn sách chính là cách những nhà báo mô tả sự thay đổi của con người và không khí trong thành phố trước và sau ngày 30/4/1975. Đó là những chiến sĩ Quân Giải phóng với bộ quân phục màu xanh lá cây cùng đôi dép cao su - "đôi dép Bác Hồ" trò chuyện cởi mở với người dân.

Đó là hình ảnh những học sinh trong tà áo dài trắng, những bà mẹ, những người thân ôm nhau khóc trong ngày đoàn tụ. Người dân Sài Gòn, sau những ngày đầu lo lắng, đã trở lại cuộc sống thường nhật, dẫu biết rằng trước mắt họ là một hành trình đầy thách thức để xây dựng lại đất nước.

Bên cạnh những câu chuyện của từng cá nhân, cuốn sách phản ánh một sự thật sâu sắc: Chiến thắng của Việt Nam không chỉ đơn thuần là thắng lợi của một ý thức hệ hay một lực lượng quân sự, mà đó là chiến thắng của cả một dân tộc - những con người đã chịu đựng quá nhiều mất mát, chia cắt và đau thương để giành lại độc lập, tự do.

Những người lính miền bắc vào nam không chỉ giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, mà còn tìm lại gia đình, người thân - những người đã bị chia lìa bởi chiến tranh suốt hàng chục năm. Khoảnh khắc gặp lại cha mẹ, anh chị em sau bao năm xa cách trở thành một trong những biểu tượng của hòa bình, thống nhất đất nước.

Với góc nhìn của những người ngoài cuộc, nhưng lại có cơ hội chứng kiến cận cảnh những giờ phút lịch sử, "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" là một cuốn sách tư liệu quý giá, mang đậm hơi thở của thời đại. Đây là một cuốn sách không chỉ dành cho những bạn đọc quan tâm đến lịch sử Việt Nam, mà còn cho những bạn đọc muốn hiểu sâu hơn về sự chuyển mình của một dân tộc sau chiến tranh - về nỗi đau, niềm vui và cả những hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Nguồn: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-gio-khac-so-0-qua-goc-nhin-nha-bao-phuong-tay-post872850.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm