Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường tính liên kết nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất bản

NDO - Ngày 21/4, tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Chi hội Nhà văn Công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam) phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn in Thanh Bình tổ chức tọa đàm "Nâng cao hiệu quả liên kết giữa nhà văn, nhà xuất bản và nhà in".

Báo Nhân dânBáo Nhân dân21/04/2025

Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học và các đơn vị làm sách, nhằm trả lời câu hỏi: Làm sao để bản thảo - thành quả lao động sáng tạo có thể đến tay bạn đọc một cách trọn vẹn và hiệu quả nhất?

Tọa đàm mở ra cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người làm nghề, cũng là diễn đàn để nhìn lại thực trạng liên kết "ba nhà": nhà văn, nhà xuất bản và nhà in - những mắt xích thiết yếu trong chuỗi giá trị sản xuất sách. Từ đó đặt nền móng cho sự hợp tác bền chặt, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc và phát triển thị trường xuất bản nước nhà.

Chính từ thực trạng ấy, tọa đàm lần này không chỉ là diễn đàn trao đổi chuyên môn, mà còn mở ra kỳ vọng về một mô hình liên kết chặt chẽ, chuyên nghiệp giữa "ba nhà" để cùng hướng đến mục tiêu chung là đưa sách đến với người đọc một cách trọn vẹn, nhanh chóng và công bằng hơn.

Tăng cường tính liên kết nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất bản ảnh 1

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc (bên phải) trình bày ý kiến tại tọa đàm.

Theo giới chuyên môn, một cuốn sách không đơn thuần là sản phẩm của riêng nhà văn mà đằng sau mỗi trang giấy là cả một hệ thống những con người âm thầm làm việc, từ khâu biên tập, kiểm định nội dung, đến sản xuất, in ấn và phát hành. Trong đó, "ba nhà" nhà văn, nhà xuất bản và nhà in đóng vai trò như ba trụ cột cấu thành nên chuỗi giá trị sản xuất và lan tỏa tri thức.

Trước hết, nhà văn là đối tượng khởi tạo nội dung - yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị cho cuốn sách. Tác phẩm của họ là thành quả từ quá trình lao động sáng tạo bền bỉ, chắt lọc từ trải nghiệm sống, vốn tri thức và tâm huyết cá nhân. Họ vừa là người kể chuyện vừa là người truyền cảm hứng, người dẫn lối độc giả khám phá thế giới tinh thần, tư tưởng và những giá trị nhân văn. Tuy nhiên, nhà văn không thể một mình đưa tác phẩm ra công chúng nếu thiếu những mắt xích tiếp theo.

Chúng ta có ba nhà: nhà văn, nhà in, nhà xuất bản, nhưng là ba nhà độc lập. Mỗi nhà làm việc riêng, ít tìm hiểu công việc của nhau, không tạo được hệ thống liên hoàn hay cơ chế phối hợp chặt chẽ. Đó là một lỗ hổng đáng tiếc trong chuỗi sản xuất sách.

Nhà thơ Bằng Việt

Vai trò của nhà xuất bản vì thế trở nên đặc biệt quan trọng. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm biên tập, chỉnh lý nội dung, bảo đảm tính pháp lý và chất lượng chuyên môn của cuốn sách trước khi phát hành. Nhà xuất bản đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa nhà văn và công chúng, vừa bảo đảm quyền lợi tác giả, vừa định hướng thị trường bằng việc lựa chọn, đầu tư và phát hành các ấn phẩm phù hợp với nhu cầu độc giả và định hướng văn hóa của xã hội.

Tiếp đến, nhà in chính là đơn vị hiện thực hóa tác phẩm, biến bản thảo trên giấy thành sản phẩm vật lý hoàn chỉnh. Vai trò của nhà in không đơn thuần là khâu kỹ thuật mà tác động đến thẩm mỹ, độ bền, chi phí và cả trải nghiệm đọc. Một cuốn sách đẹp, rõ nét, trình bày chỉn chu chính là yếu tố nâng tầm giá trị cho nội dung mà nhà văn gửi gắm.

Tăng cường tính liên kết nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất bản ảnh 2

Hội thảo thu hút nhiều nhà thơ, nhà văn gạo cội.

Sự tồn tại và phối hợp hài hòa của ba chủ thể góp phần quyết định chất lượng của một cuốn sách, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình lan tỏa tri thức trong cộng đồng. Khi từng "nhà" hiểu đúng và thực hiện tốt vai trò của mình, cuốn sách sẽ không còn là một sản phẩm đơn lẻ, mà trở thành kết quả của một quy trình sản xuất văn hóa chuyên nghiệp và đầy trách nhiệm.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến tâm huyết đã được chia sẻ, phản ánh những góc nhìn thực tế, sâu sắc từ chính những người trong cuộc - những người đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành với hành trình làm ra và đưa sách đến tay công chúng.

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc, đại diện Chi hội Nhà văn Công nhân chia sẻ trăn trở đầy cảm xúc: Một tập hợp sáng tác văn thơ, tiểu thuyết hay bất kỳ một công trình nghiên cứu nào của nhà văn, nhà khoa học, sau quá trình sáng tạo và tích lũy, đều cần được tập hợp thành một bản thảo. Nhưng làm sao để bản thảo đó trở thành một cuốn sách thực thụ? Đó là nỗi trăn trở không của riêng ai. Ông nhấn mạnh, việc ra đời của một tác phẩm không thể chỉ phụ thuộc vào một cá nhân mà cần đến sự chung tay của cả một hệ sinh thái trong xuất bản.

Những ý kiến tại tọa đàm phản ánh thực trạng ngành xuất bản, đồng thời cho thấy sự khát khao được kết nối, được làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả hơn từ chính những người đang trực tiếp tạo dựng nên đời sống văn hóa đọc.

Nhà thơ Bằng Việt, một trong những cây bút nổi bật của nền văn học Việt Nam đương đại, thẳng thắn chỉ ra, trong nhiều năm qua, ba chủ thể chính của ngành xuất bản - nhà văn, nhà xuất bản và nhà in vẫn hoạt động như những đơn vị rời rạc. "Chúng ta có ba nhà: nhà văn, nhà in, nhà xuất bản, nhưng là ba nhà độc lập. Mỗi nhà làm việc riêng, ít tìm hiểu công việc của nhau, không tạo được hệ thống liên hoàn hay cơ chế phối hợp chặt chẽ. Đó là một lỗ hổng đáng tiếc trong chuỗi sản xuất sách" - nhà thơ Bằng Việt nhận định.

Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Thị Mai chỉ ra một hiện tượng khá phổ biến hiện nay: tình trạng những cá nhân hoặc nhóm người đứng ra nhận in sách giúp tác giả, đóng vai trò trung gian giữa tác giả với nhà in và nhà xuất bản. Theo bà, đây là hệ quả trực tiếp của việc thiếu kết nối chính thức giữa "ba nhà". "Khi sự liên kết không trực tiếp, tất cả các bên đều bị thiệt thòi, từ chất lượng sách, chi phí, đến quyền lợi của người sáng tạo", bà nói thêm.

Tăng cường tính liên kết nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất bản ảnh 3

Các đại biểu đã lắng nghe, tham khảo nhiều ý kiến đóng góp.

Từ góc nhìn học thuật và quản lý, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho - một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa nhấn mạnh: Ngoài "ba nhà" chính, còn cần bổ sung một nhân tố quan trọng khác đó là nhà phát hành.

Ông lý giải: "Hiện nay, việc in sách không khó, nhưng in bao nhiêu cuốn, bán cho ai, phát hành bằng cách nào thì gần như tác giả phải tự xoay xở. Với các cây viết trẻ hoặc không có điều kiện tài chính, điều này là bất khả thi".

Theo ông, thiếu mắt xích phát hành sẽ khiến những nỗ lực sáng tạo và in ấn trở nên kém hiệu quả, sách làm ra nhưng không tiếp cận được bạn đọc.

Những ý kiến tại tọa đàm phản ánh thực trạng ngành xuất bản, đồng thời cho thấy sự khát khao được kết nối, được làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả hơn từ chính những người đang trực tiếp tạo dựng nên đời sống văn hóa đọc. Sự chia sẻ cởi mở, mang tính xây dựng cao này chính là nền tảng quan trọng để tìm ra giải pháp cải thiện mối quan hệ giữa "ba nhà" nhằm xây dựng một thị trường xuất bản bền vững, minh bạch và công bằng hơn.

