Tham vọng "chấn hưng" của Tổng thống Trump
Năm 1970, hơn 25% lực lượng lao động Mỹ làm việc trong lĩnh vực sản xuất. Hiện tại, con số này chỉ là 8%. Kể từ khi quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra nhiều đòn thuế quan và cho thấy tham vọng "chấn hưng" ngành sản xuất của Mỹ.
"Trong nhiều năm, chúng ta đã bị gần như mọi quốc gia trên thế giới qua mặt", Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. Ông cũng đề cập đến sự phụ thuộc nặng nề của Mỹ vào hàng nhập khẩu và mức thâm hụt thương mại hàng hóa 1.200 tỷ USD trong năm 2024.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới (Ảnh: Reuters).
Hôm 9/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày mà ông đã công bố vào tuần trước, trong khi vẫn duy trì mức thuế cơ bản 10% trên toàn diện. Tuy nhiên, Trung Quốc là trường hợp ngoại lệ khi chính quyền Mỹ tăng thuế đối ứng với nước này lên mức cao chưa từng có trong lịch sử.
Tuy nhiên, ngày 17/4, ông Trump lại phát tín hiệu rằng Mỹ muốn chấm dứt cuộc chiến nâng thuế trả đũa với Trung Quốc vài tháng qua. "Tôi không muốn thuế lên cao nữa, vì đến một mức nào đó, nó sẽ khiến mọi người ngừng mua hàng. Tôi có thể còn muốn giảm xuống, để người dân tiếp tục chi tiêu", ông Trump cho biết trước báo giới tại Nhà Trắng.
Giới phân tích cho rằng đây là tín hiệu Mỹ muốn chấm dứt cuộc chiến nâng thuế trả đũa với Trung Quốc vài tháng qua. Từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ đã 3 lần công bố áp thuế nhập khẩu bổ sung với Trung Quốc, riêng thuế đối ứng được nâng lên 2 lần chỉ trong vài ngày. Hiện tổng thuế nhập khẩu Mỹ áp với Trung Quốc trong nhiệm kỳ ông Trump là 145% với toàn bộ sản phẩm và 245% với một số mặt hàng.
Sau mỗi lần Washington công bố áp thuế, Bắc Kinh đều tung chính sách đáp trả, gồm áp thuế nhập khẩu ở mức tương đương, siết xuất khẩu nhiều kim loại quan trọng và đưa các doanh nghiệp Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin hoặc hạn chế xuất khẩu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng loạt thuế nhập khẩu mới sẽ đảo ngược xu hướng suy giảm đã kéo dài hàng thập kỷ này. Tuy nhiên, việc khôi phục những thị trấn công nghiệp và dây chuyền lắp ráp từng định hình nước Mỹ cách đây 50 năm có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện tại.
"Công nhân thép, ô tô, nông dân và thợ thủ công lành nghề tại Mỹ đã phải chứng kiến người nước ngoài lấy đi việc làm và nhà máy của chúng ta", ông Trump cho biết trong một sự kiện tại Nhà Trắng.
Thời thế đổi thay
Sau tuyên bố áp thuế của ông Trump, một số tập đoàn lớn cho biết sẽ đặt nhà máy hoặc dây chuyền sản xuất mới tại Mỹ. Cụ thể, mới đây, Hyundai đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy thép trị giá 5,8 tỷ USD tại Louisiana để cung cấp cho các nhà máy ô tô của hãng tại Alabama và Georgia, Mỹ.
Chia sẻ với Reuters, Honda cho biết sẽ sản xuất mẫu Civic hybrid thế hệ tiếp theo tại Indiana thay vì Mexico để tránh thuế quan đối với một trong những mẫu xe bán chạy nhất của hãng.
Apple cũng cho biết họ sẽ tuyển thêm 20.000 nhân viên và sản xuất máy chủ AI tại Mỹ nhằm tìm kiếm sự miễn giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các công ty khác như Volvo Cars, Audi của Volkswagen và Mercedes-Benz cũng đã tuyên bố sẽ chuyển một phần sản xuất sang Mỹ trong năm nay.

Một số tập đoàn lớn cho biết sẽ đặt nhà máy hoặc dây chuyền sản xuất mới tại Mỹ (Ảnh: Reuters).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc các nhà sản xuất có nhà máy ở nước ngoài chuyển chuỗi cung ứng về Mỹ do mức thuế mới là điều khó xảy ra trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động. Ngay cả khi có doanh nghiệp lựa chọn phương án này, họ sẽ phải đối mặt với thách thức lớn là tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề một cách nghiêm trọng.
Một số CEO vẫn tỏ ra dè dặt khi đưa ra quyết định kinh doanh dài hạn dựa trên một chính sách có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn. "Nếu các mức thuế này trở thành vĩnh viễn, thì sẽ có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc, như đặt nhà máy ở đâu, có nên di dời không", ông Paul Jacobson, Giám đốc tài chính của General Motors, nói với các nhà đầu tư vào tháng trước.
"Đây là những câu hỏi mà hiện tại chưa có câu trả lời. Khi thị trường đang tính đến tác động lớn của thuế quan và lợi nhuận bị mất, hãy thử tưởng tượng một thế giới mà chúng ta đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, rồi chính sách này kết thúc. Chúng ta không thể cứ xoay chuyển doanh nghiệp qua lại liên tục như vậy", ông nói thêm.
Bài toán thất nghiệp liệu có thể tìm được lời giải?
Cách đây 6 năm, CEO LVMH Bernard Arnault cùng Tổng thống Trump cắt băng khánh thành nhà máy ở Texas, chuyên sản xuất túi xách cho thương hiệu hàng xa xỉ Louis Vuitton.
Tuy nhiên, từ sau lễ khai trương đình đám, nhà máy này liên tiếp gặp vấn đề về sản xuất, Reuters trích lời các cựu nhân viên Louis Vuitton cho biết. Theo thống kê của Louis Vuitton toàn cầu, cơ sở này luôn nằm trong nhóm thấp nhất về sản lượng do thiếu thợ lành nghề đạt tiêu chuẩn của hãng.
Việc này cho thấy thách thức không chỉ với LVMH mà còn cả doanh nghiệp khác muốn mở nhà máy tại Mỹ để tránh bị áp thuế nhập khẩu.
Theo nhận định của các nhà kinh tế, ngay cả khi một số lượng lớn công ty chuyển đến Mỹ, số việc làm được tạo ra cũng sẽ tương đối ít và có thể bị mất đi nhiều hơn nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các nghiên cứu chỉ ra rằng thuế quan của ông đã khiến nhiều ngành công nghiệp phải trả thuế cao hơn, dẫn đến mất nhiều việc làm hơn so với số việc làm được tạo ra trong các ngành được bảo hộ.
"Chiến lược này sẽ không thành công trong việc khôi phục ngành sản xuất của Mỹ", ông Michael Strain, Giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), nhận định trong 1 báo cáo.

Tổng thống Trump và CEO LVMH Bernard Arnault tại nhà máy ở Texas năm 2019 (Ảnh: WWD).
Còn theo ông Panos Kouvelis, giáo sư về chuỗi cung ứng tại Đại học Washington, chính sách mới ít nhất đã khiến một số hãng xe sẽ tăng cường sản xuất tại Mỹ và mua thép, nhôm từ các nhà cung cấp trong nước để tránh thuế quan.
Một số hãng xe có thể điều chỉnh dễ dàng hơn vì họ có dư thừa công suất và chuỗi cung ứng xe điện vẫn đang trong giai đoạn hình thành, giúp việc tái cấu trúc trở nên thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo ông Robert Lawrence, giáo sư về thương mại quốc tế và đầu tư tại Trường Harvard Kennedy, hầu hết các hãng xe có thể sẽ chần chừ và theo dõi cách các mức thuế này thay đổi trong thời gian dài nhất có thể.
Bên cạnh ngành ô tô, nhiều ngành sản xuất khác cũng đang dè dặt với vấn đề quay trở lại Mỹ. EVCO, một công ty sản xuất linh kiện nhựa có trụ sở tại Wisconsin, đã phải chịu mức thuế cao đối với các sản phẩm khuôn mẫu của họ dùng cho tàu thuyền, xe địa hình và các thiết bị thể thao ngoài trời được sản xuất tại Trung Quốc.
"Thật ngây thơ khi nghĩ rằng việc di dời sản xuất đơn giản như vậy - rằng chúng ta có thể đặt nhà máy ở bất cứ đâu" bà Anna Bartz, Phó chủ tịch truyền thông của công ty nói với báo chí.
Ngay cả khi tính đến thuế quan, việc chuyển sản xuất về Mỹ cũng rất khó khăn, theo bà Bartz. Chi phí lao động tại Mỹ cao hơn đáng kể so với Trung Quốc. Ngoài ra, công ty sẽ phải mất 12-15 triệu USD và khoảng 1 năm để xây dựng một nhà máy mới tại Mỹ, cộng thêm 1 năm nữa để chứng nhận một số thiết bị sản xuất. Chính vì vậy, nhiều công ty đang cân nhắc chuyển sản xuất sang Mỹ, Canada hoặc Mexico thay vì chỉ riêng Mỹ.
Liệu ông Trump có thể hồi sinh ngành sản xuất Mỹ?
Ông Peter Navarro, cố vấn cấp cao Nhà Trắng và là một trong những kiến trúc sư của kế hoạch thuế nhập khẩu, cho biết mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là "lấp đầy những nhà máy đang bỏ trống một nửa".
Tuy nhiên, nước Mỹ ngày nay đã khác rất nhiều so với 50 năm trước. Thay vì phụ thuộc vào hàng triệu công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp, các nhà máy hiện đại giờ đây chủ yếu được tự động hóa, với robot đảm nhận phần lớn công việc thay cho con người.
Điều này đồng nghĩa rằng những nhà máy mới xây hoặc tái khởi động sẽ cần ít nhân công hơn, nhưng lại đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề cao và kỹ năng chuyên môn hóa sâu hơn.
"Công việc trong ngành sản xuất đã thay đổi rất nhiều. Số lượng nhân công cần thiết cũng thay đổi đáng kể", bà Carolyn Lee, Giám đốc Viện Sản xuất (MI) thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ, nhận định với CNN.

Lao động Mỹ hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu của ngành sản xuất hiện đại (Ảnh: Reuters).
Ông Olaf Groth, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California, đồng ý với nỗ lực đưa sản xuất quay trở lại Mỹ. Tuy nhiên, nước này sẽ phải nâng cấp kỹ năng lao động từ trung bình lên trình độ cao hơn. "Lao động Mỹ hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu của ngành sản xuất hiện đại", ông nhận định trong báo cáo.
Bên cạnh đó, việc áp thuế nhập khẩu với mục đích đưa sản xuất về Mỹ có thể gây tổn thương cho chính các công nhân, đối tượng mà chính quyền Tổng thống Trump cam kết bảo vệ. Thuế tăng sẽ kéo giá hàng hóa lên cao.
"Thuế nhập khẩu thực chất là một dạng thuế đánh vào người tiêu dùng và người bán hàng trong nước, chứ không phải các hãng sản xuất nước ngoài", JPMorgan nhận định trong báo cáo tháng 2.
Vì thế, chính sách thuế của ông Trump có thể chỉ là một phần nỗ lực trong quá trình hồi sinh ngành sản xuất Mỹ. Các chuyên gia cho rằng nếu thuế nhập khẩu thực sự khuyến khích được doanh nghiệp mở rộng năng lực sản xuất trong nước, thách thức tiếp theo sẽ là đào tạo lực lượng lao động Mỹ phù hợp với ngành sản xuất hiện đại và khiến họ hào hứng làm điều này.
Ngoài thách thức về kỹ năng, việc thay đổi chuỗi cung ứng còn gặp nhiều rào cản vì đây là quá trình tốn kém và cần nhiều thời gian, đặc biệt với các ngành công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tùy vào từng ngành, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lại có những ràng buộc khác nhau, từ nguyên liệu đầu vào, cơ sở hạ tầng, chất lượng và chi phí lao động đến chính sách của nước sở tại.
Các chuyên gia vẫn hoài nghi về hiệu quả dài hạn của chính sách thuế quan mới. Trong khi một số công ty đang thực hiện các bước đi để thích nghi với thuế quan, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cam kết đầu tư lớn cho một chính sách dễ dàng bị thay đổi.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/giac-mo-hoi-sinh-nganh-san-xuat-my-cua-ong-trump-lieu-co-thanh-hien-thuc-20250414224300988.htm
Bình luận (0)