Nữ giáo viên ấp ủ ý tưởng chinh phục đỉnh Ngọc Linh
Năm học 2024-2025, cô Trà Thị Thu công tác tại điểm trường Răng Chuỗi, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Điểm trường có 2 lớp ghép 1-2 với 11 học sinh.
Hơn 10 năm làm nhiệm vụ dạy học cho em Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh, nơi sinh trưởng loài dược liệu quý sâm Ngọc Linh, cô Thu mong ước một ngày được chinh phục đỉnh núi cao 2.605m, cao nhất dãy Trường Sơn và được xem như "nóc nhà" của miền Nam.

Đường lên đỉnh Ngọc Linh không có lối đi, chỉ có cây rừng bao phủ (Ảnh: Trà Thu).
Ấp ủ ý tưởng hơn 10 năm, kết thúc năm học 2024-2025, cô Thu quyết định lên đường chinh phục núi Ngọc Linh cùng nhóm bạn 10 thành viên và 9 người dân bản địa có nhiệm vụ gùi đồ dùng, thực phẩm, nước uống…
7h, đoàn xuất phát từ chân núi tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Từ lúc đặt chân vào rừng, nữ giáo viên đã cảm nhận chuyến đi sẽ không dễ dàng. Đường đi nhỏ, 2 bên cây cối um tùm, nhiều vị trí phải cúi rạp người mới lách qua được.
Những con dốc dựng đứng nối nhau, càng đi sâu, rừng càng rậm, không khí ẩm, lạnh.

Cô Thu cùng thành viên trong đoàn chinh phục đỉnh Ngọc Linh (Ảnh: Trà Thị Thu).
"Điều khiến tôi nhớ mãi là vẻ đẹp lạ lùng của khu rừng. Những cây to đến ba bốn người ôm mới xuể, rêu xanh mướt bám đầy gốc. Những bông hoa dại mọc ven đường, nhỏ xíu mà rực rỡ. Nấm rừng đủ màu, mọc chen giữa gốc cây mục. Nhìn quanh đâu đâu cũng như một bức tranh sống động, hoang sơ và đầy mê hoặc", cô Thu bày tỏ.
16h đến điểm dừng chân giữa lưng chừng núi, ở độ cao khoảng 2.500m để hạ trại nghỉ ngơi, ăn tối lấy sức cho ngày kế tiếp chinh phục độ cao 2.605m.

Rừng Ngọc Linh nguyên sinh với nhiều loại cây có hình thù kỳ dị (Ảnh: Trà Thu).
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc cả đoàn đối mặt với cái lạnh buốt của núi rừng Trường Sơn. Áo ấm, chăn, tất, khăn quàng cổ, túi ngủ... hay bất cứ thứ gì có thể làm ấm cơ thể đều được mang ra quấn vào người...
7h hôm sau, đoàn xuất phát và khoảng một tiếng sau đặt chân đến tấm bia ghi độ cao 2.605m.

Phút nghỉ ngơi của 20 thành viên chinh phục đỉnh Ngọc Linh (Ảnh: Trà Thu).
"Khoảnh khắc đặt chân lên tới đỉnh, xúc động đến nghẹn lời", cô Thu chia sẻ.
Bạn Nguyễn Thị Huỳnh, một thành viên trong đoàn, kể lại: "Khi chinh phục đỉnh Ngọc Linh, có lúc chân như muốn gục, đầu óc mơ hồ giữa sương mù dày đặc, tôi chợt thấy mình quá nhỏ bé. Nhưng đồng đội, tiếng cười và sự sẻ chia đã giúp tôi hoàn thành chuyến đi".
Theo bạn Huỳnh, điều khiến hành trình trở nên đặc biệt chính là buổi tối bên bếp lửa của người Xơ Đăng. Giữa tiếng động vật hoang dã nơi núi rừng, những câu chuyện truyền miệng về đỉnh núi linh thiêng như lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên và văn hóa.
Nơi con người giao hòa với thiên nhiên hoang sơ
Theo cảm nhận của cô Thu, khi những đám mây vờn quanh đỉnh Ngọc Linh, không chỉ nhìn thấy một ngọn núi cao sừng sững, mà còn cảm nhận được hơi thở của rừng già, của con người và của cả một di sản văn hóa đang sống trong lòng đại ngàn Tây Nguyên.

