Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chị Út Tịch phim "Mẹ vắng nhà": Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên

(Dân trí) - Hơn 4 thập kỷ sau vai diễn để đời - chị Út Tịch trong phim "Mẹ vắng nhà" - NSƯT Ngọc Thu có cuộc sống bình dị và lặng lẽ.

Báo Dân tríBáo Dân trí22/04/2025


nsutngocthu-39-1745276855257.webp

Một buổi sáng tháng Tư dịu mát, chúng tôi đến gặp NSƯT Ngọc Thu tại nhà riêng trong con ngõ nhỏ ở Hoàng Mai. Căn nhà khang trang với rất nhiều cây cảnh, loài hoa khoe sắc trước hiên. 

Bước vào nhà, ngay từ không gian bên ngoài phòng khách, bà treo những bức ảnh ngày xưa. Bất chợt, ánh mắt tôi dừng lại ở tấm hình đen trắng quen thuộc - chị Út Tịch kiên cường trong phim Mẹ vắng nhà - vai diễn đã khắc sâu tên tuổi Ngọc Thu trong lòng bao thế hệ khán giả.

Khi chúng tôi đến, tiếng xào nấu nhẹ nhàng vọng ra từ gian bếp, nơi người nghệ sĩ tài hoa đang tỉ mỉ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.

Sau những công việc đời thường ấy, bà dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện cởi mở và chân tình. Ngọc Thu lần đầu kể ký ức khó quên thời đóng phim Mẹ vắng nhà, những năm tháng làm phim gian khổ nhưng đầy hào hứng. Bà chia sẻ về hôn nhân với NSND Bùi Bài Bình và cuộc sống hiện tại - khi gần bước sang tuổi 70. 

Ký ức chị Út Tịch "Mẹ vắng nhà" và tuổi thơ gia đình sơ tán

NSƯT Ngọc Thu sinh năm 1956, khởi đầu sự nghiệp diễn xuất với vai Thoa - người vợ liệt sĩ - trong bộ phim nhựa Bức tường không xây của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi. Một tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao vào thời điểm đó.

Xuất thân là cô gái Hà Nội gốc, được xem là tiểu thư, đài các, ít chịu vất vả hay dãi nắng dầm sương, Ngọc Thu lại thường hóa thân vào những nhân vật nghèo khó, thậm chí bất hạnh. Nhân vật của bà hiếm khi được khoác lên mình những bộ trang phục giàu sang, ít khi nở nụ cười và lời thoại cũng không nhiều.

Có lẽ, chính những vai diễn ấy đã in dấu sâu đậm vào cuộc sống thường nhật của bà. Ngọc Thu luôn giữ cho mình vẻ trầm tĩnh, điềm đạm, giọng nói lúc nào cũng nhẹ nhàng.

Ấn tượng ban đầu về nữ nghệ sĩ có thể là một người phụ nữ khó gần, nhưng khi tiếp xúc, người đối diện sẽ cảm nhận rõ sự ấm áp và dễ chịu...

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 1nsutngocthu-32-1745261665217.webp

nsutngocthu-40-1745278924890.webp

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 2Những bức ảnh thời trẻ được NSƯT Ngọc Thu lưu giữ cẩn thận trong cuốn album cá nhân. 

Nói về sự nghiệp diễn xuất của mình, NSƯT Ngọc Thu bảo không nhiều nhưng vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho Mẹ vắng nhà của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư.

Bộ phim lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh Việt thời kỳ đầu.

Mẹ vắng nhà từng giành Giải Bông Sen Vàng cho phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5, giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary 1980.

Hơn 4 thập kỷ trôi qua, Mẹ vắng nhà vẫn luôn được nhắc đến như một dấu mốc vàng son của điện ảnh cách mạng. Còn chị Út Tịch đã trở thành vai diễn để đời của NSƯT Ngọc Thu.

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 3nsutngocthu-7-1745260638754.webp

"Chị Út Tịch" Ngọc Thu trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

Nhẹ nhàng nhấp một ngụm trà rồi nữ nghệ sĩ vui vẻ nói: "Mỗi năm, tôi vẫn trả lời phỏng vấn về Mẹ vắng nhà, dù trong đoàn phim năm xưa giờ chỉ còn mình tôi. Đó là cách tôi tri ân tác phẩm và đồng nghiệp".

Ngược dòng thời gian, nhớ lại thời điểm năm 1979, Ngọc Thu kể, bà bất ngờ được trao vai Út Tịch khi vừa bước qua tuổi đôi mươi, chỉ mới tốt nghiệp vài năm và còn chưa lập gia đình.

Dù chưa từng trải qua cảm giác làm mẹ, Ngọc Thu vẫn nhận vai chị Út Tịch với tất cả bản lĩnh của một diễn viên chuyên nghiệp. Và điều kỳ diệu khiến bà cảm thấu và nhập vai một cách sâu sắc lại bắt nguồn từ những ký ức sâu thẳm của tuổi thơ.

"Những năm tháng chiến tranh, gia đình tôi phải rời Hà Nội đi sơ tán. Chính quãng thời gian đó đã giúp tôi phần nào thấu hiểu nỗi lòng của Út Tịch.

Việc chăm sóc 5 đứa em thơ dại, sống xa vòng tay bố mẹ đã cho tôi một sự đồng cảm kỳ lạ với vai diễn người mẹ này, khiến nhân vật trở nên gần gũi với mình hơn bao giờ hết", bà nhớ lại. 

Thêm vào đó, để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, NSƯT Ngọc Thu đã dành thời gian tìm hiểu sâu sắc về nguyên mẫu Út Tịch ngoài đời.

Đoàn làm phim đã tạo điều kiện đưa bà về Cầu Kè - mảnh đất quê hương của nữ anh hùng - để trực tiếp lắng nghe những hồi ức, những câu chuyện chân thực từ chính người dân địa phương, và xem hình ảnh tư liệu quý giá còn được lưu giữ.

Để rồi, điều khắc sâu trong tâm trí Ngọc Thu về nữ anh hùng Út Tịch chính là "gương mặt kiên nghị và đôi mắt sắc sảo đầy bản lĩnh của bà".

Nhận thấy sự tương đồng về ngoại hình, Ngọc Thu đồng thời cảm nhận được nét rắn rỏi, mạnh mẽ hơn hẳn trên gương mặt nhân vật so với chính mình - một điểm mà nữ nghệ sĩ đã khéo léo khai thác - để thể hiện rõ khí chất kiên cường của Út Tịch.

Bà còn học thêm từ tác phẩm Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi. Câu văn "còn cái lai quần cũng đánh" trong truyện đã trở thành tinh thần chủ đạo mà Ngọc Thu đưa vào vai diễn. Không phải bằng hành động mạnh mẽ, mà qua ánh mắt kiên định và tình cảm sâu sắc của một người mẹ trong khói lửa chiến tranh.

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 4nsutngocthu-4-1745260603885.webp

Ngọc Thu cho biết, những ngày sống xa bố mẹ, chăm sóc 5 em nhỏ đã giúp bà hiểu và đồng cảm với nhân vật Út Tịch trong phim.

Những năm tháng đóng phim gian khổ nhưng vẫn vui

Ngọc Thu kể rằng, bộ phim Mẹ vắng nhà được thực hiện ngay sau những năm tháng kháng chiến ác liệt, trong suốt 3 tháng tại Cầu Kè. Bà chia sẻ: "Điều kiện làm phim thời bấy giờ vô cùng gian khó: Cả đoàn phải tá túc tại nhà dân, đêm ngủ ở hội trường ủy ban.

Kinh phí eo hẹp, chỉ vỏn vẹn vài chục nghìn, cả đoàn mang tem gạo để có cơm. Dẫu cát-xê ít ỏi, chỉ tính vài đồng mỗi mét phim, không một ai than vãn. Tất cả đều đồng lòng, dồn hết tâm huyết để tạo nên một tác phẩm điện ảnh chất lượng".

Một trong những ký ức day dứt và ám ảnh nhất với Ngọc Thu trong suốt quá trình làm phim chính là cảnh quay con bò bị thiêu cháy. Theo nữ nghệ sĩ, phân cảnh này được dàn dựng một cách công phu nhằm lột tả sự tàn khốc của chiến tranh.

"Đoàn làm phim đã mua một con bò, nuôi nhốt ở khu bếp ăn vài ngày, sau đó buộc quả nổ và đổ dầu để tạo hiệu ứng cháy.

Khi máy quay bắt đầu, con bò hoảng loạn chạy đúng vào vị trí đã định, khoảnh khắc ấy khiến cả đoàn lặng đi, nghẹn lại. Dù biết đó chỉ là kỹ xảo, cảnh tượng này vẫn khiến tôi không kìm được nước mắt.

Nó như một lời cảnh tỉnh, một vết thương nhức nhối về sự khốc liệt mà chiến tranh đã gieo rắc lên những làng quê vốn thanh bình", NSƯT Ngọc Thu kể lại, giọng vẫn còn nguyên vẹn sự xúc động.

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 5nsutngocthu-9-1745261289499.webp

Mỗi khi xem lại, tôi không kìm được nước mắt trước hình ảnh người mẹ vừa nở nụ cười tươi tắn đã phải vội vã ra trận".

NSƯT Ngọc Thu

Nhắc đến cảnh chị Út Tịch cho con bú, đó quả thực là một thử thách không nhỏ đối với NSƯT Ngọc Thu - một cô gái trẻ chưa lập gia đình - vào thời điểm đó.

