Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hệ sinh thái sản xuất của đồng bào vùng cao

Quảng Ninh với những chính sách đầu tư sớm, trúng, đúng đến với các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số trong hàng chục năm qua đã là cơ sở, lực đẩy để các hộ dân nơi đây chuyển đổi tư duy sản xuất, từ truyền thống sang hiện đại, trong đó bao gồm những mô hình kinh tế nông nghiệp có liên kết, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, làm giàu đẹp các vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

Báo Quảng NinhBáo Quảng Ninh05/05/2025



Người Dao Bình Liêu phấn khởi xuống chợ sau mỗi vụ mùa bội thu.

Người Dao Bình Liêu phấn khởi xuống chợ sau mỗi vụ mùa bội thu.

Từ chuyện người thanh niên Sán Chỉ tạo hệ sinh thái trà hoa vàng

Năm 2014, khi nghe tin anh Nịnh Văn Trắng (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) đứng ra thành lập doanh nghiệp - Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, tôi đã không khỏi bất ngờ. Trước đó, người thanh niên người Sán Chỉ này chưa từng ra khỏi thôn bản, cũng chưa nói sõi tiếng Việt. Anh được biết đến là người chuyên thu hái hoa trà hoa vàng trên rừng về để phơi khô làm trà uống, di chuyển và trồng sống cây trà hoa vàng từ rừng xuống vườn, đồng thời bước đầu chủ động nhân giống cây trà hoa vàng.

Nói về bước ngoặt này, anh Nịnh Văn Trắng cho biết: Khi đó các cấp chính quyền đang thực hiện chương trình OCOP. Sản phẩm trà hoa vàng phơi khô của tôi cũng được rà soát để đưa vào danh mục sản phẩm OCOP. Theo hướng dẫn của chính quyền, tôi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, mục đích ban đầu là để được hỗ trợ chính sách về trồng giống cây và bán giống trà hoa vàng, chế biến sản phẩm từ cây trà hoa vàng. Sau này, từ quy mô sản xuất doanh nghiệp, tôi dễ dàng liên kết với nhiều bà con để sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây trà hoa vàng Ba Chẽ…

Anh Nịnh Văn Trắng (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về sản phẩm OCOP 5 sao trà hoa vàng của mình.

Anh Nịnh Văn Trắng (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về sản phẩm OCOP 5 sao trà hoa vàng của mình.

Nỗ lực và không ngừng học hỏi, anh Nịnh Văn Trắng không chỉ từng bước tiếp cận và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, đúng quy định, mà hơn hết, anh Trắng thành công với hoạt động trồng, chế biến sản phẩm trà hoa vàng, liên kết sản xuất với nhiều hộ dân trên địa bàn, mở rộng vùng nguyên liệu trồng trà hoa vàng, đưa trà hoa vàng Ba Chẽ từ sản phẩm của núi rừng bản địa trở thành sản phẩm thương mại, thành thương hiệu nông sản uy tín của Quảng Ninh “bay xa” trong toàn quốc. 

Hiện nay anh Nịnh Văn Trắng liên kết thường xuyên với 10 hộ sản xuất, là những nhà vườn trồng trà hoa vàng lớn nhất của huyện Ba Chẽ, đồng thời liên kết thời vụ với khoảng 100 hộ trong và ngoài tỉnh, là những hộ cung ứng giống, vật tư trồng trà hoa vàng, cung ứng nguồn trà hoa vàng nguyên liệu, liên kết sử dụng dịch vụ sấy thăng hoa nông sản, liên kết phân phối và thương mại sản phẩm trà hoa vàng…

Mẻ trà hoa vàng được anh Nịnh Văn Trắng sấy bằng công nghệ sấy thăng hoa.

Mẻ trà hoa vàng được anh Nịnh Văn Trắng sấy bằng công nghệ sấy thăng hoa.