Đoàn hạ trại nghỉ ngơi, nấu nướng, ngủ qua đêm ở độ cao 2.500m (Ảnh: Trà Thị Thu).
Chinh phục Ngọc Linh không đơn thuần là vượt qua những con dốc dựng đứng hay những đoạn đường trơn trượt sau mưa rừng. Đó là hành trình khám phá sự kiên cường của bản thân, sự kết nối với thiên nhiên và sự đồng cảm sâu sắc với người dân bản địa.
Giữa rừng sâu, cây sâm Ngọc Linh, "quốc bảo" của đại ngàn đang lặng lẽ sinh trưởng trên độ cao khắc nghiệt, như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của mảnh đất này.
Sâm Ngọc Linh không chỉ là báu vật quý giá về y học, mà còn là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn đối với thiên nhiên mà người dân nơi đây luôn cố gắng gìn giữ qua bao thế hệ.
Anh Hồ Văn Út - người Xơ Đăng đã gắn bó với núi Ngọc Linh từ nhỏ, chia sẻ: "Ngọc Linh không chỉ là một ngọn núi cao vời vợi mà còn là "người mẹ" che chở, bảo vệ chúng tôi qua bao thế hệ.
Người ta thường nói rừng núi là linh hồn của đất đai, với chúng tôi, Ngọc Linh chính là cội nguồn của sự sống, chốn linh thiêng. Khi đứng trước núi, ta cảm nhận được sự bao dung và che chở, như được mẹ dang rộng vòng tay ôm ấp".
Theo anh Út, người Xơ Đăng luôn giữ gìn và trân trọng từng tấc đất, từng cây rừng trên đỉnh núi này, xem đó như bổn phận thiêng liêng của mình.
Giữa đại ngàn, cây sâm Ngọc Linh, loài sâm quý hiếm và giàu dược tính vươn lên mạnh mẽ như biểu tượng cho sức sống bền bỉ của con người nơi đây. Không chỉ là báu vật của núi rừng, sâm Ngọc Linh còn là niềm tự hào, minh chứng cho sự gắn bó hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
"Chúng tôi nhận ra rằng, nếu không bảo vệ thì vẻ đẹp này sẽ không còn mãi. Hành trình này là lời cam kết bảo vệ nơi mà chúng tôi gọi là ngôi nhà thứ hai", anh Út bày tỏ.
Anh Phan Quốc Cường, thành viên đoàn chinh phục đỉnh Ngọc Linh, chia sẻ: "Điều thôi thúc tôi lựa chọn đỉnh Ngọc Linh, nơi hiểm trở, ít người đặt chân tới, là khát khao khám phá vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của thiên nhiên cùng sức sống mãnh liệt nơi núi rừng".
Hành trình gian nan ấy giúp anh vượt qua giới hạn bản thân, đồng thời thấu hiểu sâu sắc cuộc sống và nghị lực kiên cường của đồng bào vùng cao.
Ngọc Linh còn nổi tiếng với cây sâm quý, biểu tượng sức khỏe và sự trường tồn, càng làm tăng thêm ý nghĩa thiêng liêng cho chuyến đi. Đó không chỉ là chuyến đi chinh phục địa lý, mà còn là hành trình trải nghiệm, gắn kết với thiên nhiên và con người nơi đây.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/hanh-trinh-chinh-phuc-dinh-ngoc-linh-noc-nha-mien-nam-cua-nu-giao-vien-20250525221047159.htm
Bình luận (0)