Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, việc xác lập hai loại tài sản này làm tài sản bảo đảm vẫn chưa được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Bài viết của TS. Lê Thị Giang (Trường Đại học Luật Hà Nội) đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 7, tháng 4/2025 đã phân tích về thực trạng pháp lý liên quan đến tài sản số và tín chỉ carbon hiện nay, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này.
Tài sản số được hiểu là loại tài sản tồn tại dưới dạng kỹ thuật số, có thể bao gồm tiền điện tử (Bitcoin, Ethereum…), token (chứng khoán, tiện ích…), NFT, phần mềm, dữ liệu lớn (Big Data)... Đây là những tài sản vô hình, có thể giao dịch dễ dàng, minh bạch nhờ công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cũng đã đưa ra định nghĩa: Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng Blockchain, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận phát thải hoặc hạn ngạch phát thải…, cho phép một chủ thể thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc carbon dioxide tương đương (CO2tđ). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một tấn CO2tđ.
Mặc dù được đề cập ngày càng nhiều, song cả tài sản số và tín chỉ carbon vẫn chưa được thừa nhận rõ ràng là tài sản bảo đảm trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2015 hay Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Việc thiếu khung pháp lý cụ thể khiến các ngân hàng e ngại trong việc chấp nhận các loại tài sản này làm tài sản thế chấp. Hiện nay, các quy định về tài sản bảo đảm mới chủ yếu áp dụng cho tài sản hữu hình hoặc tài sản truyền thống như bất động sản, xe cộ, cổ phiếu...
Trong bài viết, TS. Lê Thị Giang đã đưa ra một số kiến nghị sớm hoàn thiện pháp luật theo hướng: (i) Công nhận tài sản số và tín chỉ carbon là tài sản trong Bộ luật Dân sự để làm cơ sở xác lập các giao dịch bảo đảm; (ii) Xây dựng định nghĩa rõ ràng và cụ thể về tài sản số và tín chỉ carbon trong hệ thống pháp luật; (iii) Bổ sung các quy định về tài sản bảo đảm là tài sản số và tín chỉ carbon trong Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, xác định loại giao dịch phù hợp (ví dụ: Thế chấp, ký quỹ), quy trình xử lý, định giá, lưu trữ và giám sát tài sản vô hình; (iv) Tăng cường hệ thống quản lý, giám sát, định giá và bảo vệ quyền sở hữu các loại tài sản này nhằm tạo sự an tâm cho các chủ thể khi tham gia giao dịch.
Việc thừa nhận tài sản số và tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm không chỉ giúp mở rộng nguồn tài sản thế chấp trong các giao dịch tài chính, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và kinh tế xanh. Pháp luật dân sự Việt Nam cần có những bước điều chỉnh phù hợp để bắt kịp xu hướng quốc tế và tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Cùng với việc đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 7, tháng 4/2025, bài viết của TS. Lê Thị Giang sẽ được đăng trên phiên bản tiếng Anh của Tạp chí Ngân hàng số đầu tiên phát hành vào đầu tháng 5 tới. Mời bạn đọc đón đọc.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-tai-san-bao-dam-la-tai-san-so-tin-chi-carbon-162953.html
Bình luận (0)