"Cây có cội, sông có nguồn"

Huyện Thanh Miện có hơn 40 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 6 di tích thờ các nhân vật thời Hùng Vương. Vào dịp Giỗ Tổ hằng năm, nhiều trường học trong huyện đã tổ chức các hoạt động thiết thực để giúp học sinh hướng về cội nguồn dân tộc.
Năm nay, Trường Tiểu học Tứ Cường tổ chức hoạt động "về nguồn" cho học sinh. Địa điểm được nhà trường lựa chọn để tham quan, trải nghiệm là đình An Khoái - nơi hiếm hoi trong tỉnh thờ vọng Vua Hùng.
Dưới tán đa cổ thụ, cô giáo Vũ Thị Hoa, Trường Tiểu học Tứ Cường và các em học sinh đã cùng tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của đình An Khoái và công lao to lớn của các Vua Hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Theo cô Hoa, di tích này có niên đại đầu thế kỷ 20 và được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung. Ngoài thờ vọng Vua Hùng, đình An Khoái còn thờ 3 vị thành hoàng làng là Đào Đại Hùng, Võ Công Trực và Bùi Khán đều có công phò giúp nhà hậu Lê. Hiện di tích vẫn còn lưu giữ được một số đồ tế tự có giá trị, điển hình là cuốn thư sơn son thếp vàng làm bằng gỗ có niên đại 116 năm. Năm 2007, đình An Khoái được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Em Nguyễn Thị Thảo My, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Tứ Cường cho biết: "Đình An Khoái cùng một số di tích lịch sử trong xã luôn là địa chỉ đỏ đối với chúng em. Hằng năm, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá tại các di tích này để giúp học sinh hiểu rõ hơn về nguồn cội và lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp để chúng em tự học tập, nâng cao kiến thức thông qua việc nghiên cứu các di tích lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương".
Với vai trò là thuyết minh viên, cô giáo Vũ Thị Mỵ ở Trường Tiểu học Chi Lăng Bắc đã tự tìm hiểu kỹ lưỡng về đình Tào Khê. Nhờ đó, tiết học ngoại khoá được tổ chức tại di tích lịch sử này đã cung cấp cho các em học sinh lớp 5 nhiều thông tin bổ ích. Một số em bất ngờ khi biết đình thờ 4 vị thành hoàng làng đều là dòng dõi vua Lạc Long Quân hay vai trò của đình trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống giặc Đông Hán.
"Có em sống gần các di tích lịch sử nhưng không biết thờ ai, công lao của các nhân vật này như thế nào? Việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá là cần thiết để giúp các em học sinh nhận thức rõ hơn về lịch sử dân tộc và địa phương", cô giáo Mỵ chia sẻ.
Đa dạng cách làm
Đình Thủ Pháp ở xã Đoàn Kết là một minh chứng lịch sử rõ nét của thời kỳ Hùng Vương. Tại đây đang lưu giữ bản thần tích bằng chữ Hán nói về sự tích Tản Viên Sơn Thánh (tục gọi là Sơn Tinh) đầy ly kỳ và huyền bí. Mỗi năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, khu di tích lịch sử cấp quốc gia này đón nhiều đoàn học sinh đến tham quan.
Trường THCS Đoàn Kết đã có nhiều hoạt động thiết thực tại di tích lịch sử đình Thủ Pháp. Tại đây các em được tìm hiểu về các phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như các lễ hội truyền thống của quê hương. Học sinh còn được tìm hiểu về di tích lịch sử, làm hướng dẫn viên du lịch để quảng bá văn hoá, lịch sử địa phương. Hằng năm vào mùa lễ hội, nhà trường thường tổ chức cho học sinh dọn dẹp môi trường, biểu diễn văn nghệ hay tham gia rước kiệu thánh...
Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện, các di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay với sự hy sinh của lớp người đi trước. Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là hình thức giáo dục hiệu quả giúp học sinh nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa của quê hương. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” cũng là cách làm hay có tác động tích cực vào sự hình thành nhân cách, vun đắp lý tưởng sống, ý chí, bản lĩnh cho các thế hệ học sinh.
ĐQNguồn: https://baohaiduong.vn/hoc-sinh-thanh-mien-huong-ve-nguon-coi-408352.html
Bình luận (0)