Mô hình liên kết trong chăn nuôi gà tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân).
Với việc triển khai nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Thọ Xuân, ngành chăn nuôi đang phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, công nghệ cao, chăn nuôi trang trại có áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Đến nay, toàn huyện có 33 trang trại chăn nuôi thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, như: Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam...
Gần chục năm nay, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã liên kết với nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân hình thành các mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Vũ Thị Huyền, xã Xuân Minh. Từ năm 2019, sau khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, chị Huyền đã đầu tư 5 dãy chuồng chăn nuôi gà theo hướng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm với tổng đàn 2 vạn con/lứa. Chị Huyền cho biết: “Tham gia liên kết chăn nuôi gà, gia đình được Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam hỗ trợ đầu tư hệ thống máng ăn, máng nước tự động, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và được cung cứng con giống, thức ăn theo hình thức trả chậm. Trước đây, khi chăn nuôi gia trại nhỏ lẻ, chỉ đến khi nào vật nuôi mắc bệnh tôi mới mua thuốc về điều trị. Còn khi chăn nuôi liên kết, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh được thực hiện đầy đủ, thức ăn cho vật nuôi cũng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. Do có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ con giống, nguồn thức ăn cũng như tiêm phòng dịch bệnh nên đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Từ thực tế cho thấy, chăn nuôi theo hình thức chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với chăn nuôi truyền thống. Không chỉ có sự quản lý chặt chẽ từ con giống, dịch bệnh đến khi xuất chuồng, chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, tăng tính cạnh tranh và bám sát nhu cầu thị trường của sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, như: Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam liên kết gia công 92 trang trại lợn, 42 trang trại gia cầm; Công ty TNHH CJ FOODS Việt Nam vận hành 18 trang trại lợn; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam vận hành 4 trang trại lợn, 125 trang trại gia cầm; Công ty CP Tập đoàn Mavin vận hành 4 trang trại lợn; Công ty TNHH Nông nghiệp GOLDEN GOAT vận hành 45 trang trại gia cầm; Công ty TNHH Green Chiken vận hành 18 trang trại gia cầm; Công ty CP Nông sản Phú Gia vận hành 8 trang trại gia cầm, 3 trang trại lợn... Việc liên kết với các công ty chăn nuôi lớn đã giúp các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có thu nhập cao nhờ những cam kết về quản lý rủi ro dịch bệnh và đảm bảo đầu ra ổn định.
Theo tìm hiểu được biết, khi chăn nuôi theo chuỗi liên kết, doanh nghiệp là đơn vị cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận kinh phí theo hợp đồng. Điều khiến người dân yên tâm nhất chính là hạn chế được rủi ro trong chăn nuôi, không lo về đầu ra, chất lượng con giống cũng như dịch bệnh...
Thông qua thực hiện các mô hình liên kết đã đào tạo được một bộ phận nông dân có kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thay đổi cách nghĩ, nếp làm từ sản xuất tự phát, lạm dụng sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trôi nổi, có chứa các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sang thực hành sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Các chi phí về điện, việc phòng, chống dịch bệnh đều giảm do kiểm soát tốt nguồn nước, thức ăn, chất lượng con giống và chất thải; lượng nước sạch giảm 70 - 80% do không phải tắm cho lợn. Nhờ chi phí đầu vào giảm nên thu nhập của người chăn nuôi tăng; môi trường chăn nuôi cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, lợn, gà nuôi trên nền đệm lót sinh học luôn khỏe mạnh, lớn đồng đều, thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh nên bán được giá và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Việc tham gia các mô hình liên kết trong chăn nuôi đã khẳng định những ưu điểm vượt trội so với các phương thức sản xuất, chăn nuôi truyền thống. Do vậy, Sở NN&MT, các địa phương đang tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân áp dụng các mô hình này. Qua đó, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp an toàn, bền vững trong điều kiện hiện nay.
Bài và ảnh: Khánh Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hieu-qua-cac-chuoi-lien-ket-trong-chan-nuoi-245909.htm
Bình luận (0)