Bà bộc bạch: "Với đoàn làm phim đông đảo và sự hiếu kỳ của dân làng vây quanh, tôi không khỏi ngượng ngùng khi phải thực hiện cảnh vén áo, dù mọi thứ đều nằm trong giới hạn cho phép".

Thế nhưng, vượt lên trên sự e ngại ban đầu, NSƯT Ngọc Thu đã dồn hết tâm trí để thể hiện sâu sắc hình ảnh của người mẹ trong cảnh chiến tranh khốc liệt.

Chính sự tập trung cao độ và cảm xúc chân thật ấy đã giúp bà truyền tải trọn vẹn đến khán giả sự hy sinh cao cả và tình mẫu tử thiêng liêng của nhân vật Út Tịch.

Trong ký ức của NSƯT Ngọc Thu, chiến tranh trong phim không hiện lên bằng tiếng bom đạn, mà bởi sự chia ly lặng lẽ.

"Bộ phim không có cảnh bom đạn, nhưng sự khốc liệt của chiến tranh lại hiển hiện qua những giấc mơ đầy ám ảnh của trẻ thơ và nỗi đau xé lòng của người mẹ. Mỗi tiếng súng vang lên là một lần Út Tịch phải rời xa con, vừa trở về đã phải đi.

Mỗi khi xem lại, tôi không kìm được nước mắt trước hình ảnh người mẹ vừa nở nụ cười tươi tắn đã phải vội vã ra trận. Chính sự lặng lẽ ấy đã khắc họa một cách sâu sắc nỗi đau chia cắt, ly biệt", Ngọc Thu ngậm ngùi.

Dù tuổi đời còn trẻ và phải xa gia đình suốt 3 tháng để quay phim, NSƯT Ngọc Thu không hề cảm thấy cô đơn, ngược lại, tràn đầy sự háo hức.

Bà tâm sự: "Mới ra trường, được làm phim ở miền Tây là niềm vui lớn với tôi. Cả đoàn rất đoàn kết, cùng vượt khó. Lần đầu đến với vùng đất mới, tôi say mê tìm hiểu, khám phá văn hóa, phong tục. Sự phấn khởi của tuổi trẻ giúp tôi quên hết mệt mỏi".

NSƯT Ngọc Thu cũng gắn bó đặc biệt với 5 diễn viên nhí thủ vai các con của Út Tịch. "Các bé sống cùng đoàn, gọi tôi là má vì tôi hơn chục tuổi. Tôi chơi đùa, trò chuyện để các em thoải mái. Nhờ đạo diễn biến cảnh quay thành trò chơi, tụi nhỏ cũng diễn rất tự nhiên, tạo nên những khoảnh khắc cảm động mà chân thật", bà hào hứng kể.

Dù không phải là tác phẩm đầu tay, Mẹ vắng nhà đã trở thành cột mốc quan trọng, một dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp của NSƯT Ngọc Thu.

Vai diễn Út Tịch không chỉ mang đến danh tiếng mà còn dạy bà "cách nghiên cứu và sống trọn vẹn với nhân vật" - một bài học quý giá theo Ngọc Thu suốt chặng đường diễn xuất.

45 năm trôi qua, nữ nghệ sĩ vẫn không cảm thấy buồn lòng khi chưa có vai diễn nào vượt qua được cái bóng quá lớn của Út Tịch.

Bà bảo: "Một vai diễn được khán giả khắc ghi mãi mãi đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Tôi tự hào với đóng góp nhỏ bé của mình cho điện ảnh".

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 68.webp

Hơn 4 thập kỷ trôi qua, dù không có vai diễn nào vượt qua được cái bóng của chị Út Tịch, Ngọc Thu vẫn không cảm thấy buồn vì điều đó.

Hạnh phúc là được sống bình yên và làm điều mình thích

Trái ngược với hình ảnh người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trên màn ảnh, NSƯT Ngọc Thu ngoài đời rất lạc quan, hài hước và luôn "hạnh phúc theo cách riêng của mình".

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà năm xưa không chạy theo danh hiệu hay đỉnh cao nghề nghiệp mà luôn giữ cho mình một cuộc sống bình dị, đủ đầy. Nơi niềm vui đến từ sự trưởng thành của con cái và những năm tháng sẻ chia bên người bạn đời - NSND Bùi Bài Bình.

Hai người quen nhau từ thời còn là sinh viên Trường Điện ảnh Việt Nam. Khi ấy, nhà bà cách nhà ông chỉ một bến tàu điện. Tình yêu chớm nở từ những chuyến tàu đưa hai người cùng đến lớp - về nhà rồi lặng lẽ lớn lên qua từng năm tháng.

Sau 4 năm là bạn học và 2 năm đồng hành trong nghề, Ngọc Thu và Bùi Bài Bình quyết định nên duyên vợ chồng vào giữa năm 1981.

Nhớ lại những ngày tháng đầu hôn nhân với NSND Bùi Bài Bình, đất nước còn muôn vàn khó khăn, vợ chồng bà cũng có những lúc túng thiếu đến cùng cực.

"Có lần con ốm, tôi phải dẫn theo cô em gái lên địa điểm quay để trông nom. Tuổi thơ của con trai tôi vì thế cũng ít nhiều gắn với nghiệp diễn của bố mẹ.

Rồi lần khác, khi chuẩn bị đi làm phim mà trong người chỉ còn 20.000 đồng. Tôi phải để lại hết cho chồng và con ở nhà để chi tiêu trong những ngày mình vắng mặt", Ngọc Thu hồi tưởng.

Sau khi sinh con trai thứ 2, bà dần từ bỏ những vai diễn dài để dành thời gian cho gia đình. Bà nói: "Cả tôi và anh Bùi Bài Bình đều là diễn viên, thường xuyên xa nhà. Kinh tế khó, tôi mang con theo đoàn, nhưng con lớn cần tôi ở nhà. Tôi không coi đó là hy sinh, mà là thiên chức của người mẹ".

Sau đó, vì nghề diễn không đủ trang trải, Ngọc Thu quyết định mở một quán cà phê nhỏ tại nhà - lúc bấy giờ là trên phố Đoàn Trần Nghiệp - để cải thiện kinh tế.

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 7

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 89.webp

Ở tuổi xế chiều, NSƯT Ngọc Thu tận hưởng cuộc sống bình dị. 

Ngày ngày bà trông nom quán cà phê mong thu nhập đủ trang trải sinh hoạt, tiền chợ. Thỉnh thoảng, bà nhận những vai diễn ngắn và không phải di chuyển quá nhiều để thỏa mãn nỗi nhớ nghề.

So với sự kiên cường của chị Út Tịch trên màn ảnh, NSƯT Ngọc Thu ngoài đời tự nhận mình không mạnh mẽ bằng. "Út Tịch rời 5 con để chiến đấu, còn tôi xa con vài ngày đã đứt ruột", bà tâm sự.

Giờ đây, ở tuổi xế chiều - khi đã đi qua những năm tháng thăng trầm và nỗi lo của nghiệp diễn hay cơm, áo, gạo, tiền - NSƯT Ngọc Thu tận hưởng cuộc sống bình dị và an yên bên gia đình.

Bà chia sẻ: "Vào buổi sáng, tôi thường đi chợ và nấu một bữa ăn đủ cho cả ngày để có thêm thời gian thư giãn. Buổi chiều, tôi thích gặp gỡ bạn bè và cùng nhau uống cà phê, rảnh thì chăm sóc cây, hoa trong vườn nhà. Thỉnh thoảng, tôi cũng tự thưởng cho mình những chuyến du lịch đó đây".

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 910.webp

Nữ nghệ sĩ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.

Sau khi nghỉ hưu, Ngọc Thu từng nghĩ rằng, việc đóng phim sẽ trở nên khó khăn hơn do sức khỏe có phần hạn chế.

Tuy nhiên, vai diễn bà Mai trong bộ phim Hoa sữa về trong gió đã đến như một niềm vui bất ngờ, và bà đã nhận lời tham gia.

"Nghề diễn đã ăn sâu vào máu thịt của tôi, vì vậy, nếu có vai diễn phù hợp, tôi vẫn sẵn lòng cống hiến. Dù vậy, tôi cũng sẽ chọn lọc kỹ càng để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình", bà bày tỏ.

Chia sẻ về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, NSƯT Ngọc Thu cho rằng, không có gì cao siêu, chỉ là sự nhường nhịn, thấu hiểu và luôn nhìn vào những điểm tốt của nhau. Chính tình yêu và sự trân trọng dành cho nhau đã giúp họ vượt qua những khó khăn, giữ cho mái ấm gia đình êm ấm suốt bao năm tháng.

Khi nhắc đến danh hiệu NSND, bà nhẹ nhàng: "Ai cũng mong được công nhận, nhưng tôi không quá bận lòng. Niềm hạnh phúc lớn nhất là khán giả vẫn nhớ Út Tịch và trân trọng các vai diễn của tôi. Tình yêu của họ là phần thưởng quý giá nhất".

Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà: Tiểu thư Hà Thành, U70 cuộc sống bình yên - 1011.webp

NSƯT Ngọc Thu bên các con (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nguồn:https://dantri.com.vn/giai-tri/chi-ut-tich-phim-me-vang-nha-tieu-thu-ha-thanh-u70-cuoc-song-binh-yen-20250422030254228.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm