Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học sinh được học gần nhà, phụ huynh vừa mừng, vừa lo

Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trương từ năm 2026 sẽ tính toán lại việc tuyển sinh để học sinh (HS) sẽ được học trường gần nhà thay vì phân tuyến tuyển sinh theo phường như hiện nay. Nhiều phụ huynh phấn khởi vì điều này nhưng có ý kiến cho rằng, vấn đề đáng quan tâm hơn vẫn là chất lượng giáo dục.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên07/05/2025

Nhà cạnh trường nhưng không đúng tuyến

Chị D.H cho biết, nhà chị ở phố Hoa Lư (Q.Hai Bà Trưng), ngay cạnh Trường tiểu học Tây Sơn, con chị có thể đi bộ vài bước chân sang trường nhưng theo phân tuyến tuyển sinh theo phường thì con lại học đúng tuyến ở Trường tiểu học Bà Triệu, phải đi qua đường lớn, xa hơn và buộc phải có người đưa đón… 

Nếu muốn học Trường tiểu học Tây Sơn thì gia đình phải làm đơn xin học trái tuyến, xin xác nhận về cư trú, và… chờ trường tuyển đủ HS đúng tuyến thì mới xem xét các trường hợp khác.

Học sinh được học gần nhà, phụ huynh vừa mừng, vừa lo- Ảnh 1.

Phụ huynh Trường tiểu học Tây Mỗ 3 bức xúc vì con không được học trường gần nhà (năm 2024)

ẢNH: ĐÌNH HUY

Việc tuyển sinh theo tuyến lâu nay dù các quận, huyện ở Hà Nội cố gắng tính toán để HS mầm non, lớp 1, lớp 6 được học gần nhà nhất có thể nhưng vẫn xảy ra nhiều bất cập như trường hợp của gia đình chị D.H nêu trên.

Còn nhớ, mùa tuyển sinh đầu cấp năm 2024, hàng trăm phụ huynh mang theo hồ sơ đến Trường tiểu học Tây Mỗ 3 (Q.Nam Từ Liêm) "quây" trường đòi quyền lợi vì con không được vào học dù trường ở ngay gần nhà và năm học mới sắp đến gần. 

Nhiều phụ huynh chia sẻ, nhà ở ngay cạnh trường nhưng vẫn bị từ chối với lý do không đúng tuyến tuyển sinh hoặc hết chỉ tiêu nên không tuyển nữa. Việc học ở ngôi trường xa nhà khiến các gia đình gặp nhiều khó khăn khi vừa phải đi làm, vừa phải đưa con đi học sớm. Hơn nữa, việc HS tiểu học phải đi học xa nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn trong quá trình di chuyển…

Câu chuyện phân tuyến tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội từ lâu đã trở thành đề tài "nóng" trên các diễn đàn phụ huynh. Tình trạng HS sinh sống gần trường nhưng lại bị phân tuyến đến một ngôi trường ở xa nhà gây ra không ít bất tiện trong việc đưa đón, ảnh hưởng đến thời gian và sức khỏe của cả con em lẫn cha mẹ. Thậm chí, nhiều gia đình phải tìm đủ mọi cách để con được hưởng điều tưởng như đương nhiên, đó là học trường gần nhà nhất.

Chính ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, từng chia sẻ: "Có những trường hợp nằm ở địa bàn giáp ranh khó xác định thuộc địa bàn tuyển sinh nào. Chuyện như giai thoại ở các năm trước, là có trường hợp HS nằm ở địa phận mà khi đi ngủ thì "đầu nằm ở tuyến tuyển sinh này mà chân thì lại ở tuyến tuyển sinh khác". Ông Cương đề nghị phải tính toán phân tuyến linh hoạt, thống nhất với chính quyền sở tại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học.

Từ thực tế trên, thông tin về việc Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tính toán để được phân tuyến tuyển sinh theo hệ thống định vị của bản đồ số, HS sẽ được học trường gần nhà thay vì phân tuyến khá máy móc như hiện nay khiến phụ huynh đặc biệt quan tâm và mong đợi. 

Nếu thực hiện được điều này, HS có cơ hội học tập trong môi trường gần gũi, quen thuộc, giảm thiểu thời gian di chuyển, có thêm thời gian cho các hoạt động phát triển toàn diện. 

Cạnh đó còn giúp giảm áp lực giao thông đô thị. Hàng nghìn phụ huynh không còn phải di chuyển quãng đường dài để đưa đón con em, góp phần giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm…

Trường học phải đủ, chất lượng phải tương đồng

Hàng chục năm nay, ngành giáo dục Hà Nội đều nêu quyết tâm giảm tình trạng học trái tuyến nhưng cũng chưa có bất cứ đánh giá nào về việc thực hiện chủ trương này. Bên cạnh lý do một bộ phận HS phải học trái tuyến do những bất cập trong phân tuyến tuyển sinh thì lý do quan trọng hơn vẫn là vấn đề trường lớp quá tải, chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các nhà trường.

Trở lại việc hàng trăm phụ huynh "quây" Trường tiểu học Tây Mỗ 3, lý do khiến HS gần nhà nhưng không được học là do trường học bị quá tải, dân số ở khu đô thị mới nơi trường đóng tăng cơ học quá nhanh khiến điều kiện của trường không đáp ứng được tất cả các trường hợp HS có nơi ở thực tế gần trường.

Một lý do khác cũng rất quan trọng, đó là chất lượng giáo dục cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên còn chênh lệch giữa các trường trong khi mong muốn cho con học ở môi trường tốt là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và HS.

Chị H.A, nhà ở Đội Cấn (Q.Ba Đình), cho biết năm học tới con chị vào lớp 6 nhưng nếu theo đúng tuyến tuyển sinh thì con sẽ phải vào trường THCS có chất lượng không tốt, trong khi gia đình lại không có điều kiện cho con học trường tư. Do vậy, theo chị H.A, mong muốn là con được học ở một trường khác trên địa bàn quận, dù phải đưa đón nhưng chất lượng giáo dục sẽ khiến phụ huynh yên tâm hơn.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho rằng để đảm bảo HS được học trường gần nhà và yên tâm với ngôi trường đó thì biện pháp lâu dài vẫn là đầu tư đồng đều về chất lượng dạy và học cũng như cơ sở vật chất để phụ huynh, HS không phải đi học trái tuyến, học xa nhà.

Nói về giải pháp hạn chế học trái tuyến, xa nhà, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục, cũng cho rằng điều quan trọng là "điều hòa" được chất lượng giữa các trường, tránh tình trạng nơi này quá đông về số lượng, nơi kia không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. 

Khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường đều đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục theo mặt bằng chung, chắc chắn tình trạng "chạy trường, chọn lớp" sẽ giảm mạnh.

Tuyển sinh theo hệ thống định vị, nơi ở thực tế

Sở GD-ĐT đang nghiên cứu triển khai hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - bản đồ số GIS) trong tuyển sinh đầu cấp, dự kiến áp dụng từ năm học 2026 - 2027. 

Qua hệ thống định vị, nơi ở thực tế của HS gần trường nào thì có thể vào học ở trường đó. Như vậy, HS sẽ được học trường gần nhà thay vì phân tuyến tuyển sinh theo phường như hiện nay. Việc này sẽ giúp giảm tải cho các gia đình, HS và thầy cô giáo.

(Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)


Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-sinh-duoc-hoc-gan-nha-phu-huynh-vua-mung-vua-lo-185250506205442858.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm