Có ngành học phí công bố mức 5.000 USD/năm
Một trong những tiêu chí quan trọng khi thí sinh cân nhắc lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển là học phí (HP). Do đó, cùng với thông tin tuyển sinh, các trường đại học (ĐH) đang trong giai đoạn công bố HP dự kiến áp dụng cho sinh viên (SV) trúng tuyển khóa tuyển sinh 2025. Thông tin từ các trường đã công bố cho thấy, sức khỏe vẫn là khối ngành đứng đầu về HP, cả trường công và tư.
Phụ huynh và thí sinh trúng tuyển chờ làm thủ tục nhập học, trong đó có bước đóng học phí
ẢNH: NHẬT THỊNH
Mới đây, Trường ĐH Y dược Cần Thơ thông tin HP khóa tuyển sinh năm 2025 bậc ĐH chính quy. Ba ngành có HP cao nhất trên 63 triệu đồng/năm gồm: y khoa, răng-hàm-mặt, dược học. Các ngành còn lại HP dao động trên 44 đến gần 60 triệu đồng/năm. So với năm 2024, HP hầu hết các ngành có mức tăng từ 10 - 12 triệu đồng/năm học. Riêng ngành y khoa năm 2025 tăng gần 14 triệu đồng so với khóa tuyển sinh năm 2024.
Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cũng công bố thông tin HP dự kiến năm 2025. Trong đó, ngành y khoa và dược học có mức thu 40 triệu đồng/năm, riêng ngành y khoa tăng 8,9 triệu đồng so với năm trước. Các ngành còn lại HP dự kiến năm 2025 ở mức 30 triệu đồng/năm (tăng 6,4 triệu đồng so với năm 2024).
Trong khi đó, Trường ĐH Y dược TP.HCM dự kiến không tăng HP so với năm 2024. Thí sinh trúng tuyển năm 2025 đóng HP dự kiến từ 30 - 84,7 triệu đồng/năm tùy ngành. Ngành răng-hàm-mặt có mức HP cao nhất là 84,7 triệu đồng. Tiếp đến, ngành y 82,2 triệu đồng/năm. Ngành dược dự kiến thu 60,5 triệu đồng/năm. Các ngành y học cổ truyền, y học dự phòng, hóa dược cùng mức HP dự kiến 50 triệu đồng/năm. Các ngành có cùng mức thu 46 triệu đồng/năm gồm: điều dưỡng, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, y tế công cộng. Lần đầu tiên tuyển sinh, ngành công tác xã hội có HP thấp nhất ở mức 30 triệu đồng/năm. Dù không tăng nhưng HP đào tạo các ngành bác sĩ của trường vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khối trường công lập.
Khối tư thục, HP các ngành sức khỏe ở nhiều mức khác nhau. Ví dụ, Trường ĐH Y dược Buôn Ma Thuột dự kiến tăng từ mức 60 triệu đồng/năm lên 65 triệu đồng/năm với ngành y khoa chương trình đào tạo tiếng Việt. Đáng chú ý, với chương trình đào tạo tiếng Anh ngành y khoa, trường này công bố HP dự kiến ở mức 5.000 USD/năm (khoảng hơn 129 triệu đồng). Ngành y học cổ truyền HP 50 triệu đồng/năm, y học dự phòng 40 triệu đồng/năm. Thấp nhất là ngành y tế công cộng, dự kiến thu 20 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố HP tạm thu học kỳ 1 năm học 2025 - 2026 ở mức 72 triệu đồng với ngành răng-hàm-mặt, y khoa. Với 15 học kỳ, HP toàn khóa 2 ngành này ở mức 1,080 tỉ đồng (chưa gồm HP giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng - an ninh). Ngành y học cổ truyền tạm thu 32 triệu đồng/học kỳ, dược học 23 triệu đồng/học kỳ, các ngành cử nhân sức khỏe khác 22 triệu đồng/học kỳ (10 học kỳ/khóa học). Năm học 2024 - 2025, trường này công bố HP trong đề án tuyển sinh ngành y khoa và răng-hàm-mặt chương trình tiếng Việt ở mức 210 triệu đồng/năm; các ngành khác chương trình tiếng Việt khoảng 55 - 90 triệu đồng/năm.
Sinh viên khối ngành sức khỏe. Đứng đầu danh sách học phí đắt đỏ vẫn là khối ngành sức khỏe
ảnh: Ngọc Dương
Các ngành tâm lý học, báo chí..., học phí tăng cao
Các trường ĐH đào tạo các khối ngành khác cũng dự kiến tăng HP với SV trúng tuyển năm 2025.
HP Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến trên 16,6 - 29,8 triệu đồng/năm trong năm học 2025 - 2026. Trong đó, nhóm 1 HP khoảng 16,6 triệu đồng/năm áp dụng các ngành tôn giáo học, triết học, địa lý học, lịch sử, ngôn ngữ Nga, Tây Ban Nha, Ý... Nhóm 2 khoảng 24,2 triệu đồng/năm áp dụng các ngành: xã hội học, ngôn ngữ học, văn hóa học, quản trị văn phòng, công tác xã hội... Nhóm 3 khoảng 29,8 triệu đồng/năm gồm các ngành: tâm lý học, báo chí, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn, ngôn ngữ Trung... Mức HP chương trình đào tạo quốc tế là 60 triệu đồng/năm.