Dù ai cũng thừa nhận vai trò thiết yếu của việc phối hợp giữa nhà văn, nhà xuất bản và nhà in, nhưng thực tế cho thấy mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo và thiếu cơ chế điều phối rõ ràng. Những bất cập kéo dài này vừa xuất phát từ vấn đề khách quan của thị trường vừa đến từ chính nội tại của từng "nhà" trong chuỗi sản xuất sách.

Một trong những nguyên nhân chính được các đại biểu tại tọa đàm nêu ra là: Thiếu một cơ chế liên kết chính thức và chuyên nghiệp. Phần lớn các tác giả, đặc biệt là những người làm nghề tự do, không có kênh kết nối ổn định với các nhà xuất bản hay nhà in. Trong khi đó, nhiều nhà xuất bản lại đang chờ đợi bản thảo từ tác giả, thiếu chiến lược chủ động tìm kiếm và đầu tư vào nội dung.

Tình trạng này dẫn đến việc người viết phải tự thân vận động, thậm chí đi qua các khâu trung gian không chính thống, làm phát sinh thêm chi phí và rủi ro chất lượng.

Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết và đồng cảm về công việc của nhau cũng là một rào cản lớn. Nhà văn thường chỉ quan tâm đến nội dung sáng tác, trong khi nhà in lại thiên về kỹ thuật, còn nhà xuất bản thì bận rộn với thủ tục pháp lý, kế hoạch phát hành và chi phí sản xuất. Khi không có tiếng nói chung về quy trình, trách nhiệm và lợi ích, rất khó để tạo dựng một mô hình hợp tác thực sự hiệu quả.

Tư duy làm việc manh mún, thiếu liên ngành cũng là nguyên nhân khiến thị trường xuất bản chưa thể phát triển đồng bộ. Trong khi một số đơn vị đã bắt đầu chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp và công nghiệp hóa, phần lớn vẫn vận hành theo kiểu "tiểu thủ công" mỗi khâu một kiểu, thiếu quy chuẩn chung và liên kết chuỗi. Chính sự thiếu đồng bộ này đã khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều, thị trường thiếu minh bạch và độc giả - đối tượng hưởng thụ cuối cùng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.

Cuối cùng, sự thiếu hụt truyền thông nội ngành khiến các mắt xích khó tiếp cận nhau một cách thường xuyên và hiệu quả. Không có diễn đàn thường niên, hội nghị chuyên sâu hay cổng thông tin kết nối, sự hiểu biết giữa các bên ngày càng xa cách. Điều này dẫn đến tình trạng "ai làm việc nấy" trong khi lẽ ra, họ nên là đối tác chiến lược của nhau.

Không dừng lại ở việc nhận diện vấn đề, các tham luận tại tọa đàm đã đưa ra nhiều giải pháp thực tiễn, mang tính khả thi nhằm xây dựng lại một cơ chế phối hợp chặt chẽ và chuyên nghiệp giữa các bên liên quan trong ngành xuất bản.

Một trong những đề xuất nổi bật là cần thiết lập một cơ chế kết nối chính thức, có tính pháp lý và chiến lược lâu dài. Việc này có thể được cụ thể hóa bằng các mô hình hợp tác liên kết theo chuỗi. Việc hình thành các liên minh xuất bản theo chuyên ngành, khu vực hoặc theo dòng sách cũng được cho là một hướng đi khả thi, phù hợp với xu thế hội nhập và chuyên môn hóa.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại và truyền thông nội ngành, hỗ trợ nhà văn, đặc biệt là các tác giả trẻ, các cây viết độc lập tiếp cận với hệ thống xuất bản một cách minh bạch, công bằng và ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi sản xuất sách, từ quản lý bản quyền, kiểm duyệt nội dung, theo dõi in ấn đến phân phối. Nếu được số hóa và minh bạch hóa, quy trình xuất bản sẽ trở nên linh hoạt, hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Các đại biểu tại tọa đàm đều chung quan điểm rằng: Muốn văn hóa đọc phát triển bền vững, thị trường sách cần một nền tảng liên kết vững chắc không phải bằng những cam kết khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể, thiết thực và lâu dài.

Nguồn: https://nhandan.vn/tang-cuong-tinh-lien-ket-nham-day-manh-hoat-dong-xuat-ban-post874208.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm