Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học Bác từ những câu chuyện nhỏ

Gần 20 năm qua, một người thuyết minh ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (H.Nam Đàn, Nghệ An) vẫn giữ lá thư của một vị khách đến thăm quê Bác gửi cho chị để cảm ơn vì sự truyền tải cảm xúc về cuộc đời Bác Hồ.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên19/05/2025

Nắng mưa vẫn sẵn lòng phục vụ

Sáng tháng 5, nắng đầu mùa bắt đầu gay gắt. Con đường dẫn về làng Sen và Hoàng Trù (xã Kim Liên, H.Nam Đàn, Nghệ An) trở nên nhộn nhịp hơn. Nhìn bãi giữ xe ken dày ô tô và từng đoàn người nối nhau vào thăm nhà Bác, những người tiếp đón ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên rất vui, dù phải vất vả hơn nhiều.

Học Bác từ những câu chuyện nhỏ- Ảnh 1.

Căn nhà gia đình Bác Hồ ở làng Sen, nơi Bác gắn bó từ năm 11 đến 16 tuổi

ẢNH: K.HOAN

"Chúng tôi thay mặt gia đình Bác để tiếp khách và rất vui khi thấy mọi người đều dành tình cảm chân thành, kính trọng, yêu quý gia đình Bác. Dù nắng hay mưa, chúng tôi đều sẵn lòng phục vụ và rất vui khi được đón tiếp bất cứ ai đến đây", chị Hoàng Thị Hoài Thu (38 tuổi), người thuyết minh ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, bày tỏ.

Chị Thu và chị Nguyễn Thị Hải (40 tuổi) được phân công phụ trách thuyết minh ở làng Sen, quê nội của Bác. Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên có các điểm đón khách miễn phí: quê nội, quê ngoại của Bác và khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác. Quê nội, nơi chàng trai Nguyễn Tất Thành gắn bó từ năm 11 đến 16 tuổi được phục dựng và đang lưu giữ căn nhà tranh bình dị, nép mình dưới rặng tre và hàng cau ở làng Sen. Bên trong căn nhà là những đồ dùng sinh hoạt của làng quê VN đầu thế kỷ 20 được giữ gần như nguyên vẹn.

Tiếp tôi bên góc vườn của gia đình Bác Hồ ở làng Sen, chị Thu và chị Hải nhiều lần ngắt quãng câu chuyện vì liên tục thay nhau thuyết minh cho các đoàn khách đến tham quan. Dưới cái nắng oi nồng của tháng 5, giọng Nghệ nhẹ nhàng như ru: "Lúc nãy, chúng ta đã thăm Hoàng Trù là quê ngoại của Bác, nơi Bác sinh ra và gắn bó 5 năm đầu đời. Bây giờ, em được đón các anh chị về với làng Sen, quê nội, mảnh đất này Bác Hồ đã gắn bó từ khi Bác lên 11 tuổi cho đến khi 16 tuổi".

Học Bác từ những câu chuyện nhỏ- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Hải kể chuyện cho du khách trong căn nhà gia đình Bác từng sinh sống ở làng Sen

ẢNH: K.HOAN

"Khu di tích làng Sen ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là ông Nguyễn Sinh Sắc đi thi, đậu phó bảng. Lần đầu tiên làng Sen có người đậu đại khoa, dân làng đã dựng cho ông ngôi nhà gỗ 5 gian để mừng ông phó bảng. Ngôi nhà ngang 3 gian là món quà của anh trai Nguyễn Sinh Thuyết mừng em đỗ đạt. Năm 1957, khi về thăm quê lần thứ nhất, Bác Hồ thấy trước cổng có bảng ghi "Nhà của Hồ Chủ Tịch", Bác cười vui, bảo đây là nhà ông phó bảng. Ý của Bác là nhờ công ơn của người cha đã đỗ phó bảng mới có ngôi nhà và khu đất rộng thế này. Nhưng điều đáng tiếc, khi Bác về đây, gia đình Bác chỉ còn 4 người là ông Nguyễn Sinh Sắc và 3 người con. Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan đã mất ở Huế khi mới 33 tuổi, em Bác là Nguyễn Sinh Xin qua đời khi chưa tròn 1 tuổi", giọng chị Thu chùng xuống. Đoàn người đứng vây quanh, lặng lẽ chăm chú lắng nghe.

Chị Thu kể, ngày 16.6.1957, trong dịp về thăm quê lần thứ nhất, khi chiếc máy bay trực thăng chở Bác Hồ hạ cánh xuống sân bay Vinh, Bác không lên chiếc xe ô tô đã được Tỉnh ủy Nghệ An chuẩn bị từ trước mà bất ngờ bước lên chiếc xe ô tô dành cho bảo vệ đậu ở gần đó. Biết lãnh đạo Tỉnh ủy lo lắng cho sự an toàn của mình, Bác nhẹ nhàng nói: "Không ai bảo vệ Bác tốt bằng nhân dân".

"Trở về quê sau rất nhiều năm xa cách, Bác đi dép cao su, ăn mặc giản dị, gần gũi với bà con. Về quê, Bác hỏi thăm cố Phương, một người già, nghèo nhất xóm. Bác hỏi thăm lò rèn cố Điền… Bác vẫn nhớ như in những lối vào, cổng nhà, vị trí đặt các đồ đạc trong nhà, hàng cây, người thân, làng xóm…", chị Hải góp lời.

Ngày Bác về thăm quê, một lãnh đạo tỉnh Nghệ An xin phép Bác trồng hoa trong vườn nhà Bác, nhưng Bác nói hoa khoai lang vẫn đẹp. Đến nay, khu vườn này vẫn được trồng khoai lang, đậu, lạc tùy theo mùa. "Hôm đó, Tỉnh ủy Nghệ An bố trí mâm cơm mời Bác, trong mâm cơm có đĩa cà muối. Mọi người ăn xong, trên đĩa còn dư 2 quả cà, Bác gắp một quả cho ông Nguyễn Trương Khoát, Bí thư Tỉnh ủy, và quả còn lại bỏ vào bát của Bác. Bác nói: "Đừng lãng phí của dân. Mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Thương dân là phải tiết kiệm, lãng phí là không thương dân", chị Thu kể.

Học Bác từ những câu chuyện nhỏ- Ảnh 3.

Thuyết minh về cuộc sống của gia đình Bác ở quê ngoại Hoàng Trù

ẢNH: K.HOAN

Kể chuyện về Bác để học Bác

Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên có gần 20 người thuyết minh ở 3 địa điểm quê nội, quê ngoại của Bác và khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Chị Trần Thị Thao, người đã có 36 năm thuyết minh ở quê Bác, cho biết thời điểm lượng khách đến đông nhất lại là mùa nắng nóng, cường độ làm việc rất cao, nhưng tình yêu đối với Bác và gia đình Bác khiến chị như quên hết mệt nhọc.

Chị Thao kể năm 2006, một lãnh đạo quân khu ở phía nam đã nghỉ hưu ra thăm quê Bác. Sau khi về, ông viết lá thư rất dài cảm ơn chị đã thuyết minh, truyền tải thông tin về cuộc đời Bác. "Cháu đã kể chuyện về cuộc đời của Bác, truyền tải cảm xúc rất tốt, rất cảm động, chạm đến trái tim của chú. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ rất cần những người như các cháu", ông viết.

"Công việc vất vả, nhưng những sự động viên như thế giúp chúng tôi rất hạnh phúc. Lá thư đó đến nay tôi vẫn giữ như một kỷ vật", chị Thao chia sẻ.

Chị Phan Thị Quý, Phó phòng Tuyên truyền Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, cũng là một người thuyết minh, kể có lần chị thuyết minh cho một đoàn khách người Nhật bằng tiếng Việt. Dù không biết tiếng Việt nhưng vị khách người Nhật vẫn rất chăm chú lắng nghe. Trước khi chia tay, ông ấy nói với người phiên dịch: "Tôi nghe như một giai điệu", "Tôi đọc được sự chân thành trong đôi mắt của cô ấy". "Sự tôn trọng, lắng nghe của khách đã mang đến cho tôi một cảm xúc rất lạ, cảm xúc đến từ ngôn ngữ biểu cảm. Hạnh phúc của chúng tôi là một cái nắm tay thật chặt hay một cái ôm nhẹ nhàng của những người về với quê Bác", chị Quý nói.

Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, cho hay công việc ở đây rất vất vả, có những tháng làm việc không có ngày nghỉ, nhưng mọi người đều làm hết mình với trách nhiệm và tình yêu đối với gia đình Bác. Các nhân viên tự học thêm ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Lào…) để thuyết minh.

"Làm việc ở đây, trong môi trường này, chúng tôi học được ở Bác nhiều điều. Chúng tôi luôn đặt sự thân thiện, thái độ phục vụ ân cần lên trên hết. Khi đến đây, lãnh đạo hay dân thường đều được đối xử bình đẳng, tôn trọng như nhau. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải luôn học để nâng cao kiến thức và kỹ năng phục vụ. Thời điểm ít khách, chúng tôi bố trí những người thuyết minh đi nói chuyện ở các trường học, cơ quan. Kể chuyện về Bác để học Bác, những câu chuyện nhỏ, nhưng người nghe sẽ nhận được những bài học giá trị ở trong đó", ông Tuấn nói.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-bac-tu-nhung-cau-chuyen-nho-185250518212739059.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm