Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất nhiều chính sách then chốt cho đường sắt tốc độ cao

Bộ Xây dựng đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù, cùng với kế hoạch phát triển công nghiệp và đào tạo nhân lực, nhằm đảm bảo dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được triển khai hiệu quả.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng19/04/2025

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Kế hoạch này được ban hành nhằm cụ thể hóa các chính sách và giải pháp đã được Quốc hội thông qua. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện, đồng thời khơi thông các nguồn lực cần thiết cho dự án.

Kế hoạch mới cũng phân định rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm và tiến độ thực hiện công việc của các bộ, ngành và địa phương liên quan. Đây được xem là một bước đi cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai các quyết sách lớn của Nhà nước.

Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án được Quốc hội đã cho phép áp dụng.

Cụ thể, Bộ đề xuất xây dựng, ban hành Nghị định quy định về nội dung, yêu cầu về khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và các bước thiết kế triển khai sau thiết kế FEED, lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của dự án áp dụng thiết kế FEED.

Cùng đó hướng dẫn về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên tham gia thực hiện hợp đồng theo hình thức hợp đồng EPC (chủ đầu tư, nhà thầu/tổng thầu EPC, tư vấn giám sát); quy định chi tiết, hướng dẫn về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao.

Nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt.

Cùng với đó, Nghị định hướng dẫn thực hiện công tác phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ đối với các dự án đường sắt.

Một nội dung quan trọng khác được đề cập trong nghị định là hướng dẫn cụ thể về việc tạm sử dụng rừng và hoàn trả rừng trong quá trình thi công các công trình tạm phục vụ dự án đường sắt. Quy định này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến vấn đề bảo vệ môi trường song song với việc phát triển hạ tầng giao thông.

Bộ cũng đề xuất xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với các văn bản quy định pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất kế hoạch về phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nguồn nhân lực.

Theo đó, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó xác định rõ thực trạng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đảm bảo phù hợp định hướng và lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt đã trình Bộ Chính trị; xác định rõ các lĩnh vực công nghiệp đường sắt cần phát triển, lộ trình cụ thể đối với từng lĩnh vực như: xây dựng, phương tiện, vật tư, vật liệu chuyên ngành, điện động lực, hệ thống thông tin, tín hiệu, công nghiệp phụ trợ...

Xây dựng Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực đường sắt, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai công tác đào tạo theo kế hoạch. Nội dung đề án phải xác định nhu cầu đào tạo của các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bao gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước; Cơ quan, đơn vị quản lý dự án; Cơ quan, đơn vị thực hiện đầu tư, xây dựng; quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường sắt tốc độ cao và các chủ thể khác có nhu cầu đào tạo.

Bộ Xây dựng kiến nghị củng cố Ban Quản lý dự án chuyên ngành, giao nhiệm vụ tổ chức quản lý và thực hiện dự án một cách hiệu quả. Song song đó, việc tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được xem là bước đi chiến lược, tạo điều kiện để doanh nghiệp này phối hợp chặt chẽ và tham gia sâu rộng vào toàn bộ vòng đời dự án, từ khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công cho đến tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành và bảo trì hạ tầng sau khi hoàn thành.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/de-xuat-nhieu-chinh-sach-then-chot-cho-duong-sat-toc-do-cao-163040.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm