Nơi hội tụ cháu con Lạc Hồng
Chúng tôi đến thăm đình Hùng Vương tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên trong những ngày tiết thanh minh vừa chớm. Ngôi đình là địa điểm chính để du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương vào dịp mồng 10 tháng 3 hằng năm và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống dân tộc hướng về nguồn cội cho các thế hệ, tri ân người có công dựng nước, giữ nước. Đình Hùng Vương có bề dày lịch sử trên một thế kỷ, theo lời kể của các cụ cao niên, trước đây, đình Hùng Vương chỉ là một ngôi miếu nhỏ để Nhân dân địa phương thờ thổ thần. Sau năm 1945, đại diện địa phương và các cụ cao niên đã lên đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ xin chân hương về thờ Vua Hùng. Từ đó, ngôi đình này có tên là đình Hùng Vương.
Ông Phạm Trần Đang - Phó Trưởng Ban quản lý Khu Di tích Lịch sử văn hóa đình Hùng Vương, cũng là người thủ nhang tại đình từ năm 2007 đến nay. Dù đã ở tuổi 90 nhưng ông vẫn ngày ngày cần mẫn, tâm huyết với công việc ở đình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đang kể về kỷ niệm những tháng ngày lặn lội sớm tối, đồng hành cùng chính quyền địa phương để đình Hùng Vương được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và được Ban Quản lý Di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) chuyển giao nhiều di vật tối linh là di sản Quốc gia cho đình Hùng Vương. Điển hình như: Thánh Hiệu, Ngọc Phả nói về lịch sử 18 đời Vương triều Hùng Vương; 3 bát hương, gồm: 1 bát hương bằng đá thờ 18 đời Vương triều Hùng Vương, 1 bát hương bằng đá thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, 1 bát hương bằng đồng thờ Lạc Long Quân; 1 lư hương đá nặng 1,7 tấn trước cửa Đền Hạ - nơi mẹ Âu Cơ sinh 100 con. Đây là lư hương bán thiên “độc nhất vô nhị” đã thờ lâu đời ở Đền Hùng (Phú Thọ).
Ông Phạm Trần Đang đang sửa soạn ban thờ để chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025. Ảnh: Mỹ Hạnh
Năm 2014, TP. Thái Nguyên tổ chức Đại lễ đúc tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ. Công trình được hoàn thiện vào năm 2015 và được chính quyền, Nhân dân địa phương rước về ngự tại di tích. Đây là hai pho tượng chỉ có tại đền Hùng (Phú Thọ) và đình Hùng Vương (Thái Nguyên). Thực tế, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã được người dân Thái Nguyên gìn giữ và lưu truyền hàng trăm năm. Bên cạnh đó, Thái Nguyên là vùng đất cách mạng với nhiều di tích lịch sử thờ cúng những người có công với đất nước, đặc biệt là Đền thờ Bác Hồ tại ATK Định Hóa. “Việc đưa các di vật tối linh, đúc tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ để thờ cúng tại đình Hùng Vương là rất phù hợp, đem lại nét uy nghi và khẳng định giá trị lịch sử, tín ngưỡng riêng có của ngôi đình. Bà con Nhân dân Thái Nguyên đều rất phấn khởi” - bà Nguyễn Thị Vinh (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) chia sẻ.
Từ ngày có đình Hùng Vương, những ngày quốc giỗ thiêng liêng, vì không về được núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) để dâng nén tâm hương, những người con của thủ đô gió ngàn Thái Nguyên lại thành tâm sắm nhang, đèn, oản quả, bánh chưng, bánh giày... dâng kính đức Tổ tông ở đình Hùng Vương. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, ngoại trừ những năm dịch bệnh thì năm nào cũng tổ chức rước kiệu vào ngày giỗ tổ. “Chúng tôi chia thành 18 tốp rước, điển hình nhất là tốp đi đầu có các cựu chiến binh mang lá cờ Tổ quốc với ý nghĩa có Tổ quốc mới có chúng ta; tiếp nữa là tốp rước 40 lá hồng kỳ và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý nghĩa nhớ ơn về những người có công dựng nước và giữ nước. Ấn tượng nhất là sự xuất hiện của 100 người con của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ trong trang phục thời đại Hùng Vương. Trong tiếng nhạc hào hùng của đoàn kèn thiếu nhi là khoảng 300 người dân vẫy cờ đi thành từng khối rất đẹp", ông Phạm Trần Đang cho biết.
Hướng đến điểm nhấn du lịch tâm linh
Những ngày cận kề lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đoàn hát Xoan phường Trưng Vương đang miệt mài tập luyện những làn điệu Xoan cổ, hay nhất để trình Thánh Tổ. Ông Phạm Trần Đang thường xuyên có mặt để động viên và đôn đốc các nghệ sĩ của đoàn hát Xoan tích cực tập luyện. Theo ông Đang, năm 2025 sẽ không tổ chức lễ rước lớn như mọi năm, thay vào đó sẽ có nghi thức hát Xoan - một trong những loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo, gắn với niềm kính ngưỡng, tấm lòng tri ân công đức dựng nước của các vị Vua Hùng. Đoàn hát Xoan của phường Trưng Vương đã đi tập hát tại Đền Hùng (Phú Thọ) từ 9 - 10 năm nay rất miệt mài và năm nay mới chính thức biểu diễn lần đầu. Người cao tuổi nhất của đoàn hát Xoan cũng đã ngoài 60 tuổi nhưng ai cũng hào hứng với mong muốn thể hiện tấm lòng chân thành của mình, tri ân công đức các vị Vua Hùng.
Theo Kế hoạch Tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Ất Tỵ 2025 tại Di tích lịch sử văn hóa đình Hùng Vương do UBND phường Trưng Vương ban hành, lễ Giỗ Tổ năm 2025 sẽ được tổ chức vào ngày 6 và 7 tháng 4.2025, tức ngày 9 và 10.3 năm Ất Tỵ. Chương trình được tổ chức ngắn gọn, trang trọng với các nghi thức Cáo yết, Tế trình Thánh Tổ. Lễ dâng hương sẽ được tổ chức vào sáng ngày 7.4 để cầu quốc thái dân an, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: “ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của tổ tiên, mà còn là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương”.
Đình Hùng Vương hiện không chỉ là nơi để du khách trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên đến dâng hương tri ân Thánh Tổ vào mỗi dịp Giỗ Tổ mồng 10.3 mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn dân tộc cho các thế hệ, tri ân người có công dựng nước, giữ nước. Tuy nhiên, theo ông Phạm Trần Đang, diện tích của đình hiện nay quá nhỏ, trong khi đó, vào dịp lễ, nhất là vào ngày Giỗ Tổ mồng 10.3 Âm lịch hàng năm sẽ có hàng nghìn du khách đến dâng hương tri ân Thánh Tổ nên cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, Ban Quản lý Khu Du tích lịch sử văn hóa đình Hùng Vương cùng bách gia trăm họ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn mong muốn khuôn viên đình sớm được mở rộng để bảo đảm không gian cho các hoạt động trong lễ Giỗ Tổ nói riêng và đình Hùng Vương sẽ trở thành điểm nhấn du lịch tâm linh của tỉnh Thái Nguyên.
Chị Lê Kim Ngân (phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) chia sẻ: chúng tôi sinh ra và lớn lên thì đình Hùng Vương đã có từ lâu. Lúc nhỏ thường được nghe các cụ khấn Rằng đây là miếu Hùng Vương/Mới là thủy tổ non thiêng nước nhà. Thời ông bà, cha mẹ đã dạy chúng tôi phải ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn của các vị anh hùng dựng nước. Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc và càng tự hào khi trên quê hương mình có dấu ấn của thánh tổ Hùng Vương. Mong rằng đình sẽ sớm được mở rộng để du khách thập phương có thể đến dâng hương bày tỏ lòng thành, nhất là những người không có điều kiện về với Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ.
Trước ban thờ Vua Hùng rực rỡ sơn son thếp vàng, chợt nhớ đến câu thơ cố nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Chúng ta con một cha, nhà một nóc/Thịt với xương tim óc dính liền…”. Nhà của chúng ta chính là Tổ quốc Việt Nam có bề dày hơn bốn nghìn năm văn hiến. Chắc chắn, trên thế giới ít có dân tộc nào chung quan niệm mình là cháu con một nhà, cùng thờ một tổ tiên là Hùng Vương. Dù có đi đâu trên mọi miền đất nước, thậm chí cả ở nước ngoài, những người con Việt Nam có lẽ luôn nhớ và tự hào về cội nguồn cao quý của mình.
Đào Cảnh - daibieunhandan.vn
Nguồn:https://daibieunhandan.vn/hao-khi-van-lang-tren-mien-dat-thep-post409466.html
Bình luận (0)