Xin bà cho biết, Chính phủ Anh đã có những cam kết gì nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tài chính?
Thời gian qua, Chính phủ Anh đã và đang tích cực tham gia hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ tài chính của Việt Nam với nhiều sáng kiến, chương trình khác nhau. Cụ thể, Chính phủ Anh hỗ trợ Việt Nam trong việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng thông qua việc đưa các chuyên gia giàu kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn từ Vương quốc Anh tới Việt Nam để chia sẻ về những vấn đề này.
Gần đây nhất là sự kiện Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đến thăm Anh để thảo luận, trao đổi về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (tháng 3/2025). Những trung tâm tài chính này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam.
Đặc biệt, thông qua Chương trình Cổng Tăng trưởng (Growth Gateway Programme), Vương quốc Anh đã thực hiện dự án với các ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ (fintech) từ Việt Nam và Anh để tìm ra giải pháp thu hẹp khoảng cách tài chính thương mại ở Việt Nam. Dự án này do Lãnh sự Anh và Boston Consulting Group đồng tổ chức đã thảo luận về nền tảng dữ liệu tài trợ thương mại (Trade Finance Registry - TFR). Đây là sự kiện quan trọng hằng năm, tập trung vào thúc đẩy hợp tác thương mại trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á.
Qua đây, các chuyên gia hai nước đã thảo luận về những thách thức và cơ hội trong tài chính thương mại của Việt Nam và TFR như một giải pháp tiềm năng. Sau đó, hơn 10 ngân hàng ở Việt Nam và 4 fintech của Anh đã đưa ra các giải pháp thực tế trên toàn chuỗi giá trị TFR. Nỗ lực hợp tác này nhấn mạnh mối quan hệ song phương mạnh mẽ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, cũng như cam kết chung của chúng tôi trong việc thúc đẩy tích hợp tài chính và chuyển đổi số.
Bà đánh giá nền tảng dữ liệu tài trợ thương mại đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam hiện nay?
Trước tiên có thể khẳng định, nền tảng dữ liệu tài trợ thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch tài chính thương mại, giảm gian lận, đặc biệt là gian lận tài chính trùng lặp (duplicate financing fraud) và tài liệu giả mạo (forged documents), cũng như đơn giản hóa các quy trình tài chính thương mại ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, TFR có thể đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ hệ thống ngân hàng tại Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng thương mại có trách nhiệm. Hơn nữa, TFR sẽ mang tính xúc tác. Bằng cách thiết lập cơ sở hạ tầng chung, TFR kết nối các ngân hàng với một nền tảng chung và mở khóa sự đổi mới trong tài chính thương mại số. Việt Nam đang đứng ở một ngã rẽ chuyển đổi trong cảnh quan tài chính và thương mại của mình.
Với khoảng 700 tỷ USD trong thương mại quốc tế, Việt Nam nổi lên như một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất ASEAN. Để duy trì động lực tăng trưởng này, Việt Nam phải tiếp tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tài chính của mình, đảm bảo rằng các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ được xem là “xương sống” của nền kinh tế có thể tham gia đầy đủ vào thị trường toàn cầu.
Một thách thức đáng kể nằm ở thiếu hụt về tài chính thương mại (trade finance gap) của Việt Nam lên đến 90 tỷ USD, chiếm một phần tư tổng thiếu hụt của ASEAN. Giải quyết khoảng thiếu hụt này không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là ưu tiên chiến lược. Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tài chính toàn diện, khả năng phục hồi kinh tế và chuyển đổi số để tạo ra một hệ sinh thái tài chính - ngân hàng minh bạch, hiệu quả và tích hợp toàn cầu hơn. Trong khi đó, các tổ chức tài chính của Việt Nam đang nỗ lực chuyển sang các giải pháp sáng tạo để thu hẹp khoảng cách này.
Là một nước dẫn đầu trong dịch vụ tài chính trên thế giới, Vương quốc Anh có vị thế vượt trội để hỗ trợ những nỗ lực này của Việt Nam, cung cấp kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực tài chính như số hóa tài liệu, đánh giá rủi ro dựa trên AI, xác minh danh tính số và các giải pháp tài chính thương mại dựa trên nền tảng blockchain. Đây là cơ sở chắc chắn để Chính phủ Anh có thể đồng hành, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong bước tiến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.
Vậy, muốn xây dựng và triển khai nền tảng dữ liệu tài trợ thương mại hiệu quả, Việt Nam cần chú trọng những gì, thưa bà?
Các nền tảng được hoạt động hiệu quả từ các thị trường khác đã chứng minh khả năng của TFR trong việc phát hiện tài chính trùng lặp, xác thực tài liệu và hỗ trợ các luồng thương mại từ đầu đến cuối. Với sự tiêu chuẩn hóa và điều chỉnh quy định phù hợp, các giải pháp này có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu cụ thể của Việt Nam. Song quan trọng nhất, đó là sự đồng thuận mạnh mẽ về nhu cầu tiếp tục tham gia và hợp tác trong dự án TFR này. Nhất là khi các ngân hàng hàng đầu cam kết phát triển thêm nền tảng dữ liệu tài trợ thương mại và triển khai một cách hiệu quả. Điều này sẽ mở đường cho một cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoặc làm chương trình thí điểm, cho phép các bên liên quan thử nghiệm TFR trong thực tế và đảm bảo tính phù hợp trước khi được triển khai rộng rãi.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự chỉ đạo và điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng với sự tham gia của các ngân hàng thương mại hàng đầu cả trong và ngoài nước là rất cần thiết cho việc triển khai TFR một cách thuận lợi, suôn sẻ. Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, càng nhiều ngân hàng tham gia vào dự án, TFR sẽ càng thành công. Với tình hình thương mại toàn cầu nhiều biến động như hiện nay, sự hỗ trợ của Chính phủ Anh đối với lĩnh vực tài chính của Việt Nam đóng vai trò thúc đẩy, khẳng định vị thế là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam và tăng cường mối quan hệ song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong những thời điểm nhiều biến động như hiện nay.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nen-tang-du-lieu-tai-tro-thuong-mai-cong-cu-dac-luc-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-162989.html
Bình luận (0)