Như vậy, so với năm học 2024 - 2025, HP chương trình đào tạo quốc tế của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM không tăng. Trong khi đó, các ngành thuộc chương trình chuẩn HP tăng theo nhiều mức khác nhau, trong đó tỷ lệ tăng cao nhất thuộc về ngành: tâm lý học, báo chí, truyền thông đa phương tiện, quan hệ quốc tế (tăng từ 24,2 lên 29,8 triệu đồng). Mức thu cao nhất áp dụng với SV nước ngoài ngành Việt Nam học ở mức 72 triệu đồng, cũng tăng 6 triệu đồng so với năm 2024.
Có chương trình liên kết học phí 256 triệu đồng/năm
HP năm 2025 của Trường ĐH Mở TP.HCM dự kiến tăng 1,5 - 2 triệu đồng so với năm trước tùy ngành. Trong đó, các ngành đại trà HP dự kiến từ 24 - 28,5 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao, học phí từ 46,5 - 49,5 triệu đồng/năm.
ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đã công bố HP năm 2025, so với năm ngoái, HP các chương trình sẽ tăng hơn 200.000 đồng/tín chỉ. Trong đó, HP các chương trình tiếng Việt khoảng 1,1 - 1,3 triệu đồng/tín chỉ. Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và thực hành, đơn giá được tính gấp 1,2 - 1,4 lần so với chương trình tiếng Việt. Riêng đào tạo tại Vĩnh Long, mức HP năm học 2025 - 2026 bằng 60% của cơ sở tại TP.HCM.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố HP năm 2025 từ 30 - 80 triệu đồng/năm. Trong đó, các chương trình đào tạo có HP thấp nhất 30 triệu đồng/năm gồm: 40 ngành hệ tiêu chuẩn, 15 ngành hệ tài năng, 8 ngành kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp. Các chương trình đào tạo có HP 60 triệu đồng/năm bao gồm: 1 ngành chuyển tiếp Nhật Bản, 2 ngành định hướng Nhật Bản. Các chương trình có HP 80 triệu đồng/năm bao gồm: 1 ngành chương trình tiên tiến, 27 ngành dạy và học bằng tiếng Anh, 2 năm đầu chương trình chuyển tiếp quốc tế. Năm 2025, lần đầu tiên trường có 2 ngành thuộc chương trình liên kết cử nhân kỹ thuật quốc tế với HP là 256 triệu đồng/năm.
HP dự kiến năm 2025 một số trường khác cũng tăng so với năm 2024. Ví dụ, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) từ 27,5 triệu đồng/năm (2024) lên 31,5 triệu đồng/năm (2025); Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM từ 21 triệu đồng/năm lên 24,2 triệu đồng/năm; Trường ĐH Tài chính - Marketing tăng từ 805.000 - 1.798.000 đồng/tín chỉ lên mức 845.000 - 1.753.000 đồng/tín chỉ…
Một số trường tư thục công bố HP giữ ổn định toàn khóa học. Ví dụ, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM HP bình quân 13 - 15,5 triệu đồng/học kỳ (tùy ngành mỗi khóa học từ 14 - 18 học kỳ). Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM HP trung bình khoảng 20 triệu đồng/học kỳ (mỗi năm có 4 học kỳ)…
Trong khi đó, hiện vẫn còn nhiều trường ĐH công lập và tư thục chưa công bố thông tin tuyển sinh và HP dự kiến năm 2025.
Căn cứ để trường ĐH xây dựng HP
HP bậc ĐH hiện được áp dụng theo Nghị định 97/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Năm học 2025 - 2026 trường ĐH công lập chưa tự chủ được thu HP tối đa từ 15,2 - 31,1 triệu đồng/năm học 10 tháng. Mức thu này tăng thêm 1,7 - 3,5 triệu đồng so với năm học 2024 - 2025 tùy khối ngành.
Các trường ĐH công lập đã tự đảm bảo chi thường xuyên, HP năm học tới tối đa 30,4 - 62,2 triệu đồng/năm (tăng 3,4 - 7 triệu đồng so với trước đó). Các trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, HP được thu tối đa dao động từ 38 - 77,75 triệu đồng/năm tùy khối ngành (tăng thêm từ 4,25 - 8,75 triệu đồng).
Không tính các chương trình đạt mức kiểm định chất lượng được tự xác định mức thu HP trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do trường ban hành, thì HP bậc ĐH của năm học tới đây thấp nhất 15,2 triệu đồng và cao nhất lên tới 77,75 triệu đồng tùy loại hình trường và khối ngành đào tạo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-phi-dai-hoc-tang-cao-trong-nam-2025-185250508192404571.htm
Bình luận (0)