Những năm gần đây, mỗi năm anh Trắng xuất bán gần 10.000 cây giống, thu mua và chế biến khoảng 6-7 tấn hoa trà hoa vàng tươi, tạo ra các loại sản phẩm sau chế biến như trà hoa vàng bông khô, trà hoa vàng túi lọc, trà hoa vàng lá khô… Chất lượng sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ của anh Nịnh Văn Trắng được đánh giá cao, trong đó sản phẩm trà hoa vàng hoa khô vừa đạt danh hiệu sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, là một trong 5 sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đạt 5 sao quốc gia. Đây cũng là sản phẩm chính của doanh nghiệp, mang lại doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm.

Thành công của anh Nịnh Văn Trắng là hành trình đầy nỗ lực và có tính lan toả đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài huyện Ba Chẽ. Doanh nghiệp này được đánh giá sẽ ngày càng lớn mạnh do đã hình thành được mối liên kết sản xuất chặt chẽ, tạo thành vùng sản xuất và hệ sinh thái trà hoa vàng Ba Chẽ.

Người dân xã Húc Động, huyện Bình Liêu chế biến miến dong truyền thống.

Những phụ nữ Sán Chỉ ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu gắn bó với nghề chế biến miến dong truyền thống.

Đến việc dân cả huyện liên kết nuôi gà bản địa



Ở vùng đất Tiên Yên, con gà Tiên Yên là loại vật nuôi bản địa lâu đời. Nổi tiếng với da vàng, thịt mềm, thơm ngọt, là sản vật tiến vua, là món ngon được ghi chép trong sách, thế nhưng từng có thời điểm gà Tiên Yên rất hiếm hoi, thực khách muốn ăn nhưng không mua nổi mà ăn. Năm 2012, sau một cuộc rà soát tổng thể đàn gà trên toàn huyện, số lượng thực tế cho thấy chỉ là 6.000 con, chưa bằng số lượng gà một hộ nuôi công nghiệp hiện nay.

Quyết tâm phát triển đàn gà, huyện Tiên Yên từng bước triển khai các hoạt động tuyển gà ông bà, bố mẹ, phục tráng giống gà, áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để làm chủ về giống gà… Đặc biệt huyện Tiên Yên triển khai Đề án “2 con, 1 cây”, trong đó con gà Tiên Yên là chủ đạo. Những động thái này đã kịp thời khuyến khích người dân tham gia chăn nuôi gà Tiên Yên, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo ra các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gà, từ đó phục hồi và phát triển bền vững đàn gà bản địa đã từng suy giảm nghiêm trọng về số lượng.

Ở thôn Nà Cà, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, gần như các hộ dân đều nuôi giống gà bản địa Tiên Yên.

Đàn gà của gia đình anh Phoòng Phu Mềnh, thôn Nà Cà, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên.

Báo cáo năm 2024 của huyện Tiên Yên cho thấy, tổng đàn gà của huyện trong năm đạt 1,36 triệu con, doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Con số này được tính trên tổng đàn gà nuôi ở 400 cơ sở và 7 HTX nuôi gà Tiên Yên có quy mô 5.000 con/năm trở lên và khoảng 300 hộ thường xuyên có đàn gà 3.000 con trở lên, chưa tính số hộ nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Các hộ nuôi gà quy mô lớn này đạt trình độ chăn nuôi cao, hình thành nhiều mô hình nuôi hiện đại như nuôi chăn thả, bán chăn thả dưới tán rừng trồng trên cạn cũng như rừng ngập mặn, nuôi gà theo khẩu phần thức ăn địa phương, nuôi gà thảo dược…

Trong quá trình phục hồi và phát triển đàn gà, huyện Tiên Yên hình thành những xã, thôn nuôi tập trung đàn gà Tiên Yên, trong đó thôn Nà Cà của xã Phong Dụ hiện là thôn nuôi gà Tiên Yên với số lượng nhiều nhất huyện. Toàn thôn có trên 50 hộ dân, đều là người dân tộc thiểu số thì có đến 37 hộ nuôi gà với số lượng từ 5.000 con/hộ mỗi năm. Năm 2024, tổng đàn gà Tiên Yên của Nà Cà là 130 vạn con, lợi nhuận đạt trung bình 50 triệu đồng/1.000 con. Anh Phoòng Phu Mềnh, Trưởng thôn Nà Cà, cho biết: Các hộ chăn nuôi gà trong thôn lập zalo chung, nhiều hộ dân trong thôn đã phối hợp với nhau thành những nhóm cố định, thường xuyên thông báo và cùng nhau xử lý các tình huống về dịch bệnh, về biến động giá cả thị trường, chung nhau mua bán thức ăn hoặc hoá chất phòng dịch bệnh để hưởng mức giá hợp lý...

Giống gà Tiên Yên được chăn thả, ăn thức ăn theo công thức phối trộn nên cho chất lượng tốt.

Giống gà Tiên Yên được chăn thả, ăn thức ăn theo công thức phối trộn nên cho chất lượng tốt.

Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&MT huyện Tiên Yên, cho biết: Quan trọng hơn là gần như tất cả các cơ sở chăn nuôi gà Tiên Yên quy mô lớn hiện nay đều có liên kết với nhau theo mô hình liên kết nhóm hộ, mô hình câu lạc bộ… Hiện Tiên Yên có câu lạc bộ 10.000 con gà, có mô hình liên kết chăn nuôi, giết mổ, phân phối thương mại, có mô hình liên kết theo nhóm để mua bán thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh cho đàn gà, có mô hình liên kết theo nhóm hộ chăn nuôi gà thảo dược… Những mối liên kết này tạo ra sự tương hỗ, ràng buộc, cùng nhau quản lý, giám sát về chất lượng sản phẩm, cùng nhau điều tiết số lượng tổng đàn, điều tiết số lượng sản phẩm đầu ra, đầu vào nhằm tránh tình trạng phụ thuộc quá mức vào thị trường hoặc thương lái, dẫn đến bị động…

Từ liên kết chăn nuôi gà bản địa, huyện Tiên Yên có đàn gà lớn nhất tỉnh, kinh tế chăn nuôi gia cầm phát triển, đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên các xã, thôn miền núi được nâng lên, ổn định và phát triển bền vững.

Anh Trần A Hoàng, xã Húc Động, huyện Bình Liêu giới thiệu sản phẩm miến dong đến khách hàng.

Anh Trần A Hoàng, xã Húc Động, huyện Bình Liêu giới thiệu sản phẩm miến dong đến khách hàng.

Trong những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh thi đua lao động sản xuất và cùng nhau tạo mối liên kết sản xuất. Những cái tên Nịnh Văn Trắng, Triệu Quay Phúc phát triển kinh tế lâm nghiệp; Triệu Kim Vầy nuôi dúi ở xã Đồn Đạc; Lý Văn Hếnh, Đặng Văn Hùng trồng ba kích ở xã Nam Sơn; Đàm Cường trồng trà hoa vàng Thanh Sơn (đều thuộc huyện Ba Chẽ); Sằn A Sẹc ở xã Hải Sơn (TP Móng Cái), Phoòng Phu Mềnh, Lý Đức Bảo ở xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), Dường Phúc Thím ở xã Đồng Văn, Trần A Hoàng ở xã Húc Động (đều thuộc huyện Bình Liêu)… và rất nhiều những điển hình khác trên toàn tỉnh, không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho bản thân và nhiều hộ gia đình lân cận, còn tạo nên những mô hình kinh tế nông nghiệp lớn mạnh, có sự ảnh hưởng và lan toả trong cộng đồng, tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp bền vững do người dân đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ, trên những vùng đất miền núi, biên giới, hải đảo Quảng Ninh. 


Việt Hoa

Nguồn: https://baoquangninh.vn/he-sinh-thai-san-xuat-cua-dong-bao-vung-cao-3356129.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm